Nga muốn rời WTO

Thứ bảy, 12/08/2017, 18:39
Một trong những lý do được nêu ra là tư cách thành viên WTO đang ngăn chặn sự phát triển của LB Nga.

Cân đo thiệt hại

Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế đưa tin Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đang một lần nữa gây bất ngờ cho người dân bởi một dự thảo luật mới về khả năng rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một trong những lý do được nêu ra là tư cách thành viên WTO đang ngăn chặn sự phát triển của LB Nga.

Tư cách thành viên của WTO như một diễn đàn toàn cầu và một tổ chức quốc tế thống nhất, một tổ chức hoạt động quản lý tất cả các hoạt động thương mại đa phương, là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của từng nước. Các lập luận cho rằng WTO mang đến lợi ích cho các quốc gia thành viên như sau:

Thành viên của WTO có thể tham gia các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình. Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới cho thương mại quốc tế, khiến hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu hướng thị trường toàn cầu.

Nga gia nhập WTO năm 2012

Thực tế, một quốc gia lớn như Nga mà không tham gia vào quá trình này thì sẽ có vấn đề không chỉ đối với các nhà sản xuất Nga mà còn đối với chính hệ thống thương mại đa phương.

Đối với quốc gia có nền kinh tế lớn và có tham vọng chính trị như Nga, tư cách thành viên của WTO là cần thiết để tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế, tương tự như tư cách thành viên Liên hợp quốc.

Trong thời gian đàm phán kéo dài 19 năm để được gia nhập WTO, Nga đã đạt được những thành tích đáng kể. Căn cứ vào quy mô nền kinh tế và tiềm năng của Nga, có thể khẳng định rằng những nỗ lực và những năm tháng đàm phán đã mang đến những kết quả tích cực. Sẽ là vô lý nếu như không sử dụng thành tựu này.

Chính vì vậy, đối với các chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về chính sách thương mại và hoạt động của WTO thì tầm quan trọng của tư cách thành viên là không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề không nằm ở chỗ tư cách thành viên hay không mà ở chỗ kể từ năm 2012, doanh nghiệp Nga vì những vòng xoáy chính trị mà không thể sử dụng một cách hiệu quả những lợi thế có được.

Tư cách thành viên WTO đang ngăn cản sự phát triển của Nga?

Theo ý kiến của tác giả dự luật rút Nga khỏi WTO thì “trong vòng 5 năm là thành viên của WTO, ngân sách quốc gia đã bị mất 871 tỷ rúp. Và lợi ích thì vẫn chưa thấy đâu. Dự báo thời gian tới cũng đáng thất vọng. Trong vòng 8 năm là thành viên WTO, tức là đến năm 2020, Nga sẽ thiệt hại về kinh tế lên tới 12-14 nghìn tỷ rúp, đồng thời mất hơn 1,9 triệu việc làm”.

Những con số này được đánh giá là đáng ngạc nhiên, nhưng không có một đảng phái nào trong Duma Quốc gia Nga trong vòng 5 năm qua tiến hành một nghiên cứu để đánh giá tư cách thành viên của WTO. Những thiệt hại cơ bản nhất vẫn là mất việc làm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế do nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Nga.

Cụ thể là việc rút khỏi thị trường Nga của một trong những nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới là tập đoàn General Motors. Giám đốc phân tích chiến lược của công ty FBK Igor Nikolaev cho biết “tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là hệ quả trực tiếp của việc đóng cửa các cơ sở sản xuất, và chắc chắn gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ít nhất thì đó sẽ là gánh nặng đối với ngân sách trong điều kiện thiếu tiền”

Lựa chọn khó khăn

Nga gia nhập WTO gần như đồng thời với việc bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và đáp trả đến mức độ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và làm chậm sự phát triển của nền kinh tế Nga.

Việc giảm thu ngân sách do giảm giá các mặt hàng chủ lực là năng lượng, giá đồng rúp trong khi thu nhập thực tế của người dân giảm. Đó chính là những vấn đề cơ bản của sự phát triển kinh tế hiện tại ở Nga ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngân sách và tình trạng của nền kinh tế.

