Đó là khẳng định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính).
Đa phương hóa quan hệ
PV:- Mới đây, tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ diễn ra tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan tiết lộ thông tin sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan, kết nối với Campuchia, Lào và Việt Nam. Trong đó, chính phủ Ấn Độ sẽ tham gia đầu tư từ Ấn Độ qua Myanmar và Thái Lan. Ông bình luận ra sao về quyết định trên của Thái Lan? Nếu được thực hiện, tuyến đường này sẽ hiện thực hóa những mục tiêu gì?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:- Thực ra đây là một vấn đề tương đối lớn, có một tầm chiến lược quy hoạch của các nước Nam Á, Đông Nam Á (ĐNA). Nếu xây dựng tuyến đường cao tốc này, sẽ là một cơ sở kết nối rất tốt, nhanh nhất, thuận tiện nhất giữa Ấn Độ - Myanamar- Lào - Việt Nam.
Và đây là công trình có dự kiến từ lâu rồi nhưng chưa tạo ra được sự kết nối giữa một quốc gia có nền kinh tế lớn, số dân đông là Ấn Độ với các quốc gia ĐNA, Myanamar, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ Thái Lan và Ấn Độ là đòn bẩy giúp tuyến giao thương giữa Nam Á và ĐNA sẽ trở thành sức mạnh trong tương lai.
Cũng phải nói Ấn Độ có nhiều sản phẩm hàng hóa, họ có thể cung cấp cho các nước ĐNA, nhưng cũng có nhiều sản phẩm các quốc gia ĐNA có thể cung cấp cho Ấn Độ. Sự hợp tác tương hỗ lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ trở thành một vấn đề lớn, có truyền thống lâu dài.
Thực ra giao thương giữa Việt Nam, hay các nước ĐNA với Ấn Độ nói riêng và các nước Nam Á nói chung đã diễn ra từ lâu, qua các thuyền buôn, các con đường trên biển.
Làm tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ với Việt Nam |
Bây giờ nếu như có tuyến đường cao tốc này thì thời gian đi lại giữa các nước sẽ nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, với tuyến này thì giao thương giữa Ấn Độ và các nước ĐNA sẽ tăng lên rất nhiều. Mặt khác, tạo thuận lợi lớn cho quá trình phát triển không chỉ có thương mại mà cả về sản xuất kinh doanh cũng như các kết nối về văn hóa, các vấn đề khác, giữa Ấn Độ và các nước ĐNA.
Tất nhiên để xây dựng được tuyến đường cao tốc này đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, không riêng về kinh tế mà còn là chính trị, vì đi qua nhiều quốc gia, nhiều ý thức hệ khác nhau.
Với các điều kiện khó khăn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng dài, nhưng điều quan trọng là cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong vùng tạo điều kiện cho tuyến đường này hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả, đó mới là việc cần thiết.
Xây dựng tuyến đường sắt dài là rất khó khăn vì địa hình phức tạp, các đòi hỏi về đầu tư, thời gian, chiến lược lớn, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để con đường này phát huy được hiệu quả, đảm bảo được tính chất giao thương một cách thuận lợi nhất, có ý nghĩa nhất, giữa các quốc gia trong khu vực, mới ra vấn đề chúng ta cần quan tâm, ý chí về mặt chính trị.
Bản thân vấn đề ở đây là chúng ta muốn đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ với các quốc gia và các khu vực kinh tế trên thế giới. Và vì thế để tránh quan hệ một chiều với một quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới thì cần thực hiện biện pháp đa dạng.
Nếu có tuyến cao tốc giữa Thái Lan - Myanmar - Ấn Độ, rõ ràng không chỉ giao thương giữa ĐNA với Ấn Độ được mở mang mà nói chung với các quốc gia Nam Á sẽ được mở mang ra, rõ ràng sự phụ thuộc vào thị trường, công nghệ, vốn liếng, chất lượng với khu vực ĐNA, ASEAN sẽ có sự thay đổi.
