Thông tin Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) soạn thảo dự luật về khả năng đưa nước Nga rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với lý do tư cách thành viên WTO khiến cho nước Nga "mất nhiều hơn được", đã gây xôn xao dư luận.
Những ngày qua có hai luồng dư luận sau thông tin này. Luồng dư luận thứ nhất xem đây là một trong những phương cách giúp cho nước Nga có thể sống chung với cấm vận lâu dài của Mỹ và phương Tây.
Còn luồng dư luận thứ hai xem đây là việc nước Nga tìm cách tránh làm mất đi nhiều lợi ích của mình trong một tổ chức mà Moscow không được tham gia soạn thảo quy chế hoạt động cho nó.
Ở trong WTO, nước Nga được nhiều hơn mất |
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu Moscow chọn đưa nước Nga rời khỏi WTO thì đó là một sự lựa chọn mạo hiểm, cả kinh tế chính trị lẫn kinh tế xã hội Nga đều bị thiệt hại rất lớn sau hành động này.
Đó được xem là hành động tự sát. Tại sao vậy?
Tư cách thành viên WTO là tối cần thiết cho nước Nga trong thời cấm vận
Như đã biết, WTO là một diễn đàn toàn cầu và là một tổ chức quốc tế thống nhất, một tổ chức hoạt động quản lý tất cả các hoạt động thương mại đa phương, là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích từng quốc gia thành viên.
Thương mại đa phương đang là biểu hiện cho xu thế toàn cầu hoá và WTO là biểu tượng cho xu thế đó, khi thành viên của WTO có thể tham gia các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình.
Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới cho thương mại quốc tế, qua đó giúp cho hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu thế hội nhập - toàn cầu hoá.
Như vậy, tham gia vào WTO là hướng tới đa lợi ích, khi hiệp định thương mại đa phương được xem như một công cụ giúp cho các quốc gia thành viên có thể khai thác lợi ích đan xen mà hiệp định thương mại song phương không mang lại được.
Biểu hiện rõ nhất khi tham gia vào WTO là tham gia vào liên kết chuỗi, giúp cho lợi ích của các thành viên WTO có được từ cả quan hệ trực tiếp lẫn quan hệ gián tiếp, trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Đây là những yếu tố rất cần cho nước Nga, nhất là trong thời cấm vận, thậm chí hậu cấm vận. Chỉ cần phân tích Hiệp định về Tự vệ được ký kết tại Vòng đàm phán Uruguay, là sẽ thấy tư cách thành viên WTO cần thiết với nước Nga như thế nào.
Hiệp định về Tự vệ cho phép thành viên WTO áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khi sự tăng đột biến của nhập khẩu một mặt hàng nào đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Kinh tế Nga đạt được thành quả thời cấm vận, có rào cản từ tư cách thành viên WTO |
Sau khi Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế Nga, Moscow đã trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm từ Mỹ và EU.
Chính nhờ biện pháp trả đũa này mà ngành nông nghiệp Nga đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm sáng nhất của kinh tế Nga thời cấm vận.
Vì vậy, khi EU gia hạn 6 tháng 1 lần thì Nga đáp trả bằng gia hạn gấp đôi, gấp ba thời gian ấy và gần đây nhất là EU gia hạn cấm vận kinh tế Nga đến 31/12/2017 thì Nga gia hạn cấm nhập khẩu lương thực thực - thực phẩm từ EU đến 31/12/2018.
Nếu đến 31/12/2017 EU dỡ bỏ cấm vận Nga thì Moscow phải dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu - lương thực thực phẩm từ EU trước thời hạn để hưởng lợi từ EU và như thế ngành nông nghiệp của Nga có thể sẽ mất đi nhiều lợi thế từ những thành quả vừa mới có được.
Song Moscow có thể áp dụng nguyên tắc trong Hiệp định về Tự vệ để không phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm từ EU, đảm bảo cho những thành quả của thời cấm vận được lưu giữ và phát huy giá trị.
Đây là thứ lợi ích chỉ có được khi là thành viên WTO, còn với những hiệp định thương mại song phương thì phải ngang bằng, kiểu “ăn miếng trả miếng”.
Như vậy, WTO cũng có những hàng rào bảo hộ và nước Nga thời cấm vận rất cần điều đó.
Nước Nga đã hưởng lợi rất nhiều từ tư cách thành viên WTO
Có thể khẳng định rằng, dù Washington và các đồng minh trừng phạt Moscow là hành động kinh tế hoá chính trị, song những biện pháp mà Mỹ và phương Tây áp dụng trong cấm vận Nga đã nhẹ hơn rất nhiều, mà được cho là nhờ rào cản WTO.
Washington và các đồng minh áp trừng phạt chủ yếu với những thể nhân, pháp nhân cụ thể, điều đó vẫn tạo khoảng trống cho quan hệ giữa kinh tế Nga với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác, mà kết quả là Nga liên tục thặng dư mậu dịch với EU.
Nga cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện 17 giây là vi phạm nguyên tắc của WTO nhưng không bị trừng phạt |
Trong khi ngược lại, Nga áp trừng phạt hay trả đũa đối phương đều áp dụng cho cả một thực thể kinh tế, trong một hay nhiều lĩnh vực khác nhau của thực thể kinh tế đó. Điều đó được minh chứng bởi ngay chính ngay lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm từ Mỹ và EU.
Hay trước đó là việc Chính phủ Nga áp lệnh cấm vận kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau “sự kiện 17 giây” khi một máy chiến đấu của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỷ bắn rơi tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria vào tháng 11/2015.
Trong sự việc này Moscow cũng thực hiện kinh tế hoá chính trị và cũng đã vi phạm nguyên tắc của WTO vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên WTO, song nước Nga hoàn toàn không bị trừng phạt bởi WTO.
Như vậy, cả khi áp trừng phạt hay thực hiện trả đũa trừng phạt, Nga đều sử dụng phương cách ngoài WTO, nhưng với nước Nga, đối phương vẫn sử dụng các biện pháp trừng phạt trong giới hạn của WTO. Đây là khoản lợi không thể đo lường.
Không những vậy, Nga còn được hưởng lợi từ những nguyên tắc cơ bản của WTO, nhất là trong nguyên tắc không phân biệt đối xử, với quy chế đãi ngộ tối huệ quốc - ưu đãi đặc biệt. Đây là ưu đãi thương mại chỉ có được khi là thành viên trong WTO.
Trong quan hệ song phương, khi A dành ưu đãi tối huệ quốc cho B, thì C chưa hẳn đã được hưởng điều đó, song trong WTO, nếu khi B và C có cùng điều kiện để được hưởng tối huệ quốc của A thì khi A áp dụng cho B, C cũng sẽ đương nhiên được hưởng.
Lợi ích đan xen trong WTO giúp cho Nga được nhiều hơn mất khi tham gia tổ chức này |
Do vậy, chẳng hạn Nga không được hưởng tối huệ quốc trực tiếp từ EU, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng từ EU thì Nga cũng sẽ được hưởng quy chế ưu đãi đó. Vấn đề quan trọng là Chính phủ Nga có cơ chế khai thác được lợi ích từ quy chế ưu đãi đó hay không mà thôi.
Nga gia nhập WTO gần như đồng thời với việc bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho kinh tế Nga và làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế Nga, song đó không phải là nguyên nhân vì Nga là thành viên WTO.
Khi các tác giả dự luật rút Nga khỏi WTO cho rằng trong vòng 5 năm là thành viên của WTO, ngân sách quốc gia đã bị mất 871 tỷ rúp và dự báo đến năm 2020, kinh tế Nga sẽ thiệt hại tới 12-14 nghìn tỷ rúp và mất hơn 1,9 triệu việc làm, đó chỉ là nhìn nhận mang tính cảm xúc trước khó khăn của nước Nga và đổ lỗi cho WTO.
Theo giới phân tích, việc những nhà lập pháp Nga soạn thảo dự luật rút Nga khỏi WTO chì là một sinh hoạt chính trị tại nước Nga, song có thể dự báo Chính phủ Nga sẽ không lựa chọn đưa nước Nga rời khỏi WTO, vì nước Nga "được nhiều hơn mất" khi ở trong tổ chức thương mại quốc tế này.
Theo Đất Việt