Giấc mơ Trung Hoa đang phai nhạt như thế nào?

Thứ hai, 07/08/2017, 15:43
Ai cũng cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu, nhưng những con số thống kê gần đây lại chỉ ra một câu chuyện hoàn toàn khác.

Nguồn ảnh: Bloomberg

Tình trạng sa lầy của tập đoàn tài chính Anbang Insurance Group dường như đang ngày một tồi tệ hơn. Trước đó không lâu, công ty bí ẩn này còn theo đuổi nhiều thương vụ mua bán ở nước ngoài, và trở thành một biểu tượng cho tham vọng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, chính phủ Trung Quốc dường như đang gây sức ép để công ty này thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ở nước ngoài. Nếu điều này là sự thật, các công ty quốc tế sẽ có thêm một lý do nữa để mà thận trọng khi làm ăn với các công ty Trung Quốc: đó là sự can thiệp của chính quyền vào công việc làm ăn của các công ty tư nhân.

Nhưng trường hợp Anbang chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh lớn, và là một dấu hiệu đáng lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Trong mọi khía cạnh, quá trình trỗi dậy của Trung Quốc thành một siêu cường kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại. Và chính phủ Trung Quốc là trung tâm của mọi vấn đề.

Xem ra hầu hết mọi người trên thế giớ vẫn tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu. Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy dù nhiều người vẫn cho rằng Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cổ xúy cho hình ảnh tích cực đó bằng cách khẳng định mạnh mẽ hơn sự ủng hộ của Trung Quốc đối với toàn cầu hóa, thương mại và phát triển kinh tế.

Nhưng những con số thống kê lại chỉ ra một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta thường nghĩ rằng Trung Quốc đang thống trị thế giới về kim ngạch xuất khẩu của tất cả mọi thứ từ điện thoại di động, thép đến giày dép. Trong thực tế, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã mất đà. Trong khoảng  thời gian 2006-2011, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng gần gấp đôi, giúp nước này vượt qua giai đoạn Đại Suy thoái (Great Recession). Tuy nhiên kể từ đó tới nay, kim ngạch xuất khẩu của nước này chỉ tăng chưa tới 11% trong vòng 6 năm, theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Xu hướng tương tự cũng diễn ra với đồng Nhân dân tệ (NDT). Vào cuối năm 2014, đồng NDT đã lọt top 5 đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán toàn cầu, chiếm gần 2,2%. NDT có vẻ đang trên đường trở thành một đối trọng thực sự với đồng USD. Nhưng thực tế là ngược lại: Trong tháng 6, theo Swift thì NDT chỉ chiếm 2% tổng lượng thanh toán, và bị cả đồng đôla Canada (CAD) qua mặt.

Thị trường vốn của Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong khi chính phủ đã mở cửa thị trường chứng khoán và trái phiếu tại Đại lục cho các nhà đầu tư nước ngoài, họ vẫn thích mua cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Hong Kong hay New York hơn là trên thị trường Thượng Hải hay Thâm Quyến. Ví dụ, một quỹ có trụ sở tại Zurich là GAM, vốn chuyên về chứng khoán Trung Quốc, chỉ phân bổ 10% tài sản vào các cổ phiếu hạng A tại đại lục.

Các nhà phân tích của Economist cho rằng để thực hiện được “Giấc mộng Trung Hoa” mà ông Tập đề ra, Trung Quốc còn phải đi một hành trình rất dài phía trước.

Trung Quốc cũng đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, khi mất đi lợi thế nhân công giá rẻ. Những nước như Việt Nam và Ấn Độ lại đang tận dụng lợi thế chi phí nhân công thấp của mình để tăng thị phần xuất khẩu trong những ngành như may mặc. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc không thay thế kịp những ngành hàng xuất khẩu truyền thống bằng những ngành mới có giá trị gia tăng cao hơn.

Thay vì thúc đẩy sự bành trước của các doanh nghiệp Trung Quốc ra toàn cầu, các chính sách của chính phủ nước này lại đang níu chân tham vọng đó. Đồng NDT vẫn là một yếu điểm vì những rắc rối liên quan đến định giá thực của đồng tiền này. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực tế đã đảo ngược chính sách tự do hóa đã đề ra trước đó và áp đặt nhiều sự kiểm soát hơn đối với NDT. Các nhà đầu tư cũng chưa quên những biện pháp nặng tính can thiệp hành chính mà Bắc Kinh từng sử dụng để cố gắng ngăn chặn một sự sụp đổ thị trường chứng khoán vào năm 2015.

Trước đây, các quan chức Trung Quốc đã khuyến khích các công ty lớn đầu tư ra nước ngoài, giúp gia tăng số lượng thương vụ đình đám của những công ty như Anbang. Một làn sóng mua sắm rầm rộ được tạo nên từ núi nợ. Chính phủ Trung Quốc đã khai mào cho trào lưu này, và giờ họ lại phải giải quyết hậu quả, bằng cách quay ngoắt 180 độ và kiểm soát chặt các giao dịch nước ngoài.

Theo American Enterprise Institute (Mỹ), lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng 9% trong nửa đầu năm 2017, nhưng chỉ nhờ một thương vụ duy nhất là việc tập đoàn nhà nước China National Chemical mua lại Syngenta. Nếu không tính thương vụ trên, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ giảm khoảng 1/3.

Nguyên nhân sâu xa của điều là này việc chính phủ Trung Quốc dường như đang bất lực trong việc để cho thị trường tự điều chỉnh. Việc can thiệp vào hoạt động phân bổ vốn trong nền kinh tế đã dẫn tới kết quả là vốn vay ngân hàng về tay những doanh nghiệp có quan hệ chính trị tốt, chứ không phải những doanh nghiệp giỏi cạnh tranh. Sau đó, chính phủ đã cố gắng khắc phục những thiệt hại bằng nhiều biện pháp mang nặng tính hành chính hơn.

Trong một nỗ lực để phục hồi xuất khẩu, Trung Quốc đã tung ra một chương trình nặng tính bảo hộ có tên "Made in China 2025." Để giúp các công ty Trung Quốc bành trướng ra khu vực, chính phủ đề ra sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (OBOR) , một chính sách mà giới phân tích cho là tốn kém và không có nhiều tác dụng.

Thực tế là các công ty Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với nhiều trở ngại khi tham gia cuộc chơi toàn cầu. Họ sẽ cần phải xây dựng được các thương hiệu, công nghệ, khả năng tài chính và chuyên môn quản lý để cạnh tranh với những đối thủ mạnh nhất thế giới. Có thể những công ty như Anbang đang lạm dụng quá đáng đòn bẩy và không biết tự lượng sức mình, nhưng về lâu dài thì chính phủ Trung Quốc nên để cho thị trường tự định đoạt số phận của những công ty như vậy, thay vì cố gắng can thiệp và tự tạo ra thêm vấn đề cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích