Đây còn là phương tiện được vị Giáo chủ đạo PGHH dùng đi lại và làm công tác khuyến nông các tỉnh miền Tây những năm đầu thập niên 40 thế kỷ XX. Lưu truyền, chiếc xe do ông Hồ Viết Long tặng. Nhưng ông Long là ai, hình trạng thế nào thì đến nay nhiều người vẫn mơ mơ, hồ hồ...
Chiếc Renault của ông Hồ Viết Long tặng cho Giáo chủ PGHH được trưng bày tại “Nhà Lưu niệm”. |
Hành trình ly kỳ...
“Do sinh thời, ông Long không có con, nên...”, sau một hồi trầm ngâm, ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1938), Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu Giáo lý (Ban Trị sự Trung ương PGHH), người trực tiếp quản lý “Nhà lưu niệm” bỗng vui lên: “Hiện con cháu của người lái xe cho ông Long hiện đang sinh sống tại Năng Gù. May ra...”. Hành trình “khám phá” chân dung ông Hồ Viết Long bắt đầu từ thông tin ngắn gọn như thế. Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến căn nhà nằm khuất phía sau nhà máy xay lúa cổ xưa “Hiệp Thành Lợi” (Bình Mỹ - Châu Phú - An Giang), bà Hồ Thị Bảy (SN 1949), con gái ông Hồ Viết Bề (SN 1906), tài xế nhiều năm cho ông Hồ Viết Long niềm nở tiếp chuyện.
Rất vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ “tất tần tật” những gì mình biết, nhưng khi chúng tôi hỏi cụ thể về hình trạng ông Hồ Viết Long thì bà Bảy chào thua: “Bà là con đầu ông cố, nhưng do lâu ngày ít qua lại vì xa xôi, nên...”. Tuy nhiên theo bà Bảy, qua lời kể lại của cha mẹ, hình như quê hương mồ mả ông Long ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Còn cụ thể ở đâu, thế nào... thì bà “bó tay”. Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc dù sau đó nhiều lần đi - về chỉ nhận được những cái lắc đầu xa lạ.
Biết chuyện, Phó Ban trị sự Trung ương PGHH Nguyễn Huy Diễm đánh tiếng hỗ trợ. Sau khi xác định bà Bảy từng là bạn học thời phổ thông, ông Diễm đích thân đến nhà tìm hiểu... Qua câu chuyện tâm tình, bà Bảy sực nhớ đến người cháu ruột là Hồ Văn Thẳng, từng có một vài lần được ông nội đưa về nhà ông Long ăn giỗ. Thế là tôi nhằm hướng Sa Đéc thẳng tiến.
Chân dung ông Hồ Viết Long. |
Do đã cách đây hơn 50 năm nên trong ký ức của ông Thẳng chỉ nhớ mang máng: Nhà gần với kiến trúc tâm linh, nhưng không rõ là đình hay chùa. Do thông tin tù mù và do vật đổi sao dời nên suốt cả buổi sáng chúng tôi vẫn chưa khoanh được vùng trọng tâm. Mệt. Khát... lại tạt vào quán lề đường tính tiếp. Câu chuyện lọt đến tai ông Bùi Công Lộc, Phó Ban Tế tự đình Vĩnh Phước (phường 1 - TP.Sa Séc - Đồng Tháp) ngồi bàn kế bên. Nổi máu “yêng hùng”, ông Lộc “bật mí”: Gần đình Vĩnh Phước có gia đình họ Hồ ngày xưa cũng rất giàu có và đã hiến đất xây đình...
Rồi ông trực tiếp dẫn đường đến căn nhà số 121 đường Trần Hưng Đạo, phường 1 (TP.Sa Đéc), mà nhiều người ngày nay biết đến qua tên gọi Nhà ông Cả Tánh. Nhìn mái ngói rêu phong, kiến trúc cổ xưa, chúng tôi vui vui nhưng nhưng ông Thẳng lại buồn buồn vì thấy nhà này khác khác với nhà “Ông cồ Ba” Long. Tuy nhiên bị chúng tôi “ép” quá anh Thẳng đành phải vào hỏi thăm.
“Tôi là gánh họ Hồ ở Năng Gù....”, không đợi ông Thẳng hết câu, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh reo lên, vậy là bà con rồi: “Ông ngoại tôi là con ông Hồ Viết Tánh, anh ruột ông Hồ Viết Long”. Lúc này ông Thẳng chỉ biết cười trừ: “Tại nhà cửa bây giờ lạ quá...”. Sau tay bắt mặt mừng, chúng tôi vào nội dung chính thì bà Ánh không nhớ nỗi năm sinh, mất ông Long. “Ông chỉ về đây sống vài năm cuối đời và lúc đó tôi còn nhỏ nên không rõ” - bà Ánh thật lòng - “Chỉ biết được ông qua tấm ảnh treo giữa nhà”.
Vừa nhìn bức ảnh ông lão có gương mặt phúc hậu trong trang phục áo dài khăn đóng, ông Thẳng reo lên: “Đúng là ông Cồ Ba rồi”. Do đôi chân bị tật, đi lại khó khăn nên bà Ánh nhờ con rể là Thanh đưa đi thăm mộ nằm trên phần đất gần chợ Nàng Hai (khóm Tân Hòa, phường An Hòa, TP.Sa Đéc). Phải xin phép chủ nhà phía trước, chúng tôi mới có đường ra khu mộ gia đình họ Hồ Viết. Đó là khu nhà mồ có kiến trúc kiểu Pháp khá hoành tráng, nhưng trên bia chỉ ghi toàn chữ Hán, vì thế anh Thanh cũng không rõ mồ nào của ai.
Thế nhưng khi đọc đến phần Hán tự trên bia, phát hiện tên người trong mộ là ông, bà Hồ Viết Đẩu, còn ông Hồ Viết Long chỉ là người lập mộ với tư cách là con trai. Đến đây thì Thanh gãi đầu cười trừ: “Vậy mà lâu nay em cứ nghĩ.... Thôi để em đưa mấy anh sang bà dì vợ tìm hiểu”. Trời ngả chiều càng khiến chúng tôi thêm bồn chồn với cuộc hành trình.
Vẽ chân dung từ ký ức
Chiều nhạt nắng, Thanh dẫn chúng tôi đến hẻm nhỏ trên đường Trần Phú nằm giữa TP.Sa Đéc cổ kính với lời giới thiệu: “Nhà dì Võ Thị Mỹ Xinh, chị em bạn dì với mẹ vợ em”. Là người công tác trong ngành y, mới nghỉ hưu được 5 năm (SN 1955) nhưng bà Xinh vẫn giữ được nét của người phụ nữ Nam Bộ xưa: Gương mặt phúc hậu, nói năng từ tốn... Bằng giọng nói chầm chậm, bà Xinh cho biết: “Tôi là cháu ngoại của ông Hồ Viết Thiền, ông Thiền là con ông Cả Tánh, ông Tánh là anh ruột ông Hồ Viết Long”.
Bà Xinh cũng cho biết thêm, do ông Hồ Viết Tánh từng làm Hương Cả nên người dân gọi là ông Cả Tánh quen miệng nên khi hỏi ông Hồ Viết Tánh, không có nhiều người biết. Theo bà Mỹ Xinh, trong gia đình, ông Tánh thứ 2, ông Hồ Viết Long thứ 3. Tuy là anh em liền kề nhau, nhưng mỗi người một chí hướng: Ông Tánh theo Nho học và làm Hương Cả và ở tại ngôi nhà tổ, còn ông Long theo Tây học rồi làm Thông phán tại Tòa án tỉnh Châu Đốc.
Nhà ông Cả Tánh - nơi ông Hồ Viết Long sinh ra và sống những ngày cuối đời. |
Sinh thời ông Long có 2 đời vợ, khi người vợ đầu bệnh mất sớm, ông đi bước nữa với bà Trần Thị Sắc, nhưng cả hai đều không sinh cho ông người con nối dõi. Vì vậy khoảng năm 1960, ông Long xin bà Mỹ Xinh làm con nuôi và đưa về sống tại ngôi nhà tại Châu Đốc, nay là đường Cử Trị, TP.Châu Đốc (An Giang).
