"Nghe chuyện trạm thu phí Cai Lậy thấy rất buồn"

Thứ ba, 15/08/2017, 11:30
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã cùng thốt lên câu ấy vào sáng nay 15-8 tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát BOT.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: Quochoi.vn

Cuộc giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có tên đầy đủ là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.

Sao lại thu tiền cái đường tổ tiên để lại?

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, phát triển giao thông theo hình thức BOT là đúng hướng. “Hiệu quả nhất là bây giờ đi từ Lạng Sơn đến Cà Mau thông suốt. Nhiều đường nhánh như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên… rất đẹp, là những con đường trước đây chỉ mơ ước” - ông Giàu nói.

Ông Giàu cũng dẫn báo cáo của diễn đàn đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu về lĩnh vực giao thông, cho thấy VN đã vượt 34 bậc trong 5 năm qua, rồi khẳng định “đây là con số rất ấn tượng”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đồng thời chỉ ra tới 6 vấn đề tồn tại, bất cập.

Thứ nhất là "chuyện đường độc đạo, huyết mạch, ông bà tổ tiên để lại từ đời nào, bây giờ tôn tạo rồi thu tiền, bà con bức xúc là đúng rồi”.

Thứ hai là một số công trình, dự án kém chất lượng.

Thứ ba, giá thành dự án đầu tư cao.

Thứ tư, mật độ đặt trạm thu phí dày.

Thứ năm, công nghệ thu phí lạc hậu, còn thu thủ công thì chậm chạp, dễ gây tắc nghẽn giao thông.

Thứ sáu, việc chọn lựa và chỉ định thầu, có nhà đầu tư chưa biết gì về kỹ thuật nhưng được chỉ định thầu, trong khi đường sá liên quan đến tính mạng con người.

“Còn một câu hỏi đặt ra nữa: dư địa đầu tư cho giao thông VN còn rất lớn, tại sao nhà đầu tư nước ngoài không tới? Chính sách, cách quản lý của chúng ta có vấn đề không? Mấy hôm nay tôi theo dõi tình hình ở trạm Cai Lậy rất là buồn. Hình ảnh như vậy cũng tác động đến nhà đầu tư” - ông Giàu bày tỏ.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ - Ảnh: Quochoi.vn

Lái xe trả tiền lẻ cũng chẳng làm gì được

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng cảm: “Chúng ta khẳng định rõ vai trò của BOT trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian ngắn đã phát triển nhanh kết cấu hạ tầng. Đương nhiên, trong quá trình phát triển ấy cũng có những tồn tại, bất cập

"Các kiến nghị của Đoàn giám sát là phù hợp. Cần sửa đổi nghị định 15, nâng lên thành luật thì mới có thể thu hút được vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tới đây chúng ta làm dự án đường cao tốc Bắc - Nam với nhu cầu vốn rất lớn, cần có chính sách, pháp luật thu hút nhà đầu tư.".

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

cần khắc phục”.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ ra 2 vấn đề.

Thứ nhất là khoảng cách đặt trạm và mức thu phí, nguyên nhân chủ yếu là do khâu quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.

"Ở đây có vấn đề là thiếu công khai minh bạch. Ví dụ quy định khi đặt trạm phải tham khảo ý kiến người dân, nhưng việc này làm không đến nơi đến chốn, nên gây bức xúc" - ông Tỵ nói.

“Mấy hôm nay xảy ra chuyện ở trạm Cai Lậy rất buồn, lái xe phản đối bằng cách bỏ tiền lẻ vào chai nhựa. Cần làm rõ vấn đề để có phương án tháo gỡ”.

Thứ hai là nguồn lực để làm BOT. Phần lớn các dự án là vay ngân hàng, lãi cao, ảnh hưởng lớn đến giá thành dự án, thời gian thu phí, cần có cơ chế mới trong việc huy động vốn, cơ chế lãi suất.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh thêm vấn đề kiểm tra, kiểm toán để xử lý nghiêm sai phạm, bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng.

"Phải rà soát lại các trạm, các trạm không đảm bảo tối thiểu 70km như quy định thì nhà nước phải mua lại, tránh gây bức xúc cho dân” - ông Tỵ nói.

Cũng đề cập chuyện trạm Cai Lậy, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng lái xe đưa tiền lẻ cũng không làm gì được, vì đều là tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Hoàn thiện thể chế để tiếp tục làm BOT

Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT)… đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, chưa rõ ràng, có những quy định còn có cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành hoặc chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế dẫn đến các vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục triển khai BOT, ban hành Luật đối tác công tư, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho hoạt động xã hội hóa nói chung và đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia và quản lý dự án BOT hiệu quả hơn; kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Theo TTO

Các tin cũ hơn