|
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters) |
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có thể phát lệnh chiến tranh, tuy nhiên trên thực tế, cơ quan này có rất ít thẩm quyền trong việc ngăn Tổng thống Donald Trump tự mình ra quyết định tấn công Triều Tiên nếu nhà lãnh đạo Mỹ quyết tâm muốn làm việc này.
Lý do là vì Tổng thống Trump có quyền hạn của một Tổng tư lệnh quân đội, và điều này sẽ cho phép ông ra quyết định tấn công Triều Tiên nếu ông cho rằng đó là cách để bảo vệ Mỹ khỏi những mối đe dọa hiện hữu. Trên thực tế, nhánh hành pháp tại Mỹ trước đây cũng từng sử dụng quyền hạn này để tiến hành một loạt động thái quân sự mà Tổng thống cho là cần thiết.
Quốc hội có thể thông qua một đạo luật, trong đó cấm Tổng thống Trump sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên hoặc dừng cấp ngân sách cho các hoạt động của quân đội Mỹ nếu hoạt động đó liên quan tới vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về pháp lý và an ninh, chính quyền Tổng thống Trump vẫn có quyền hành động quân sự trong vòng ít nhất 60 ngày nếu cho rằng an ninh của nước Mỹ đang bị đe dọa.
“Hiến pháp Mỹ trao quyền hạn rất lớn cho Tổng thống Mỹ để Tổng thống có thể tự ra quyết định hành động. Xét theo cả quy định của Hiến pháp cũng như trên thực tế, đã có rất nhiều Tổng thống tiền nhiệm quyết định hành động quân sự sau khi họ xác định rằng an ninh quốc gia của Mỹ đang gặp nguy hiểm”, Roger Zakheim, cựu trợ lý Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết.
Các nghị sĩ Mỹ lên tiếng
|
Tàu Hải quân Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ Địa Trung Hải vào căn cứ ở Syria (Ảnh: US Navy) |
Ngay sau khi Tổng thống Trump cảnh báo sẽ trút “hỏa lực” và “thịnh nộ” lên Triều Tiên, các nghị sĩ Mỹ bắt đầu kêu gọi Quốc hội cho phép tiến hành các hành động quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, nghị sĩ Cộng hòa bang Alaska, cho rằng một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội.
“Cho tới nay chính quyền Mỹ đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp chặt chẽ với Quốc hội trong một chiến lược lớn hơn (về Triều Tiên). Nhưng Quốc hội vẫn phải đóng một vai trò quan trọng trong việc này”, nghị sĩ Sullivan nói.
Trong khi đó, Nghị sĩ Dân chủ Dan Kildee từ bang Michigan nhận định rằng Quốc hội nên được hỏi ý kiến trước, đặc biệt là với Tổng thống Trump.
“Một cuộc trao đổi giữa Quốc hội và Tổng thống cần phải được diễn ra. Thẩm quyền của Quốc hội trong trường hợp này cần được khẳng định, đặc biệt đối với Tổng thống Trump - một người khó đoán trong các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại của Mỹ”, nghị sĩ Kildee cho biết.
Tuy nhiên, Nhà Trắng dường như có quan điểm khác về vai trò của Quốc hội và chính quyền của Tổng thống Trump trước đó cũng không hỏi ý kiến Quốc hội khi ra quyết định tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở Syria.
Hồi tháng 4, cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã nhận được câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng hành động một mình đối với Triều Tiên hay không, hay vẫn phải xin ý kiến Quốc hội.
Ông Spicer khi đó nói rằng Quốc hội sẽ được thông báo về các cuộc tấn công, tuy nhiên Tổng thống sẽ sử dụng các thẩm quyền được quy định tại Điều II của Hiến pháp, trong đó có các quy định về nhánh Hành pháp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Quốc hội về các vấn đề chính sách nói chung và đảm bảo rằng Quốc hội sẽ luôn nhận được thông báo về các vấn đề”, ông Spicer nói.
Sự thiếu kết nối giữa Đồi Capitol và Nhà Trắng hiện nằm ở sự bất đồng trong việc xác định đâu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đây vẫn là một câu hỏi để ngỏ vì còn rất nhiều điều chưa rõ ràng về pháp lý dẫn đến việc cơ quan hành pháp có thể “rộng tay” hành động hơn.
Theo Dân Trí