Tuy nhiên, khoảng vài năm sau, do nhiều biến cố xã hội và gia đình (ông và người vợ thứ hai chia tay), không có người chăm sóc nên bà Mỹ Xinh được cha mẹ ruột đưa trở lại Sa Đéc. Tuy thời gian chung sống không dài, nhưng vì được ứng xử như cha con nên bà Mỹ Xinh có được hiểu biết, ấn tượng... Và đây cũng là chứng nhân duy nhất còn lại, có thể giúp chúng tôi có thể phác họa “hình trạng” của ông Hồ Viết Long.
Theo lời bà Mỹ Xinh, sinh thời, ông Long (SN 1884) rất giàu có. Ngoài đất ruộng “thẳng cánh cò bay” ở vùng Hòa Hảo (nay là Thị Đam - Phú Tân - An Giang), nhà máy xay lúa ở Năng Gù (Bình Mỹ - Châu Phú - An Giang), ông còn sắm cùng lúc 2 chiếc xe hơi, một xe Traction cho mình và một chiếc Renault tặng cho Đức Thầy. Theo bà Xinh, vào thời điểm đó, để mua được xe, người mua phải còm - măng (commande - đặt hàng) tận nước ngoài. Nghĩa là phải là người có tiền, có uy tín và hiểu biết mới mua được.
Và tuy nói tiếng Tây và làm việc, hưởng lương Tây, nhưng ông Long vẫn giữ phong thái, tinh thần dân tộc: Luôn mặc áo dài khăn đóng và giữ đạo thờ cúng ông bà, Tổ tiên. Đặc biệt là ông rất có tâm đạo. “Tôi nhớ rất rõ là ông luôn nhỏ nhẹ, mực thước trong từng dáng đứng, bước đi, từng lời ăn, tiếng nói. Đặc biệt là đều đặn thực hiện giữ chay kỳ hàng tháng và từng giữ chức sắc trong Ban trị sự Bồ đề Đạo tràng (Châu Đốc)".
Theo bà Mỹ Xinh, chính điều này đã dễ dàng khiến ông tin tưởng và trở thành tín đồ của đạo PGHH, tông phái Phật giáo nội sinh và hơn thế nữa là sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua hẳn chiếc xe - gia tài lớn đương thời để hiến cho Giáo chủ làm phương tiện đi lại và nhất là thực hiện công việc tổ chức những buổi nói chuyện với tín đồ, bà con về nuôi trồng nông nghiệp tại các tỉnh miền Tây vào những năm 1944-1945, giông giống như cán bộ ngành nông nghiệp ngày nay tổ chức những buổi khuyến nông cho bà con nông dân...
Mãi đến năm 1968 căn nhà bị cháy rụi, phần vì tuổi cao, phần vì buồn với cuộc sống không hạnh phúc đường vợ chồng, con cái... ông Long về sống tại ngôi nhà tổ ở Sa Đéc. Năm 1973, ông mất, thọ 89 tuổi, an táng tại phần đất nhà tại Sa Đéc. Được biết lúc này phần đất mồ mả của gia đình bị lấn chiếm, nên mộ phần của ông được xây dựng tối giản.
Theo chân bà Mỹ Xinh, chúng tôi thăm nơi an nghỉ ông Hồ Viết Long và thật bất ngờ khi ngôi mộ nằm gần khu vực khu mộ gia đình mà chúng tôi viếng trước đó không xa. Trái với khí thế hừng hực, chúng tôi như rơi vào nỗi buồn mênh mang khi tận mắt chứng kiến ngôi mộ ông như chìm trong cảnh hoang tàn đến nao lòng.
Do nạn lấn chiếm càng nghiêm trọng nên ngôi mộ không chỉ như lọt thỏm giữa rừng công trình kiến trúc mà còn như chìm giữa không gian ao tù, nước đọng và nặng mùi xú uế từ những đường nước thải vây quanh... Ngôi mộ càng khiến cho chúng tôi buồn bã với những vết sụp để lộ ra khoảng trống đến tận đáy. Đó cũng chính là lý do khiến ít người biết đến... nơi an nghỉ của người đã tặng chiếc xe cho Giáo chủ đạo PGHH.
Chiều muộn, những vạt nắng cuối ngày như rơi rớt lại những le lói tận cuối chân trời xa, không gian nhuốm màu u tịch, như nhóm lên trong tôi nỗi buồn man mác tình người...
Theo Lao động