|
Hoa hậu Phương Nga (phải) trả lời thẩm vấn của luật sư bảo vệ cho ông Cao Toàn Mỹ tại phiên tòa |
Trước quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Trương Hồ Phương Nga (từng đạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại Nga) bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỉ đồng, nhiều chuyên gia pháp lý, cán bộ điều tra và khoa học kỹ thuật hình sự cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là chưa thể xác định thời gian cụ thể bao lâu để có kết luận cuối cùng về vụ án vì những lý do khách quan.
Không thể giám định chữ viết trên bao nilon từ trại giam
Như đã thông tin, hoa hậu Phương Nga bị cáo buộc cùng bạn là Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ.
Trong phiên tòa sơ thẩm mới nhất, ngày 29-6, TAND TP.HCM đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Nga và Dung tại ngoại đồng thời hoàn trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đây là lần điều tra bổ sung thứ hai của vụ án này. Trong số 9 nội dung mà tòa đề nghị làm rõ, có những nội dung rất khó thực hiện, thậm chí không có kết quả.
Chẳng hạn như: Xác định thời điểm tạo lập các văn bản, hồ sơ mua bán nhà, giấy hẹn thanh toán, làm rõ lời khai của Phương Nga, Thùy Dung và một số người làm chứng khác về mối quan hệ giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ có hành vi vi phạm quy định 1 vợ, 1 chồng hay không?...
Tòa cũng têu cầu truy xuất dữ liệu trong email, máy tính chứng minh hợp đồng tình cảm của Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ. Thời điểm thành lập, xác định tài liệu liên quan hợp đồng này.
Giám định để xác định các bức thư bằng nilon từ trại giam chuyển ra mà các bị cáo, nhân chứng khai tại phiên tòa có phải do Nguyễn Đức Thùy Dung viết không? Thực hiện ủy thác xác định lời khai của Trương Hồ Phương Nga liên quan đến việc các luật sư đã nêu về những lần xuất cảnh cùng với ông Cao Toàn Mỹ.
Tại tòa, Nga khẳng định những lần ra nước ngoài đều ngủ chung 1 phòng với ông Mỹ nhưng Cao Toàn Mỹ phủ nhận và cho rằng đó chỉ là tình cờ cùng xuất cảnh, chỉ 1, 2 lần có công việc chung và Nga đi nước ngoài cùng với bạn trai của Nga.
Theo một cán bộ điều tra có nhiều kinh nghiệm, việc giám định chữ trên giấy nilon là vô cùng khó khăn, có thể là không thể giám định được ai là người đã “viết” những nội dung này.
Thông thường cơ quan trưng cầu giám định cần chữ mẫu, sau đó lấy chữ viết cần giám định để so sánh, dựa trên các yếu tố mà chỉ những người có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu mới phân biệt được. Từ đó, cơ quan trưng cầu giám định kết luận hai chữ đó có phải do cùng một người viết ra hay không.
Trong trường hợp cụ thể này, chữ trên các miếng nilon - theo lời khai là do Phương Nga và Thuỳ Dung “viết” gửi ra ngoài và ngược lại, theo kinh nghiệm của những người làm điều tra lâu năm thì đó không phải chữ viết thông thường.
Để “viết” được, người viết cần dùng vật có đầu nhọn, đục thủng nilon tạo hình thành ký tự, chữ viết.
Do đó, rất khó, thậm chí là không thể xác định ai là người “viết” ra những chữ này theo phương pháp giám định thông thường. Muốn làm rõ thì chỉ có thể dựa trên lời khai và các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh.
|
Thành viên hội đồng xét xử xem bức thư viết trên giấy nilon mà nhân chứng Lữ Minh Nghĩa trình cho tòa |
Liệu có mòn mỏi chờ kết quả ủy thác tư pháp?
Việc thứ hai, theo cán bộ điều tra này cũng rất khó xác định thời gian hoàn thành là nội dung ủy thác điều tra.
Thông thường, khi uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tuỳ vào mối quan hệ của quốc gia uỷ thác với Việt Nam, và còn tuỳ vào tình hình thực tế thực hiện nguyên tắc có đi có lại giữa lực lượng chức năng của hai nước mà quá trình uỷ thác có thể thực hiện nhanh hay chậm.
Thậm chí, nhiều vụ không có kết quả cũng không phải chuyện lạ.
Trong thực tế, có những vụ án “có vấn đề”, đã từng bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án kéo dài nhiều năm, thậm chí tới khi bị can chờ đợi tới già, chết đi vẫn chưa có quyết định phục hồi điều tra hay đình chỉ vụ án.
Theo TTO