Thực sự các quốc gia ĐNA hiện nay đang có các mối quan hệ kinh tế thương mại quá lớn với một vài quốc gia, đây là điều đáng ngại nếu có sự thay đổi hoặc về đường lối chính sách, gây khó dễ của Chính phủ, quốc gia đó, lập tức ảnh hưởng đến thương mại, cũng như giao thương nói chung của các quốc gia ĐNA.
Cho nên, tuyến đường này nằm trong chương trình đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường quan hệ quốc tế của các nước ĐNA nói chung, Việt Nam nói riêng với các quốc gia trên thế giới, đây là đường hướng mở ra sự phát triển mới, cho nền kinh tế các nước ASEAN.
Rõ ràng nhu cầu hàng hóa sẽ dẫn đến nhu cầu phát triển sản xuất đa dạng, phong phú hơn. Nguyên liệu, công nghệ từ thị trường Nam Á sẽ đi vào các nước ĐNA, tạo ra hàng hóa mới, sản phẩm mới, đường hướng mới cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh, đó là hiệu quả rất cao để chúng ta không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, thị trường châu Âu...
Rõ ràng thị trường Nam Á rất lớn, riêng Ấn Độ dân số rất đông chưa nói đến các nước khác như Pakistan, Afpakistan...nếu như có quan hệ bình thường tốt hơn trong tương lai, tuyến cao tốc là sự kết nối mang ý nghĩa chiến lược giữa các nước ĐNA với thế giới.
Về phía Việt Nam, nếu tuyến đường hoàn thành, hàng hóa từ phía Ấn Độ, Thái Lan... sẽ rộng đường vào Việt Nam. Điều này có gây ra những khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam hay không và vì sao?
- Thực ra, giữa cái được và cái mất trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng có cái so sánh với nhau.
Về nguyên tắc, hàng hóa của các nước Nam Á nói chung, Ấn Độ nói riêng rất dễ dàng xâm nhập vào các nước ĐNA, từ nguồn vốn, nhân lực, nguyên vật liệu, nên nó sẽ gây ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam, xuất sang các nước ĐNA nói riêng và một số quốc gia khác nói chung.
Nhưng nó có nhiều điểm mạnh để chúng ta trông chờ tuyến đường này:
Thứ nhất, khi có các mặt hàng từ quốc gia Nam Á xâm nhập vào thì không chỉ Việt Nam mà các nước ĐNA sẽ phải tự mình nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tổ chức lại quản lý sản xuất, cũng như ngành nghề sản xuất, từ đó đáp ứng hiệu quả sản xuất cao nhất.
Như vậy năng lực sản xuất, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của nền kinh tế nâng lên một tầm mới, mặc dù một số doanh nghiệp phá sản, phải thay đổi chuyển đổi, nhưng nó làm cho nền kinh tế khỏe hơn, tốt hơn, không trì trệ, ứ đọng.
Thứ hai, các hàng hóa nguyên vật liệu từ các quốc gia Nam Á nhập được vào thị trường chúng ta, kinh doanh được có nghĩa là chất lượng tốt hơn, có giá rẻ hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất. Thị trường mở rộng ra, thì thị trường sản xuất, các ngành nghề cũng được mở rộng.
Các nước Nam Á có số dân rất đông, có nhu cầu tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm rất lớn, mức thu nhập cũng nâng cao một cách nhanh chóng, đây là thị trường rất lớn để các doanh nghiệp tham gia vào, hoạt động thương mại, kinh doanh, sản xuất.
Về nguyên tắc khi xảy ra tranh chấp, có khủng hoảng một quốc gia, khu vực nào đó trên thế giới, thì đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa các quan hệ nó sẽ là biện pháp rất tốt giúp cho nền kinh tế của chúng ta giảm mức độ thiệt hại, phụ thuộc vào các thị trường.
Như vậy xét về mặt lợi thì cái lợi nhiều hơn, sâu sắc hơn những cái chúng ta coi là nguy cơ, hạn chế khi mở rộng thị trường, cũng giống như quá trình chúng ta tham gia vào WTO.
