|
Công trường khai thác cát ở mỏ cát Kim Phú xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam) trên lòng sông Vu Gia tấp nập xe cộ, phương tiện. |
Cách “mua lòng dân” mà vị trưởng phòng này nói là dùng tiền. Ông ví dụ như các ngày lễ, liên hoan hội họp, doanh nghiệp khai thác cát nên... cho dân ít đồng. Thực tế trên địa bàn có doanh nghiệp ngày lễ cho dân làng 50 - 70 suất quà, dân mừng, không còn ý kiến (!?)
Sông Vu Gia chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) ở thượng nguồn đã bị các nhà máy thủy điện chặn dòng, lắm đoạn lòng sông bị thu hẹp, trơ đáy. Lòng sông cạn nước nên việc đào, hút cát trên sông trở nên dễ dàng. Dọc con sông này là những công trường khai thác cát, lòng sông bị đào xới ngày đêm. Hai bên bờ, sạt lở mất đất, người dân và chính quyền ngán ngẩm không còn muốn phản ánh, bởi lẽ nói mãi mà đâu vẫn hoàn đấy.
Tấp nập dưới bến trên bờ
Có mặt ngay tại cầu Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) bắc qua sông Vu Gia, dưới sông là cảnh tấp nập các sà lan ngược xuôi chở cát. Một chủ mỏ ở gần khu vực này cho hay, thời gian qua, giá cát tăng cao, thu mua tại mỏ có giá 170.000 – 200.000 đồng/m3. Cát sau khi hút lên sẽ vận chuyển ra Đà Nẵng để bán, phục vụ các công trình lớn ở đây.
Ngược sông Vu Gia qua các xã Đại Phong, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hồng… là hàng chục bến bãi khai thác cát ngổn ngang máy móc, phương tiện. Nhiều khu vực lòng sông bị đào xới nham nhở.
Xã Đại Đồng có 3 mỏ cát lớn ngay khu vực chân cầu Hà Nha. Toàn bộ khu vực này có 3 Công ty Thành Sơn, Hồng Nguyên và Nguyên Thịnh Phát được cấp phép khai thác cát. Hoạt động khai thác cát tại ba mỏ này đang bị đình chỉ hoạt động.
Mỏ cát của Cty Thành Sơn dù bị đình chỉ, vẫn còn máy móc phương tiện ở đây. Công ty này cho đắp hẳn một con đường lớn để ô tô xuống giữa lòng sông để chở cát. Hai bên đường là những hố sâu do việc đào múc cát để lại. Ngay bên cạnh mỏ cát phía hạ du một đoạn bờ sông dài bị sạt lở nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Hà, nhà cạnh mỏ cát này cho hay, mấy năm qua, khai thác cát ào ạt khiến hai bờ sông sạt lở nghiêm trọng, người dân cứ thế mất đất sản xuất. Nếu kéo dài tình trạng này, ngoài không còn đất sản xuất mà nhà cửa cũng bị uy hiếp.
Công trường mỏ cát của Cty Nguyên Thịnh Phát có nhiều máy móc phương tiện đã tập kết ở đây. Từ cầu Hà Nha nhìn xuống những núi cát sừng sững chất chồng...
Ngược lên thượng nguồn, mỏ cát thuộc địa phận xã Đại Hồng của Cty Kim Phú đang diễn ra hoạt động khai thác cát rầm rộ. Con đường dẫn vào bãi tấp nập hàng chục xe tải ra vào chở cát. Công ty TNHH Hồng Ân được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác cát tại đây từ năm 2010, với diện tích hơn 7ha.
Sau đó, công ty này chuyển nhượng mỏ cát cho Công ty TNHH Kim Phú. Dù chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đồng ý việc chuyển nhượng, song Công ty TNHH Kim Phú “tiền trảm hậu tấu” mặc nhiên khai thác cát dẫn đến xung đột với người dân tại đây…
Có mặt tại mỏ cát này để ghi hình việc khai thác cát, lập tức một thanh niên chạy xe máy với thái độ hung hăng yêu cầu phóng viên không được quay phim chụp hình nếu chưa được sự đồng ý của chủ bãi. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cty Kim Phú cho biết: giấy phép khai thác cát tại mỏ này đến năm 2021 mới hết hạn. Do tranh chấp nên hiện tại công ty chỉ khai thác trên diện tích 4,4ha.
