Hà Tĩnh không muốn mở mỏ sắt Thạch Khê: Lời vì dân

Thứ năm, 10/08/2017, 10:54
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê, khi nào có đủ các điều kiện mới thực hiện.  

Hà Tĩnh lo ngại

Liên quan đến dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, mới đây ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có thông tin cụ thể với báo chí.

Theo ông Thắng, mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm của quốc gia và có quy mô lớn. Dự án này đem đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh đó cùng là nguyện vọng của cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển vào năm ngoái, UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền, đoàn thể nỗ lực khắc phục và giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống thì việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê cần xem xét.

Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê, khi nào có đủ các điều kiện mới thực hiện. Ảnh minh họa

Ông Thắng chia sẻ, vừa qua, UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học, các tổ chức, các ngành, đoàn thể đề nghị với Chính phủ xem xét chưa tái khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê, trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan đến đánh giá tác động môi trường, công nghệ khai thác, các yếu tố về địa chất, xâm lấn của nước biển...

“Với những cơ sở đánh giá bất lợi nếu “tái sinh” mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét dừng dự án, khi nào có đủ các điều kiện mới được thực hiện”, tờ Infonet dẫn lời ông Thắng khẳng định.

Trước đó, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, chủ đầu tư về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê ngày 29/5, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng bảy tỏ băn khoăn trước dự án trên.

Bí thư Hà Tĩnh đặt một loại các câu hỏi: “Dự án hoạt động thì nguồn cấp nước cho nhà máy lấy từ đâu? Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài? Tiến độ xây dựng nhà máy như thế nào? Có kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân? Những vấn đề này trong dự án chưa có câu trả lời thỏa đáng” .

Các nhà khoa học băn khoăn

Đề nghị trên của Hà Tĩnh được đưa ra sau khi Bộ KH-ĐT và nhiều nhà khoa học đã lên tiếng kiến nghị dừng dự án tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê vì còn nhiều điểm bất cập, hạn chế còn phải khắc phục.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua,  Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.

Trước đó, tại tổ chức hội thảo “Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh” do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, GS. TS Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam đã bày tỏ nhiều băn khoăn với dự án trên.

GS Thuận chia sẻ, theo các tư liệu trong hồ sơ dự án, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa được rõ. Tuy nhiên hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiều vấn đề bức xúc như tạo ra các bãi thải lấn biển ở vùng ven biển Hà Tĩnh.

Đối với mỏ sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh, vị chuyên gia đưa ra 3 phương án để lựa chọn, trong đó có việc chấm dứt hoạt động của dự án, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra.

Theo GS Thuận, với phương án này cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất, phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng.

TS Nghiêm Gia - Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cũng đồng tình với những phương án mà GS Đặng Trung Thuận đưa ra.

TS Gia cho rằng, nếu tiếp tục dự án này thì còn nhiều vấn đề thách thức đòi hỏi chủ đầu tư TIC phải giải quyết một cách khoa học, có cơ sở, đúng trình tự pháp lý nhằm mang lại hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tại vùng mỏ, lợi ích cho nhà nước và lợi nhuận của doanh nghiệp một cách lâu dài.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn