|
Khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh. |
Những lời cảnh báo
Trao đổi với PV , một nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho biết, việc khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê từng có nhiều lời cảnh báo về việc triển khai dự án. Điều đầu tiên phải lưu ý: Thạch Khê là mỏ có thân quặng nằm sâu dưới mặt nước biển ở mức âm 550m nên việc khai thác lộ thiên phía trên không vấn đề gì nhưng khi đào sâu thì do mỏ cách bờ biển 1,5km nên có nguy cơ nước biển ngấm vào. Việc chống thấm sẽ là vấn đề rất lớn với dự án và không dễ giải quyết như những gì Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê và Bộ Công Thương nói.
Cũng theo vị này, trước đây, khi mỏ Thạch Khê vẫn còn thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (sau dự án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam), một tổ hợp đối tác gồm 3 tập đoàn lớn chuyên về khai thác mỏ của Nam Phi, Đức và Nhật đã làm luận chứng kinh tế kỹ thuật với mỏ Thạch Khê. Kết quả, sau được đưa ra đánh giá quốc tế, với kết luận rất khó khai thác mỏ. Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản cũng từng dành nhiều thời gian làm luận chứng kỹ thuật về mỏ Thạch Khê với công suất 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tập đoàn Nhật Bản sau cũng phải rút lui với lý do không thể thực hiện hiệu quả dự án.
“Kết luận của các tập đoàn nước ngoài cho rằng quặng từ mỏ Thạch Khê có tỷ lệ kẽm quá cao, cao hơn 10 lần so với quặng thương phẩm trên thị trường. Vì vậy các đơn vị đã rút lui với lời cảnh báo không thể thu lợi nhuận nếu đầu tư vào mỏ”, vị này cho hay.
Ông Phạm Cường, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Đúc và Luyện kim cho biết, trước ông đã từng cùng nhiều chuyên gia ngành thép Việt Nam ra nước ngoài làm việc với cac đối tác xung quanh việc khai thác mỏ Thạch Khê.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các giải pháp, các chuyên gia nước ngoài thừa nhận cả thế giới khó có thể tìm được mỏ thứ hai khó khai thác như mỏ sắt Thạch Khê. Các tập đoàn nước ngoài cũng đưa ra giải pháp khai thác mỏ bằng cách phải dành 3 năm xây một bức tường khổng lồ bao quanh mỏ rồi từ đó hạ dần mực nước ngầm xuống.
Tuy nhiên, cách làm này làm tăng 30% giá thành khai thác quặng. Ngoài chi phí tốn kém, mỏ còn phải đối mặt với việc phải dừng hoạt động suốt 3 tháng mùa mưa nên không thể hiệu quả. “Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyên chỉ nên khai thác mỏ đến độ sâu 300m. Còn lại thì bỏ, chờ khi khoa học tiến bộ, giải quyết được vấn đề tỷ lệ kẽm trong quặng cao thì mới khai thác tiếp”, ông Cường nói và cảnh báo với công nghệ hiện nay, nếu cố tình khai thác thì về sau chủ đầu tư sẽ phải đối mặt tình trạng có quặng nhưng không thể bán được do tỷ lệ kẽm quá cao.
Cũng theo ông Cường, dự án Thạch Khê khi đi vào hoạt động ở độ sâu sẽ có nguy cơ hút hết nước ở các khu vực xung quanh mỏ, gây ra tình trạng hạn hán cho nhiều địa phương và khi đó không chỉ Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với việc cứu đói.
|
Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được đầu tư hơn 1.589 tỷ đồng. |
Không thể đâm lao phải theo lao
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước đây 20-30 năm, nhà khoa học đến từ Đức, Nga khảo sát, đánh giá khả năng khai thác Thạch Khê đều kết luận không thể khai thác vì ảnh hưởng đến môi trường biển; khả năng thương mại thấp, chi phí khai thác tốn kém. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia Việt Nam khuyến cáo không nên làm.
“Bản thân quyết định đầu tư dự án (DA) đã là sai lầm vì trước đó nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên đầu tư mỏ sắt này. Quyết định đầu tư DA duy ý chí, theo kiểu muốn khai thác cạn kiệt tài nguyên bằng mọi giá, không tính đến hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, trong một số DA, người ta khai thác bằng mọi giá thì cái được nhất là “tiền bỏ túi” cho một số cá nhân. Đặc biệt, nhiều ý kiến phản biện nhưng DA vẫn được thực hiện.
Đề cập đến nguy cơ mất vốn nhà nước khi DA đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, bà Lan cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện DA sẽ mất thêm vốn nhà nước, trong khi hiệu quả rất thấp. “Bây giờ đã lỡ như thế này rồi, phương án dừng DA sẽ là tốt nhất, chấp nhận mất số tiền đầu tư ban đầu và truy cứu trách nhiệm cá nhân quyết định đầu tư sai. Nếu tiếp tục DA, vốn nhà nước đầu tư thêm bị mất, ai sẽ chịu trách nhiệm?”, bà Lan nói.
Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là mỏ sắt rất lớn nhưng nằm quá gần biển nên tiềm ẩn rủi ro môi trường cao. Hơn nữa, hàm lượng kẽm của quặng rất lớn, xử lý kẽm tốn kém.
“Việc tiêu thụ sản phẩm thế nào cũng chưa được chỉ ra. Khai thác sản phẩm nhưng không bán được sẽ thành túi nợ mới. Tôi đồng tình với ý kiến dừng DA mà Bộ KH&ĐT đã đưa ra. Bộ Công Thương đề nghị nên tiếp tục thực hiện DA nhưng tôi chưa thấy Bộ này chỉ ra hướng tiêu thụ sản phẩm”, ông Doanh nói.
Về việc nếu dừng DA sẽ mất 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư, ông Doanh cho rằng “không thể đâm lao phải theo lao”, lấy lí do đầu tư rồi phải đầu tư tiếp. Những cá nhân duyệt quyết định đầu tư cho DA phải chịu trách nhiệm.
“Ai đã duyệt quyết định đầu tư DA phải chịu trách nhiệm, không thể nói là tôi đã trót chi tiền thì phải chi thêm, trong khi không có tương lai. Trong tình hình hiện nay, tôi đề nghị lập hội đồng thẩm định độc lập xem xét và trình Thủ tướng quyết định, chứ không thể nào mà lại tiếp tục đầu tư, lại gây ra một khoản nợ lớn nữa”, ông Doanh nói.
“Với tư cách chuyên gia từng làm về dự án này, tôi hoàn toàn ủng hộ tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT trong việc kiến nghị Chính phủ không nên triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê. Nếu Chính phủ chấp thuận không cho triển khai dự án, đây sẽ là điều may cho người dân Hà Tĩnh. Bên cạnh đó sẽ đỡ tốn một khoản tiền lớn của Nhà nước ném vào dự án mà chưa biết hiệu quả đến đâu”. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Đúc và Luyện kim |
Theo Tiền Phong