Bí thư Bình Thuận hiến kế: không cần "nhận chìm vật chất"!

Thứ ba, 08/08/2017, 10:04
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đề xuất dùng vật chất nạo vét cảng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để làm mặt bằng cảng tổng hợp Vĩnh Tân gần đó.

Kè đá tạo âu, luồng cho tàu chở than vào cảng ở nhiệt điện Vĩnh Tân

Tối 7-8, khi trao đổi riêng với PV về dự án nhận chìm 1 triệu m3 vật chất xuống biển Hòn Cau, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một gợi ý mang tính cá nhân: Hiện cảng tổng hợp Vĩnh Tân - nằm sát cảng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - đã xây kè để tạo mặt bằng cho cảng và đang cần đưa vật liệu vào để san lấp.

Do đó, hoàn toàn có thể dùng vật chất nạo vét ở Vĩnh Tân 1 đưa sang cảng tổng hợp Vĩnh Tân, thay vì đem nhận chìm ở biển Hòn Cau.

Ông Hùng cũng cho biết sở dĩ địa phương có đề xuất như vậy là bởi hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang cần đảm bảo tiến độ để vận hành.

Cụ thể, tiến độ của nhà này là tiếp nhận tàu than đầu tiên vào ngày 5-11-2017 và trước ngày 15-12-2018 phải vận hành thương mại của tổ máy số 1. Toàn nhà máy phải đi vào vận hành trước ngày 15-6-2019.

Trong khi đó, giấy phép nhận chìm vật chất do Bộ Tài nguyên môi trường cấp cho nhà máy này sẽ hết hạn vào ngày 31-10-2017.

Đưa ra gợi ý như vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng 2 doanh nghiệp (nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và cảng tổng hợp Vĩnh Tân) nên trao đổi với nhau, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, tư vấn... Và các bộ liên quan nên làm đầu mối "kết nối" hai doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh vẫn phải chờ kết quả rà soát, đánh giá lại việc nhận chìm vất chất ở Hòn Cau, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tháng 6-2017, thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy cho phép Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu - khu vực trước bến của cảng than phục vụ cho nhà máy, xuống vùng biển cách khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ khoảng 8km.

Sau khi có giấy phép trên, trước dư luận lo ngại cho môi trường của Hòn Cau, đặc biệt của khu vực nuôi tôm giống, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn đề nghị Ban Bí thư, Ban Kinh tế trung ương chỉ đạo xem xét lại một cách khách quan, toàn diện dự án này.

Ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định pháp luật, đồng thời giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Theo TTO

Các tin cũ hơn