Dấu hiệu sợ hãi bắt đầu quay trở lại Phố Wall

Thứ hai, 14/08/2017, 14:29
Sau nhiều tháng tăng điểm không ngừng, thị trường chứng khoán Mỹ cuối cùng cũng cho thấy dấu hiệu đảo chiều vì căng thẳng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, theo CNN.

Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong vài ngày qua đã phá vỡ khoảng thời gian yên tĩnh kéo dài bất thường trên Phố Wall

Cụ thể, chỉ số S&P 500 và chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã trải qua tuần ảm đạm nhất kể từ hồi tháng 3.2017, đồng thời mức độ sợ hãi của Phố Wall cũng đã tăng nhiều nhất trong gần hai năm qua. Vàng, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu quốc phòng đang là những tài sản có lợi thế trong giai đoạn này, nhưng đó vẫn không phải là dấu hiệu trấn an cho thị trường “bò tót” Phố Wall.

Trong khi các nhà đầu tư đang tập trung vào lợi nhuận của các doanh nghiệp nóng trong lĩnh vực quốc phòng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với “lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy” nếu họ tấn công Mỹ, thì một số người khác lại lo lắng về giá trị tương lai của thị trường cao cấp, đặc biệt khi giá cổ phiếu của JCPenney và Snap đều rơi xuống mức thấp kỷ lục hôm 11.8.

Một số nhà đầu tư cao cấp như Ray Dalio và Jeff Gundlach phàn nàn bằng cách gợi ý vui rằng có lẽ đã đến lúc thị trường bò tót lâu đời nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới cần được nghỉ ngơi.

Hầu hết người Mỹ đang hi vọng vào cuộc nói chuyện đầy khó khăn của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phần nào xóa tan bầu khí căng thẳng đang hiện diện, cũng như đưa thị trường “hồi phục trở lại mức cao mới vào cuối tuần sau” theo như Michael Block, nhà chiến lược thị trường hàng đầu của Rhino Trading Partners, viết trong một báo cáo hôm 11.8.

Song, ông Peter Boockvar, chuyên gia phân tích thị trường của Tập đoàn The Lindsey, lại cho rằng những đe dọa từ phía Bình Nhưỡng sẽ không biến mất nhanh chóng và “các đợt bán tháo cổ phiếu trong những ngày gần đây có thể không đơn thuần chỉ là một vụ phiền nhiễu trên màn hình chứng khoán do nhân tố Triêu Tiên gây ra”.

Hiện vẫn chưa biết tình hình sắp tới sẽ diễn biến theo chiều nào, nhưng rõ ràng sự bất ổn trong vài ngày qua đã phá vỡ khoảng thời gian yên tĩnh kéo dài bất thường trên Phố Wall. Chỉ số Biến động VIX, thước đo độ biến động và sự sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ, đã tăng vọt lên mức 74% vào hôm 26.7 so với mức 15,4%, mức thấp nhất trong lịch sử. Chỉ số Fear & Greed Index của CNNMoney cũng quay trở lại vùng sợ hãi sau khi ngồi yên trong vùng an toàn hồi tuần trước.

“Viễn cảnh chiến tranh có thể vẫn còn xa vời theo quan điểm của chúng ta. Nhưng kể từ thời điểm nào mà cả hai phía lại nóng lên đến nỗi không thể quay đầu lại được như vậy? Và liệu sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong tuần này chỉ là một điểm bùng nổ nhất thời hay nó sẽ là sự khởi đầu cho những rắc rối trong một thời gian dài sắp tới?”, tập đoàn đầu tư Bespoke đặt vấn đề trong một báo cáo vào hôm 11.8.

Theo các chuyên gia, hiện có một trở ngại tiềm tàng nữa đó là các ngân hàng trung ương trên thế giới đang hỗ trợ ít hơn cho thị trường trong những ngày này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thu hẹp bảng cân đối kế toán và Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể giảm lượng mua trái phiếu.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn