Hà Nội mời Nhật làm tàu điện ngầm: Vẫn lo Trung Quốc?

Thứ năm, 03/08/2017, 09:43
Thà chấp nhận mất tiền một lần, chứ không thể để tiếp tục mắc sai lầm cho chiến lược phát triển thiếu đồng bộ như trước đó

Sao kỳ lạ thế...?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đồng tình với quyết định chỉ lựa chọn công nghệ duy nhất của một nước để phát triển Metro tàu điện ngầm cho Hà Nội.

Metro Bến Thành - Suối Tiên

Như vậy, Hà Nội sẽ tránh được lo ngại phát triển tàu điện ngầm kiểu "năm cha, ba mẹ", tức là sử dụng hệ thống đầu tàu của một nước nhưng toa tàu lại của một nước khác gây khó khăn trong việc tích hợp các phần mềm của các hãng lại với nhau.

Ông cho biết, nếu Hà Nội chọn công nghệ tàu điện ngầm của Nhật Bản thì khi phát triển tự nó đã đồng bộ với nhau chứ không như kiểu phát triển của Hà Nội hiện nay.

"Tôi thấy Hà Nội lạ lùng quá. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì sử dụng công nghệ Trung Quốc, đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội lại sử dụng công nghệ của Pháp, còn tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi dự kiến sử dụng công nghệ của Nhật Bản…

Chỉ với ba tuyến đường Hà Nội lựa chọn tới ba nhà đầu tư. Kỳ cục quá. Vấn đề này đặt ra câu hỏi lớn về chiến lược tham mưu phát triển đường sắt của Hà Nội. Nó đang cho thấy Hà Nội thiếu hẳn một chiến lược toàn diện từ việc xây dựng kế hoạch phát triển đường sắt cho tới chuyện kết nối, bảo trì và thay thế thiết bị", ông Tống nói.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng quyết định sẽ mời các doanh nghiệp ở Tokyo (Nhật Bản) đến tư vấn phát triển hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội là lựa chọn hợp lý.

Mặc dù còn lo ngại về giá sản phẩm của Nhật thường rất cao, cao hơn gấp nhiều lần so với Trung Quốc, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống vẫn cho rằng "đắt nhưng xắt ra miếng".

"Thà chấp nhận mất tiền một lần, chứ không thể để tiếp tục mắc sai lầm cho chiến lược phát triển thiếu đồng bộ như trước đó", ông Tống nhấn mạnh.

Không nhiều lựa chọn

Để chứng minh cho nhận định lựa chọn doanh nghiệp Nhật là đúng đắn, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống so sánh giữa ba nhà đầu tư là Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp.

PGS Thiện Tống đánh giá cao hơn công nghệ của Nhật và Pháp và cũng đặt ra nhiều vấn đề không ổn đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó, có nhiều vấn đề liên quan tới cả kinh tế và chính trị như những vướng mắc trong hợp đồng, chậm tiến độ, đội vốn, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu thì còn mối lo phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc gây lo ngại trong dư luận.

Theo vị chuyên gia, để tránh lặp lại những sai lầm trước đó, quyết định của Hà Nội là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đối với hai nhà đầu tư còn lại là Pháp và Nhật, ông nói thẳng việc lựa chọn Nhật là tất yếu.

"Trong bối cảnh chúng ta đang thiếu vốn nghiêm trọng để phát triển hạ tầng, Hà Nội không có nhiều lựa chọn, kể cả phải chấp nhận việc mua bán mang tính chất độc quyền này.

Hà Nội chỉ có thể lựa chọn Nhật vì ngoài việc tư vấn phát triển công nghệ tàu điện ngầm ở đây còn liên quan tới câu chuyện vay vốn ODA. Nếu chọn Nhật Hà Nội sẽ có nhiều thuận lợi trong vay vốn của nước này thay vì chọn Pháp. Ngoài việc sẵn sàng mở hầu bao, thì nguồn ODA của Nhật cũng được đánh giá là ổn định, dồi dào hơn so với Pháp", ông Tống phân tích.

Dù không phủ nhận những sự cố như đội vốn, chậm tiến độ vẫn đang diễn ra tại các dự án Metro sử dụng công nghệ của Nhật như các tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên.

Tuy nhiên, PGS Thiện Tống cho rằng, có việc nhà đầu tư này xin đội vốn được và nhà đầu tư khác cũng xin được là do được "chiều chuộng quá mức".

"Ở đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Việt Nam. Có việc dự án nào cũng xin đội vốn là do họ đang nhìn nhau, thấy xin được thì họ làm. Tôi băn khoăn, liệu có sự thông đồng giữa các cơ quan quản lý với nhà đầu tư để cùng nâng giá, xin thêm vốn cùng hưởng lợi ở đây không? Dự án này không nằm trong danh mục các dự án liên quan tới an ninh quốc phòng, không có gì phải bí mật cả. Do đó, việc này cần phải làm cho rõ, cho nghiêm, phải làm công khai, minh bạch để người dân và Quốc hội cùng giám sát", ông Tống đặt vấn đề.

Theo ông Tống, nếu không thay đổi cách làm thì không chỉ dự án của Nhật, Trung Quốc mà với nhà đầu tư nào cũng có thể xin đội vốn.

Không để tác động

Trước mối lo ngại Trung Quốc sẽ tìm cách tác động để xuất khẩu đường sắt sang Việt Nam, vị chuyên gia thừa nhận đây là lo ngại có thật.

"Trước đây, khi đề cập tới chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, có một lãnh đạo của Bộ GTVT từng đề cập tới việc sẽ mời nhà đầu tư Trung Quốc rồi. Họ dẫn đủ lý do là vì giá rẻ, chất lượng cũng tốt... Tuy nhiên, tôi cho rằng, Hà Nội cần thẳng thắn từ chối, phát triển tàu điện ngầm thì không thể vì giá rẻ mà lựa chọn.

Khi những nghi vấn đưa hối lộ, phong bì lót tay, nguy cơ tham nhũng rất lớn tại những dự án do nhà đầu tư Trung Quốc vẫn là mối lo của xã hội thì việc lựa chọn Nhật Bản sẽ an toàn hơn cả về kinh tế và chính trị", ông Tống nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn