Khi NATO la làng
Trong những tuần qua, hàng chục nghìn binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đã tham gia các cuộc tập trận đối địch nhau.
Đúng 103 năm sau khi nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất tại châu Âu, vào năm 2017, những mầm mống có thể gây ra các cuộc xung đột giữa các cường quốc hạt nhân chủ chốt đang có chiều hướng phát triển ở một số nơi.
Tàu sân bay của Mỹ USS George Bush đã cùng với lực lượng của Anh tham gia cuộc tập trận mang tên “Saxon Warrior” tại biển Bắc. Trong khi đó, trong tháng 7 vừa qua, khoảng 25.000 binh sĩ của NATO đã tham gia các cuộc tập trận “Saber Guardian” tại Hungary, Rumania và Bulgaria.
NATO tiến hành hàng loạt cuộc tập trận rầm rộ sát biên giới Nga |
NATO cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận trên khắp khu vực Đông Âu. Hàng nghìn binh sĩ của Khối đã vào Ba Lan và các quốc gia Baltic sát biên giới với Nga.
Đáng chú ý, 2.000 binh sĩ Mỹ đã tham gia cuộc tập trận “Noble Partner” tại Gruzia. Đây được xem là cuộc tập trận quan trọng nhất của Mỹ tại nước này kể từ năm 2008, khi quân đội Gruzia dưới sự ủng hộ của Washington đã mở một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Nga tại phía Bắc Gruzia và điều này đã gây ra một cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Nga.
Trong khi đó, Nga cũng tổ chức các cuộc tập trận của mình. Sau những cuộc tập trận hải quân tại biển Baltic với các tàu chiến của Trung Quốc, Nga đã tiến hành hội thao quân sự quốc tế với sự tham gia của quân đội các nước như Trung Quốc, Iran, Ai Cập, Angola, Uzbekistan, Venezuela, Zimbabwe.
Moscow cũng đang chuẩn bị cuộc tập trận “Zapad” tại phía Tây của Nga vào tháng 9 tới với sự tham gia của khoảng 100.000 binh sĩ. Việc mở rộng chưa từng có tiền lệ của các cuộc tập trận này, với qui mô lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là một lời cảnh báo chính trị.
Nga và Belarus dự kiến sẽ tiến hành cuộc tập trận chung Zapad 2017 từ 14-20/9 tới |
Sau các cuộc chiến tranh tại Trung Đông, NATO một lần nữa tập trung sự quan tâm của mình vào châu Âu. Theo tờ The New York Times, quân đội NATO đang tiến hành nhiều sự thay đổi về mặt chiến lược và trang bị nhằm chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh với “những kẻ thù được vũ trang tốt nhất”.
Tướng Mỹ John Healy đã tuyên bố “Cuối cùng, chúng ta đang hướng tới một chương trình tập trận thống nhất ở qui mô khắp thế giới”.
Để tìm cớ cho những hoạt động của mình, Mỹ và NATO tiếp tục đưa ra những lời cáo buộc nhắm vào Nga. Giới chính trị và truyền thông phương Tây không ngừng nhắc đên những cáo buộc vô căn cứ rằng Moscow đã tấn công Ukraine và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Binh sĩ Mỹ và tên lửa Patriot tại Ba Lan |
Các bộ tham mưu của quân đội các nước NATO thú nhận rằng các cuộc tập trận này cho thấy những nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh. Nhưng các phương tiện truyền thông của các nước thành viên NATO dùng mọi thủ đoạn để lái vấn đề này thành những cáo buộc nhằm vào Moscow.
Trang WSWS.org cho rằng phương Tây đang đạo đức giả khi cố gắng tiêm nhiễm lý lẽ rằng Nga chịu trách nhiệm cho mối nguy hiểm về một cuộc chiến. Trong khi đó, Nga tổ chức các cuộc tập trận ngay trên lãnh thổ của họ, trong khi Mỹ và các cường quốc châu Âu đưa quân đến tận biên giới Nga.
Luận điệu nhàm chán
Mối nguy hiểm leo thang và xảy ra một cuộc chiến đến từ chính chính sách do NATO và nhất là Mỹ tiến hành, trong vòng hơn 1/4 thế kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Trong các cuộc chiến tranh tại Iraq, Nam Tư, Afghanistan, Syria,…, Washington đã tìm cách thiết lập quyền bá chủ tại khu vực Á-Âu. Điều này không chỉ nhằm chặn đứng sự nổi lên của một đối thủ đang thống trị khu vực Á-Âu mà còn chi phối, kiểm soát các nguồn năng lượng và các con đường giao thương mà các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á phải phụ thuộc.
Mỹ và NATO công khai kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới phía Tây của Nga |
Sự leo thang hiện nay chống lại Nga là sản phẩn của một loạt những thất bại nặng lề trong các cuộc chiến này. Hàng ngũ lãnh đạo quân đội của Washington đang lo sợ vào một thất bại ngay trước mắt tại một cuộc chiến do NATO kích động chống lại chế độ thân Nga tại Syria, và chế độ Ukraine đã mất quyền kiểm soát tại khu vực phía Đông của nước này và căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol, ở Bán đảo Crimea.
Về những căng thẳng đang gia tăng giữa châu Âu và Mỹ, điều này đang khuyến khích các cường quốc châu Âu, nhất là Đức theo đuổi một chính sách đối ngoại và quân sự độc lập với Washington. Vì vậy, Washington đang phản ứng bằng việc tăng cường quan điểm chống Nga và chia rẽ châu Âu bằng cách hình thành các đồng minh, nhất là tại Đông Âu, chống Nga.
Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ vẫn tiếp tục quan ngại về nước Nga, dù cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn các giới chức Nga đều than phiền về các quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.
Giám đốc Tình báo Quốc phòng Mỹ Vincent Stewart |
Giám đốc Tình báo Quốc phòng Mỹ Vincent Stewart tuyên bố: “Các giá trị và các lợi ích của chúng ta không phải tự nhiên mà đi đôi với nhau. Sẽ có một cuộc tranh đua mãi mãi giữa chúng ta với nhà nước Nga để chiếm vai trò thống trị khu vực hay thế giới”.
Phát biểu trước cuộc cãi vã công khai mới nhất giữa Tổng thống Trump với Quốc hội Mỹ về hướng tiếp cận của Washington đối với nước Nga, ông Stewart còn cảnh báo về khả năng của Moscow có thể can thiệp và định hình sân chơi.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) từ tháng 7/2015, cảnh báo về các ý đồ của Nga.
Trong phúc trình “Sức mạnh quân sự Nga” của DIA, phát hành vào cuối tháng 6, ông Stewart cảnh báo Nga “đang thao túng môi trường thông tin toàn cầu” và đặc biệt thành công ở Crimea và Syria trong việc “định hình môi trường thông tin cho phù hợp với các lợi ích của Moscow”
Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở Syria |
Ngoài Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, các quan chức tình báo hàng đầu khác của Mỹ cũng cảnh báo về các hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats nói: “Họ đang tìm cách làm suy yếu nền dân chủ Tây phương”. Phát biểu trước Diễn đàn An ninh Aspen vào cuối tháng trước, Dan Coats cho rằng các nỗ lực của Nga để tăng cường ảnh hưởng “tinh tế hơn trước đây nhiều”.
Tuy nhiên, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ những lý lẽ về “mối đe dọa Nga”. Phát biểu trong một cuộc mít tinh ở West Virginia ngày 3/8, ông đã chỉ thằng: “Câu chuyện về Nga là chuyện hoàn toàn bịa đặt”.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitry Peskov một ngày sau đó, khi được hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang sa sút xuống mức “thấp nguy hiểm”, đã nói: “Thật đáng tiếc, Washington ngày càng rơi sâu hơn vào thế nhai đi nhai lại những luận điệu nhàm chán của thời kỳ Chiến tranh Lạnh sơ khai”.
Theo Đất Việt