|
Một đoạn bờ sông dài ở thôn Hà Nha (Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) bị sạt lở do khai thác cát được kè chắn tạm bằng tre, nứa |
Bất lực
Người dân thôn Hà Nha (xã Đại Đồng) tỏ ra bất bình với việc khai thác cát gây sạt lở, mất đất sản xuất, uy hiếp nhà cửa của người dân. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên là người dân tỏ ra bất mãn, không còn tin tưởng, không muốn phản ánh nữa. “Nhà báo về đây cũng nhiều, dân phản ánh cũng lắm nhưng có làm được gì. Cty vẫn cứ hút ngày hút đêm. Phản ánh nữa, bị giang hồ tới xử thì sao”, một người dân thôn Hà Nha nói.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, do phản ánh việc khai thác cát, ngăn cản việc xe vận chuyển cát gây ô nhiễm, hư hỏng đường sá nhiều người dân đã bị những đối tượng “đầu gấu” dọa dẫm, thậm chí có trường hợp bị hành hung nên người dân tỏ ra e ngại. Anh M. một người dân cho biết: Cách đây không lâu anh và mấy người nữa ra ngăn cản việc xe tải vận chuyển cát gây ô nhiễm, hư hỏng đường sá, mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, ngay sau đó, một nhóm thanh niên lạ mặt tìm đến nhà các hộ dân hăm dọa.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng thông tin: Sạt lở ở khu vực các mỏ quá sâu. Việc khai thác vô tội vạ diễn ra cả chục năm qua, dân kêu, xã nhiều lần phản ánh, huyện và tỉnh về kiểm tra nhưng đâu rồi lại vào đó, các mỏ vẫn hoạt động bình thường. Mãi đến khi gây ra hậu quả rồi mới thấy đình chỉ.
“Nếu hút cát đúng quy trình thì không có chuyện sạt lở. Các công ty hút cát tùy tiện, vô tội vạ theo thị trường lên xuống nên mới sạt lở như vậy”, ông Vinh cho biết.
Việc dân tố cáo các chủ mỏ cấu kết với “giang hồ” đánh đập, dọa dẫm người dân, ông Vinh tỏ ra dè dặt: “Chuyện này tôi không dám nói”. Nhưng ông Vinh lại khẳng định: “Dân nói răng thì có rứa, dân phản ánh là chắc chắn có. Người dân chỉ phản ánh miệng nên không có cơ sở xử lý”.
Là Phó Bí thư, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Trưởng khối dân vận của xã, ông Vinh là người sâu sát với người dân thôn Hà Nha và Vĩnh Phước nơi 3 mỏ cát hoạt động. Ông Vinh chia sẻ: Trước đây chuyện khai thác cát người dân phản ánh nhiều nhưng bây giờ người dân không nói nữa. Bởi nói cũng như không. Thậm chí phát động dân nói để có cơ sở báo cáo nhưng dân ngán quá rồi, không lên tiếng.
“Cả chục năm nay, dân cứ kêu ca, ta thán mà có được chi. Chính quyền địa phương dân cũng không tin nữa. Dân đâu hiểu, xã cũng đi kêu chứ biết làm sao. Văn bản xã gửi đi nhưng bặt tăm, chả ai xử lý,"ông Vĩnh cho biết.
|
Sà lan chở cát trên sông Vu Gia đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam). |
“Mua lòng” dân?
Sạt lở, dân mất đất sản xuất, dân và chính quyền địa phương kêu ca, thế nhưng ông Hồ Thanh Phương, Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc lại cho rằng: Mọi việc đâu nghiêm trọng, tình hình khai thác cát đã được huyện quản lý chặt chẽ. Trên địa bàn Đại Lộc hiện rất nhiều mỏ cát. Danh sách thì đông nhưng hoạt động ít mỏ thôi.
Ông Phương kê đếm: Đại Lộc hiện chỉ có 7 – 8 mỏ cát đủ điều kiện hoạt động. Chỉ cần phát hiện sai phạm là huyện ngừng thi công ngay. Thời gian qua chúng tôi cùng với lực lượng công an đã mời doanh nghiệp lên để răn đe nên các doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật vi phạm thì huyện không bao giờ đề nghị gia hạn giấy phép.
Cũng theo ông Phương, Đại Lộc làm bài bản vấn đề này nhưng một số nơi làm sai vị trí. Khu vực sạt lở ở chân cầu Hà Nha, huyện đã yêu cầu Cty dùng tre kè chống sạt lở. Kiểm tra nếu đầy đủ sẽ cho phép khai thác lại. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng: Nguyên nhân sạt lở ở đây không xác định được do khai thác cát hay do dòng chảy. Việc khắc phục chỉ kè bằng tre, chứ kè kiên cố, một km mất chục tỷ lấy đâu.
Liên quan đến các mỏ cát bị người dân phản đối, theo ông Phương là do doanh nghiệp không biết cách “mua lòng người dân”. Doanh nghiệp được tỉnh cấp phép ngoài quy định pháp luật phải quan hệ tốt với dân, phải mềm dẻo. “Được khai thác cát trên địa bàn, doanh nghiệp phải biết cách mua lòng người dân, hỗ trợ cho họ. Nhiều doanh nghiệp ỷ có giấy phép cứ sửng cồ, dân ghét. Chỉ ghét thôi nhưng thực chất không ảnh hưởng gì”, ông Phương cho biết.
Cách “mua lòng” mà vị trưởng phòng này nói là dùng tiền. Ông ví như các ngày lễ, liên hoan hội họp, doanh nghiệp khai thác cát nên... cho dân ít đồng (!)
“Doanh nghiệp biết mua lòng dân mới là doanh nghiệp giỏi. Ngày lễ cho dân mấy chục triệu đối với doanh nghiệp là chuyện nhỏ. Chúng tôi nói với doanh nghiệp, đừng nghĩ quen mấy ông trên huyện là xong. Quan trọng là người dân ở đó, phải lấy được lòng dân. Nhiều ông doanh nghiệp còn u mê lắm” Ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc |
Theo Tiền Phong