Nhà máy Triều Tiên bận rộn sản xuất quần áo "Made in China"

Thứ hai, 14/08/2017, 12:01
Các hãng dệt may Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều nhà máy Triều Tiên, tận dụng lao động rẻ ở bên kia biên giới.

Công nhân Triều Tiên làm việc ở Đan Đông

Theo Reuters, đây là thông tin từ giới thương nhân và doanh nghiệp ở thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc. Quần áo sản xuất ở Triều Tiên được dán nhãn “Made in China” và xuất khẩu ra thế giới.

Việc các công ty sản xuất quần áo giá rẻ ở Triều Tiên rồi bán ra thế giới cho thấy ngay cả khi mọi cánh cửa đều bị đóng bởi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, một cánh cửa mới vẫn có thể mở ra. Các biện pháp trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Triều Tiên vì vấn đề tên lửa và chương trình hạt nhân của nước này không bao gồm lệnh cấm về xuất khẩu dệt may.

Một doanh nhân giấu tên ở Đan Đông cho hay: “Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp thế giới. Chúng tôi sẽ đề nghị các nhà cung ứng Đại lục làm việc với chung tôi về việc thành thật với khách hàng của họ. Đôi khi người mua cuối cùng không nhận ra rằng quần áo được sản xuất ở Triều Tiên. Đây là chuyện cực kỳ nhạy cảm”. Doanh nhân này nói thêm hiện có hàng chục đại lý quần áo ở Đan Đông hoạt động như những nhà môi giới giữa hãng cung ứng Trung Quốc và khách mua ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ nhì của Triều Tiên trong năm 2016, sau than và khoáng sản, với kim ngạch đạt 752 triệu USD, theo số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA). Tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên trong năm qua tăng 4,6% lên mức 2,82 tỉ USD. Lệnh trừng phạt mới nhất mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này đã hoàn toàn cấm xuất khẩu than.

Ngành dệt may phát triển mạnh cho thấy Triều Tiên thích nghi với hoàn cảnh như thế nào kể từ khi hứng lệnh trừng phạt vào năm 2006, thời điểm nước này lần đầu thử nghiệm thiết bị hạt nhân. Ngành dệt may cũng cho thấy sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc về mặt kinh tế, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang buộc Bắc Kinh phải nỗ lực hơn để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của nước láng giềng.

Lao động Triều Tiên đang sản xuất giày đá bóng trong một nhà máy tạm thời ở ngôi làng thuộc vùng cận biên giới của thành phố Đan Đông

Xuất khẩu của Đại lục đến Triều Tiên tăng gần 30% lên 1,67 tỉ USD trong quý 1/2017, chủ yếu là nhờ nguyên liệu dệt may và các mặt hàng thông dụng lao động truyền thống không có mặt trong danh sách cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Nhà cung ứng Đại lục gửi vải và các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình sản xuất quần áo đến các nhà máy Triều Tiên, nơi hàng may mặc được gia công và xuất khẩu.

Năm ngoái, thương hiệu thể thao Úc Rip Curl công khai xin lỗi khi phát hiện một số thiết bị trượt tuyết của hãng có nhãn “Made in China” nhưng lại được sản xuất ở Triều Tiên. Rip Curl đổ lỗi cho một nhà cung ứng vì hãng này gia công tại một nhà máy không được ủy quyền. Dù vậy, các thương nhân và doanh nghiệp ở Đan Đông cho hay đây là thực tế phổ biến.

Doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 75% bằng cách sản xuất quần áo tại Triều Tiên, một thương nhân Trung Quốc từng sống ở Bình Nhưỡng cho biết. Một số nhà máy Triều Tiên nằm ở Siniuju, chỉ cách Đan Đông một đường biên giới. Các nhà máy khác thì nằm ngoài Bình Nhưỡng. Quần áo hoàn chỉnh thường được chuyển trực tiếp từ Triều Tiên đến các cảng Trung Quốc trước khi ra thế giới.

Theo hãng tư vấn GPI Consultancy của Hà Lan, công ty chuyên giúp đỡ doanh nghiệp ngoại kinh doanh ở Triều Tiên, Triều Tiên có khoảng 15 hãng xuất khẩu hàng may mặc lớn và hàng chục doanh nghiệp vừa. Mỗi công ty vận hành nhiều nhà máy trên khắp cả nước. Tất cả nhà máy đều thuộc sở hữu của nhà nước và các nhà máy dệt may hoạt động tốt.

Cờ Trung Quốc, Triều Tiên bên ngoài nhà hàng Ryugyong tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)

“Chúng tôi đang cố gắng sản xuất một số quần áo ở Triều Tiên nhưng các nhà máy giờ đã được đặt hết. Cùng một ngày làm việc, công nhân Triều Tiên có thể sản xuất hơn 30% so với công nhân Đại lục. Ở Triều Tiên, công nhân nhà máy không thể đi vệ sinh bất cứ khi nào họ muốn vì nó sẽ làm chậm cả dây chuyền sản xuất. Họ cũng không giống lao động Trung Quốc. Người Triều Tiên có thái độ khác: họ tin rằng họ đang làm việc cho đất nước của họ, cho lãnh đạo của họ”, một nữ doanh nhân ở nhà máy tại Đại Liên (Trung Quốc), cho hay.

Công nhân Triều Tiên nhận lương thấp hơn nhiều so với công nhân nhiều nước châu Á khác. Đơn cử, lao động từng làm việc ở khu công nghiệp Kaesong hưởng lương tối thiểu khoảng 75 USD/tháng, lương trung bình khoảng 160 USD/tháng. Trong khi đó, lương trung bình của công nhân nhà máy Đại lục là 450 - 750 USD/tháng. Kaesong đã là nơi có cơ cấu lương bổng khác biệt và cao hơn so với phần còn lại của Triều Tiên.

Các hãng dệt may Trung Quốc cũng đang tuyển dụng hàng ngàn lao động giá rẻ người Triều Tiên đến làm việc ở Trung Quốc. Triều Tiên dựa vào lao động ở nước ngoài để có tiền mặt, đặc biệt là từ khi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc làm hạ một số nguồn thu xuất khẩu khác. Phần lớn lương bổng của công nhân được gửi về nhà, giúp tài trợ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Liên Hiệp Quốc cho biết. Lệnh trừng phạt mới được Liên Hiệp Quốc áp đặt trong tháng này cấm các nước gia tăng số lượng lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài.

Một nhà máy mà phóng viên Reuters ghé thăm ở Đan Đông có 40 lao động Triều Tiên. Họ thực hiện đơn hàng nhỏ hơn cho khách hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về chuỗi cung ứng và không muốn hàng hóa được sản xuất trên đất Triều Tiên.

Những công nhân này có lương khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương 300,25 USD, bằng một nửa so với mức trung bình của công nhân Trung Quốc, chủ nhà máy chia sẻ. Nhà máy thường hoạt động từ 7 giờ 30 đến 22 giờ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích