Sửa xác nhận xấu thành tốt, xã vẫn không làm đúng thẩm quyền

Thứ sáu, 11/08/2017, 13:21
Theo quy định thì chính quyền địa phương chỉ có thẩm quyền chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch còn người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai.

UBND xã Duyên Hà xác nhận nội dung "xấu" trong sơ yếu lý lịch của Ngô Việt A. 

Câu chuyện sinh viên Ngô Việt A. bị UBND xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội xác nhận lý lịch là "chưa chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước...” rồi sau đó được sửa ngược lại thành "luôn chấp hành..." không chỉ cho thấy sự tùy tiện trong xác nhận của chính quyền địa phương mà còn là vấn đề thẩm quyền chứng thực của cấp phường xã.

Đối chiếu theo các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì việc UBND phường xã xác nhận trong lý lịch nội dung công dân có chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, quy định của địa phương hay không là không đúng quy định.

Chỉ được xác nhận chữ ký     

Trường hợp của tân sinh viên Ngô Việt A. bị địa phương xác nhận xấu trong lý lịch không phải hi hữu. Gần đây nhất là một nữ cử nhân thường trú tại xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương cũng bị xác nhận tương tự do chưa đóng tiền làm đường cho địa phương.

Trước đó, trong công văn số 1502 từ năm 2014 của Cục Hộ tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) gửi Sở tư pháp các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ:

“Hiện nay yêu cầu xác nhận Sơ yếu lý lịch của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn việc xác nhận nên UBND cấp xã thực hiện không thống nhất, có nơi xác nhận đăng ký thường trú, có nơi xác nhận chữ ký của người khai lý lịch, có nơi chỉ đóng dấu UBND mà không có nội dung xác nhận.

Đặc biệt, Cục hộ tịch chứng thực còn nhận được phản ánh của người dân và báo chí và một số địa phương về việc một số UBND capaps xã đã xác nhận vào Sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung “không chấp hành pháp luật chủ trương của Nhà nước” do các hộ gia đình này không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương.

Nội dung xác nhận này đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hơp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch”.

Để tháo gỡ vướng mắc, Cục Hộ tịch và chứng thực đề nghị chính quyền địa phương chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch còn người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai của mình.

Trong trường hợp người xác nhận biết rõ về nội dung nhân thân của người xin xác nhận thì có thể xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.

Văn bản này Cục Hộ tịch, chứng thực cũng đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước vào lý lịch của công dân.

Nói về việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: việc UBND cấp xã có bút phê về chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân là trái pháp luật.

Bởi việc xác nhận của cấp xã phường trong lý lịch là một hoạt động “chứng thực chữ ký” được quy định tại khoản 3 điều 2 và điểm b khoản 4 điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ.

Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký và người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản theo quy định tại điều 23 Nghị định này.

"Có nghĩa ngoài việc chứng thực tính xác thực của chữ ký, thì người chứng thực không được phép có bút phê gì thêm, dù đó là việc cháp hành tốt hay không chấp hành tốt pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước", luật sư Hưng nói.

Nội dung xác nhận mới của UBND xã Duyên Hà trong sơ yếu lý lịch của Ngô Việt A.

Cần bỏ hẳn nội dung xác nhận trong mẫu lý lịch sinh viên

Có một thực tế là ngay trong mẫu lý lịch sinh viên mà nhà trường đề nghị các sinh viên nhập học, như anh Ngô Việt A. thực hiện thì đã có câu đề nghị chính quyền địa phương xác nhận "việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương".

Được biết, bản lý lịch học sinh, sinh viên trên được thực hiện theo mẫu của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành theo Quyết định 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12-10-2007.

Mẫu này đã được các trường học áp dụng 10 năm nay và tất nhiên, để có bản lý lịch hợp lệ, các em học sinh, sinh viên phải yêu cầu UBND cấp xã có bút phê vào mục này.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, vì xác nhận lý lịch chỉ là một hoạt động chứng thực chữ ký, nên mục “xác nhận của chính quyền” ban hành theo Quyết định 58 là mâu thuẫn với Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực, nên mục này cần được hủy bỏ.

"Mặt khác, cũng theo mẫu lý lịch này đã tồn tại mục tự khai về “Khen thưởng - Kỷ luật” và chịu trách nhiệm về nội dung tự khai đó, nên nghĩ thêm phần “Xác nhận của chính quyền” về nội dung này là không cần thiết” - luật sư Hưng nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn