Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng: "LienVietPostBank đang chọn đối tác để sáp nhập"

Thứ tư, 16/08/2017, 08:59
Chia sẻ với PV, Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng cho biết, LienVietPostBank đang chọn đối tác để sáp nhập, đồng thời cũng giải thích lý do vì sao lại "khóa" room ngoại ở mức 5%.

"Khép bớt cửa để chọn đối tác ngoại!"

Chiều 15/8, ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: Bất cứ hoạt động của doanh nghiệp hay ngân hàng đều xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, nguồn nhân lực, hiện đại hóa công nghệ và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế.

Quy mô tổng tài sản muốn tăng lên được cần phải M&A (mua bán, sáp nhập) và thay đổi cơ cấu cổ đông. Về M&A, trước mắt ngân hàng sẽ tìm một số công ty để thành lập công ty tài chính vi mô kết hợp với mô hình tiết kiệm bưu điện, thậm chí sẽ xem xét đến các ngân hàng nhỏ, ngân hàng 0 đồng.

"Hiện nay, LienVietPostBank đang đứng ở đâu? Chúng tôi đang đứng ở vị trí 12/35 ngân hàng nhưng muốn lên vị trí thứ 10 thì phải mấy năm nữa vì mỗi một năm chỉ cho tăng trưởng tín dụng từ 18-20% và các ngân hàng khác cũng như vậy. Bao giờ mình mới đuổi kịp ngân hàng hơn mình 2 bậc, vậy nên chúng tôi phải quan tâm đến mua bán, sáp nhập và thay đổi cơ cấu cổ đông", TS.Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ.

Và theo "định vị" của vị truyền trưởng LienVietPostBank, mục tiêu mà ngân hàng hướng tới phải là vị trí 5, 6, sau 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

TS.Nguyễn Đức Hưởng giới thiệu sản phẩm từ hạt sachi mà ông đem từ Thái Lan về để nghiên cứu.

TS.Nguyễn Đức Hưởng cho biết thêm, chiến lược phát triển mà ông sẽ phổ biến toàn ngân hàng sẽ là: Mới - Lớn - Minh bạch - An toàn. Trong đó, Mới, tức là những việc lâu nay chưa nghĩ đến thì nay cần nghĩ đến (ý tưởng).

Còn Lớn, tức là quy mô tổng tài sản, muốn lớn không phải cứ cố gắng lớn là được mà phải có giải pháp để lớn. Lớn ở thời điểm này chính là giải pháp M&A và thay đổi cơ cấu cổ đông với đối tượng trong nước và nước ngoài, đặc biệt hướng tới một số mô hình công ty.

Nói về cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Đức Hưởng vừa quyết định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại ngân hàng này ở mức 5% vốn điều lệ. Việc giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ được lấy ý kiến của các cổ đông. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 22/8/2017.

Tại sao lại khóa lại room ở mức 5%, trong khi các ngân hàng khác đi xin nới room ngoại thì LienVietPostBank lại khóa lại? Về điều này, ông Hưởng lý giải: Nếu mở rộng cửa thì để cho nước ngoài chọn mình, còn khép bớt cửa là để mình chọn nước ngoài. Và nếu để room 30% thì sẽ có rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài, còn khóa 25%lại, chỉ còn room 5% là để chọn một cổ đông nước ngoài thật lớn.

"Trước đây, LienVietPostBank chỉ nghĩ đến cổ đông trong nước, giờ là lúc nghĩ đến cổ đông lớn nước ngoài. Như vậy, với giá trị mạng lưới rất lớn, giá trị cổ phiếu LienVietPostBank chắc chắn là lên. Hiện rất nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm tới mạng lưới của chúng tôi", ông Hưởng nhấn mạnh.

Dự kiến chào sàn UPCoM vào quý III

Ở một diễn biến liên quan, đại hội đồng cổ đông bất thường của ngân hàng vào cuối tháng 4 cũng đã thông qua việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2017, với lãi suất cam kết 8%/năm.

Giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và không hạn chế chuyển nhượng. Đối tượng chào bán rộng rãi bên ngoài cho các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên cho cổ đông hiện hữu. Số lượng trái phiếu còn dư sẽ được phân phối cho cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư khác.

Sau thời hạn một năm kể từ ngày phát hành, tiền lãi được thanh toán cuối kỳ đối với trái chủ. Tiền gốc của trái phiếu sẽ chuyển đổi bắt buộc sang cổ phiếu theo tỷ lệ 1:10 (một trái phiếu đổi được 10 cổ phiếu). Toàn bộ số vốn thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các dự án trung và dài hạn, tăng quy mô vốn hoạt động cho ngân hàng.

Còn vào ngày 17/7, LienVietPostBank đã chốt sổ cổ đông thực hiện lưu ký và dự kiến chào sàn UPCoM vào quý III/2017. Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đã cấp mã chứng khoán LPB cho ngân hàng này. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về việc ngân hàng nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Giữa tháng 7, LienVietPostBank cũng đã được NHNN chấp thuận cho nâng vốn lên 7.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn