|
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Havana (Cuba) |
Hai năm sau cột mốc lịch sử, quan hệ song phương Mỹ - Cuba gặp thách thức lớn trong tuần này, liên quan tới chuyện một số nhà ngoại giao Mỹ ở Havana mắc bệnh, có biểu hiện mất thính giác.
Bí ẩn
Ngày 10-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert xác nhận Mỹ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba tại Đại sứ quán Cuba ở Washington.
"Cuba chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ Cuba bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao và gia đình họ, không hề có ngoại lệ". Bộ Ngoại giao Cuba |
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến việc khoảng năm nhà ngoại giao Mỹ buộc phải rời khỏi thủ đô Havana của Cuba trước khi kết thúc nhiệm vụ.
Phát biểu của bà Nauert xuất hiện một ngày sau khi Hãng tin AP dẫn lời một quan chức giấu tên khẳng định sự việc này.
Theo đó, từ năm 2016 đã xuất hiện một số nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba phải trở về nước sau khi mắc triệu chứng lạ khiến họ mất thính giác.
Sau nhiều tháng điều tra, các quan chức Mỹ kết luận rằng các nhà ngoại giao ấy đã bị tấn công bằng vũ khí âm thanh. Đó có thể là dạng thiết bị giống máy nghe lén được đặt trong hoặc ngoài nơi họ cư trú.
Hiện tại chưa có xác nhận nào về việc đây là vụ tấn công có chủ đích hay nhằm một mục đích nào khác, theo AP. Bà Nauert xác nhận vào ngày 23-5 năm nay, hai nhà ngoại giao Cuba đã được “yêu cầu rời khỏi” Washington.
Nữ phát ngôn viên từ chối tiết lộ thêm chi tiết, chỉ nói rằng những triệu chứng của các nhà ngoại giao Mỹ không ảnh hưởng tới tính mạng và hiện Cơ quan An ninh ngoại giao cũng như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra.
Trong phản hồi ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết họ đã được thông báo về tình trạng trên từ tháng 2-2017, đồng thời đã mở một “cuộc điều tra toàn diện, ưu tiên và nhanh chóng”, cũng như thành lập một ủy ban điều tra riêng biệt về vụ này.
Havana cũng phản đối việc Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao của mình, khẳng định đây là hành động “thiếu trách nhiệm, vô căn cứ”.
Nghi án liên can đến Nga?
Theo phân tích của AFP ngày 11-8, Cuba có mối quan hệ tương đối tốt với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhưng mọi thứ thay đổi khi ông Donald Trump đứng đầu Nhà Trắng.
Ông Trump là người có quan điểm cứng rắn với Cuba. Hồi tháng 6-2017, ông Trump công bố các quy định siết chặt du khách Mỹ đến Cuba, cấm quan hệ với một công ty du lịch do quân đội Cuba điều hành và tái khẳng định lệnh cấm thương mại với Cuba.
Ông Trump cũng dùng lời lẽ xúc phạm chính quyền Cuba, chỉ trích vấn đề nhân quyền của Havana.
Đáp lại, một tháng sau đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro lên án ông Trump trên truyền hình nhà nước, cho rằng tuyên bố trên của ông Trump mang ý nghĩa “cản trở quan hệ song phương” hai nước.
Trong khi đó, AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang mở rộng nhiều khả năng khác nhau và hiện cũng bao gồm nghi án một bên thứ ba đã tấn công nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có... Nga.
Sở dĩ Nga xuất hiện là vì vụ Havana xảy ra cuối năm 2016, trùng khoảng thời gian Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử mà ông Trump giành chiến thắng.
Tổng thống Mỹ Obama khi ấy đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ra lệnh đóng cửa hai cơ sở ngoại giao Nga tại Mỹ.
Trong những năm 1960 của thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính quyền Mỹ cũng phát hiện tòa đại sứ của họ ở Matxcơva bị thiết bị siêu thanh bao phủ.
Cái gọi là “tín hiệu Moscow” này dẫn tới việc thành lập dự án bí mật Pandora để xác nhận những ảnh hưởng của bức xạ điện từ, theo tạp chí Newsweek.
Nhà ngoại giao Canada cũng mắc bệnh Canada xác nhận một nhà ngoại giao của họ tại Cuba đang bị mất thính giác. Brianne Maxwell, người phát ngôn Chính phủ Canada về quan hệ quốc tế, ngày 9-8 cho biết các quan chức nước này “đang nhận thấy những triệu chứng bất thường ảnh hưởng tới nhà ngoại giao Canada và Mỹ cũng như gia đình họ tại Havana”. Canada trước đây là nước trung gian đóng vai trò khá quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba. |
Theo TTO