Hơn nữa, trình độ sản xuất của các nước Nam Á không phải quá cao, cũng chỉ như Thái Lan, Việt Nam, thậm chí nhiều mặt kém hơn. Khi đã có sự mở cửa, cạnh tranh thì mọi thứ đều tốt hơn, các doanh nghiệp trong nước yếu kém thì phải tự tìm cách chuyển hóa ngành nghề khác, rõ ràng đấy là cách làm cho nền kinh tế năng động hơn.
Chúng ta cứ lo sợ mở cửa thì hàng hóa Thái Lan sẽ lấn át thị trường, nhưng từ năm 2016 gần như tất cả các mặt hàng của quốc gia ASEAN có thuế suất bằng 0. Sản xuất của chúng ta chỉ tốt lên, các mặt hàng nâng lên cả về chất lượng, số lượng tiêu thụ, có quá nhiều bài học kinh nghiệm để khỏi phải lo lắng chuyện đó.
Vấn đề là doanh nghiệp nội địa đã có bài học, sự thích ứng nhất định với quá trình mở cửa, hội nhập, chúng ta nếu chuẩn bị tốt cơ sở thì có thể nhận dịch vụ tốt, mở rộng các thị trường hàng hóa, có hiệp định Ấn Độ với các nước ASEAN.
Bây giờ quan trọng nếu có đường cao tốc hàng hóa luân chuyển dễ hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn, rõ ràng chỉ được hưởng lợi nhiều hơn, từ các quan hệ của Ấn Độ và ASEAN và các nước nói chung.
Quan trọng là chính chúng ta phải biết tận dụng cơ hội
Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ rộng đường sang các thị trường nói trên. Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này hay không?
- Việc này hoàn toàn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp Việt Nam và các chỉ đạo cũng như cơ quan quản lý.
Nếu tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển nền kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với nền kinh tế thị tường thì cơ hội có thể tận dung được kế hoạch này nó tương đối rõ ràng, sáng sủa.
Rõ ràng các doanh nghiệp hiện nay đang nằm trong tư thế trào lưu bắt buộc phải cải tổ, đổi mới, chính phủ cũng như các cơ quan có liên quan đang rất quan tâm tái cấu trúc nền kinh tế phát triển kinh tế tư nhân, tuy nhỏ nhưng nhanh chóng thích ứng với thay đổi của nền sản xuất.
Có thể tin tưởng rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền sản xuất Việt Nam hoàn toàn có cơ hội có khả năng tận dụng tốt việc mở của rộng hơn, sâu hơn với các nước ĐNA và Ấn Độ, quan trọng là phụ thuộc chính chúng ta và doanh nghiệp nội địa.
Nhìn bối cảnh chung hiện nay, theo ông, ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án cao tốc nói trên còn mang ý nghĩa nào khác không? Xin ông phân tích cụ thể?.
- Bản chất vấn đề ở đây góp phần làm cho một thị trường nào đó, nền thương mại nào đó giảm bớt đi sự phụ thuộc.
Để Việt Nam nói riêng, ĐNA nói chung đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa chủ thể, tránh o ép về chính trị, khủng hoảng kinh tế ở quốc gia nào đó. Chúng ta có thể quan hệ sâu mạnh với các nước cũng như các khu vực kinh tế, kể cả đó là Mỹ, Trung Quốc, hay liên minh châu Âu.
Thị trường Nam Á là thị trường lớn, nếu làm được thì nó có thể trở thành đối trọng với các quốc gia, các thị trường lớn khác, rõ ràng nó góp phần làm nâng cao vị thế, vai trò của các nước ASEAN trong con mắt cộng đồng quốc tế, làm cho bản thân các nước ASEAN cũng sẽ có tính độc lập cao hơn trong các quyết định cả về kinh tế lẫn chính trị và liên quan đến các vấn đề khác trên thế giới.
Còn về vấn đề hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc lấn át hàng hóa nội địa, thực tế chúng ta đối diện với các vấn đề này từ lâu. Thế nhưng thực tế, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập nhưng giờ người dân cũng không ưa chuộng nữa, chỉ là ban đầu.
Rõ ràng với việc mở cửa chúng ta có nguy cơ nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta thay đổi, thích ứng cả về mặt chất lượng, hình thức, cho nên hàng hóa vẫn có thể tồn tại và phát triển được, không những thế còn nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Theo Đất Việt