Việc tham gia WTO vừa mang đến những lợi ích xác định, vừa áp đặt một vài khuôn khổ và giới hạn. Tuân thủ các quy tắc, vốn trước đó được thiết lập mà không có sự tham gia của các chuyên gia Nga, có thể làm phức tạp công việc của nhiều nhà sản xuất, bởi trước đó họ khá tự do thao túng hoặc không bị gánh nặng bởi các đối thủ cạnh tranh.

Nga đã tính toán sai lầm khi gia nhập WTO và chấp nhận luật chơi mà mình không được tham gia đàm phán?

Rất khó để phân định người thắng, kẻ thua. Nhưng trong ngắn hạn, các ngành của nền kinh tế quốc gia cần phải chấp nhận những quy định mới bất thường của trò chơi và các yếu tố bên ngoài hình thành nên môi trường cạnh tranh.

Theo các chuyên gia Nga, tư cách thành viên WTO không thể được đánh giá trên cơ sở phân tích xu hướng ngắn hạn. Đây là quá trình khó khăn và lâu dài đòi hỏi các cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp, các chính trị gia và các chuyên gia phải nghiên cứu.

Các tính toán và dự báo cho thấy rằng nền kinh tế Nga sẽ có được những lợi ích đáng kể nếu tiến hành cải thiện thu hút đầu tư, gỡ bỏ các biện pháp phân biệt và các biện pháp giới hạn trên cơ sở đàm phán có sự tham gia của các nhà sản xuất Nga, khả năng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại...

Trò chơi ném tuyết

Ngay từ cuối năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các nước phương Tây đã rời xa các nguyên tắc của WTO khi thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga. Người đứng đầu điện Kremlin nhấn mạnh các đối tác phương Tây đã không tính hết những hậu quả liên đới mà nền kinh tế thế giới phải gánh chịu từ cuộc chiến thương mại hiện nay.

Tổng thống Putin cho rằng "trò chơi ném tuyết" gây hại cho cả bên bị trừng phạt lẫn bên trừng phạt. Đồng thời, các nước phương Tây đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO: quyền của các thành viên được tiếp cận bình đẳng và tự do đối với các thị trường hàng hoá và dịch vụ.

Tổng thống V. Putin cáo buộc phương Tây xa rời các nguyên tắc của WTO khi trừng phạt Nga

Bên cạnh đó, Quy chế tối huệ quốc trong thương mại và nguyên tắc cạnh tranh công bằng cũng bị phớt lờ khi phương Tây cố tình thông qua các quyết định bị chính trị hoá. Trước thực trạng này, Nga buộc phải áp dụng các biện pháp chống trừng phạt để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất trong nước và thị trường khỏi tác động tiêu cực của cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Tổng thống Putin nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đã được phương Tây tính toán rất cẩn trọng nhằm đánh vào những lĩnh vực cốt yếu nhất của nền kinh tế Nga, đặc biệt là các ngành mà Nga có vị thế vượt trội trên thị trường thế giới như: khí đốt, dầu mỏ, hoá chất, công nghiệp quốc phòng và tài chính-ngân hàng nhằm làm suy yếu nhanh chóng nền kinh tế nước này.

Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, phương Tây đã áp đặt tổng cộng 3 cấp độ trừng phạt chống Moscow, tập trung vào các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại và an ninh-quốc phòng.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh đã đưa ra "Danh sách Đen" gồm hàng trăm quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp lớn được cho là có dính líu đến các quyết định của Điện Kremlin, ban hành lệnh cấm xuất khẩu vào Nga các loại vũ khí, thiết bị lưỡng dụng và công nghệ liên quan đến khai thác dầu mỏ.

Bên cạnh đó, hàng chục ngân hàng lớn của Nga cũng bị phong tỏa kênh tiếp cận nguồn vốn tại các thị trường tài chính bên ngoài.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn