Tăng lương tối thiểu 6,5%: có thực chất?

Thứ ba, 08/08/2017, 09:59
Với phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 lên 6,5%, đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN (LĐLĐ VN) và đại diện người sử dụng lao động đều cho rằng vẫn "chưa hài lòng" với mức tăng này.

Chị Vũ Thị Bích Mai (công nhân ở KCN Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết lương sau khi trừ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì còn khoảng 6 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập của chồng thì chỉ đủ nuôi hai con nhỏ, chi phí sinh hoạt và trả tiền nhà trọ hằng tháng. Trong ảnh: chị Bích Mai đi chợ sau khi tan ca chiều 7-8

Theo ông Doãn Mậu Diệp - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 lên 6,5% (so với hiện hành), tương đương mức tăng từ 180.000 đến 230.000 đồng (tùy từng vùng) để trình Chính phủ quyết định.

Sau năm 2020 lương mới bắt kịp mức sống tối thiểu

"Có thể nói chất lượng cuộc sống và tương lai của công nhân lao động và gia đình họ phụ thuộc hoàn toàn vào tổng thu nhập theo tháng và bị chi phối mạnh bởi mức lương tối thiểu vùng".

Thạc sĩ VÕ VĂN HIỆU (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM)

PV nêu câu hỏi: các bên có hài lòng với kết quả tăng lương tối thiểu 6,5% (so với hiện hành)? Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, khẳng định: “Tổng LĐLĐ VN không hài lòng với mức tăng này”.

Theo ông Chính, với mức tăng 6,5%, lộ trình tăng lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như Luật lao động quy định có thể phải kéo dài đến sau năm 2020.

Về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch VCCI, “cũng chưa hài lòng với kết quả tăng 6,5%”. Ông Phòng cho rằng tình hình kinh tế đất nước đã có những cải thiện, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Qua khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp vẫn đang khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp đề nghị năm 2018 không tăng lương tối thiểu, vì 5 năm liên tiếp gần đây năm nào cũng tăng lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu tức là sẽ tăng chi phí của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì cần tồn tại” - ông Phòng nói.

Vẫn phải “rượt đuổi” mức sống tối thiểu

PV hỏi lương tối thiểu tăng sẽ đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu sống tối thiểu, việc tăng như vậy liệu có thực chất sẽ tăng thu nhập của người lao động hay khi tăng thì doanh nghiệp sẽ lại cắt xén các khoản khác ngoài lương của người lao động?

Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm (như học hành, nhà ở...). Cả Tổng LĐLĐ VN và VCCI đều có khảo sát, phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình.

“Với phương án tăng trung bình 6,5% thì ở từng vùng sẽ đáp ứng 92-96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Lương tối thiểu vẫn phải rượt đuổi mức sống tối thiểu. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu” - ông Diệp cho biết.

Vẫn theo ông Diệp, có thể nhìn mức tăng chỉ là một con số, không tăng nhiều như các năm trước, nhưng thực tế thì “đây là mức tăng rất đáng kể, là tăng thực chất chứ không phải là không, tăng ở vùng IV là thấp nhất cũng 180.000 đồng, vùng I tăng cao nhất là 230.000 đồng.

Và đây không chỉ đơn thuần là tăng 180.000 hay 230.000 đồng, mà còn dựa vào thang, bảng lương nữa nên đây là mức tăng thực chất”.

Ông phân tích rằng hiện ngoài lương, người lao động còn được hưởng các khoản thu nhập khác như tiền lao động chuyên cần, tiền năng suất, rồi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà doanh nghiệp đóng cho người lao động.

Lương tối thiểu tăng tức là các mức đóng này sẽ tăng, và đó là cái mà người lao động được hưởng.

Đích phấn đấu là lương trung bình

Bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất nhằm bảo vệ những lao động yếu thế, để người lao động không bị bóc lột, để người sử dụng lao động không được trả lương thấp hơn mức này.

Lương tối thiểu là mức sàn để đảm bảo cho những chi phí tối thiểu của người lao động.

“Lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả. Thu nhập của người lao động chủ yếu dựa vào lương trung bình. Lương trung bình là quan trọng nhất. Mà lương trung bình phải do thỏa thuận, thương lượng của mỗi bên: người lao động, chủ sử dụng lao động. Lương trung bình do năng suất lao động, năng suất cao thì lương cao” - bà Minh phân tích.

Theo bà Minh, trong cơ cấu thu nhập của người lao động, lương tối thiểu chiếm 40-60%, còn lại là lương trung bình.

“Cái đích phấn đấu là tiền lương trung bình, do thương lượng giữa hai bên. Xu thế các năm tới lương tối thiểu vẫn tăng, nhưng sẽ tăng thấp, không thể tăng mãi được, không thể tăng 2 con số như những năm trước. Mức tăng 6,5% như vậy là đủ bù trượt giá và sẽ đảm bảo mức sống của người lao động” - bà Minh nói.

Sau hai phiên họp mà các bên chưa thống nhất (chủ yếu là phía đại diện người lao động là Tổng LĐLĐ VN, đại diện giới sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), phiên họp thứ 3 diễn ra sáng 7-8 các bên đã đưa ra được 2 phương án tăng lương tối thiểu để bỏ phiếu (tăng 7% và 6,5%).

Kết quả: 6/14 thành viên hội đồng bỏ phiếu mức tăng 7%, 8/14 phiếu bỏ cho phương án tăng 6,5%.

Theo TTO

Các tin cũ hơn