Chiều tối, bà Sơn Xà Pha vẫn nán ngồi bán rau cải ở góc chợ Hòa Bình, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). “Hôm nay trời mưa bán ế ẩm, cơm còn không có ăn nhưng vẫn phải lo trả lãi mỗi tháng gần chục triệu đồng”- bà Pha nói. Người đàn bà khắc khổ rơm rớm nước mắt khi kể về chồng: “Cũng vì ước mơ sang Mỹ mà chồng phải bỏ xứ đi Tây Ninh làm thuê gửi tiền về trả nợ, chứ ở nhà chủ nợ đòi chịu không nổi”.
Bà Sơn Xà Pha đang bán rau cải ở chợ Hòa Bình |
Mong đổi đời
Gia đình bà Pha không ruộng đất, hằng ngày chồng đi làm thuê, còn bà buôn bán rau ở chợ. Bà cho biết, buôn bán ế ẩm nên cuộc sống rất chật vật. Năm trước, ông Lâm Lên, một người quen, quê ở xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đến nhà chơi, giới thiệu sang Mỹ lao động, lương cao. Nghe thấy ham, vợ chồng bàn bạc rồi quyết định vay gần 180 triệu đồng, đổi ra 7.200 USD để nộp cho ông Lên. Bà Pha kể: “Ông Lên nói, sang Mỹ tôi nấu cơm, chăm sóc việc nhà, còn chồng thì đi theo người ta làm, tháng mỗi người được 1.000 USD. Cứ nghĩ rằng vợ chồng đi làm vài năm về dư giả chút đỉnh, nào ngờ…”.
Xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có không ít người đang khốn đốn với “giấc mơ Mỹ”. Ông Lâm Phết, ở ấp Tú Điềm 2 (xã Đại Ân 2) kể, tháng 8/2016, được ông Lâm Lên, người cùng ấp giới thiệu có nguồn đi lao động nước ngoài rồi hứa sẽ giúp làm thủ tục, hồ sơ với số tiền 3.000 USD. Ông chạy vạy kiếm đủ tiền đưa cho Lâm Lên nhưng đến nay không nghe nói năng gì, trong khi Lâm Lên thì trốn biệt.
Bà Sơn Thị Na Ry, người cùng ấp, cho biết, trong một lần lên xã làm giấy khai sinh cho cháu ngoại, thấy nhiều người trong xóm đi làm hồ sơ sang Mỹ làm việc với số tiền lương được nói là mỗi tháng vài chục triệu đồng. Bà liền đến nhà ông Lâm Lên đề cập nguyện vọng. Ông Lâm Lên gọi điện thoại cho một “người quen bên Mỹ” rồi cho bà nói chuyện với người này, được hứa sẽ cho làm việc với mức lương từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Nghe xong, bà Ry không chỉ chấp nhận đóng 2.000 USD cho mình mà còn xin cho chồng cùng đi. “Nhà không tiền, tôi chạy đi vay gần 20 triệu đồng và bán thêm miếng đất cạnh nhà được 15 triệu đồng nữa. Ngoài ra xin thêm tiền của con đang làm thuê ở TP.HCM mới đủ, rồi đổi ra đô la mang đến nộp cho Lâm Lên” - bà Na Ry kể.
Ôm nợ
Trong căn nhà cũ kỹ, chị Dương Thị Ngọc Điệp (ấp Tú Điềm) đứng ngồi không yên vì món nợ hàng chục triệu đồng đã vay mượn đưa cho Lâm Lên để sang Mỹ. “Tôi bị bệnh không làm ra tiền, trong khi nhà không ruộng vườn nên không biết lấy đâu trả nợ mấy chục triệu đồng”- chị Điệp ngậm ngùi.
Chị Điệp cho biết, vợ chồng làm công nhân ở Bình Dương được 7 năm, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Mấy tháng nay bệnh tim tái phát, vợ chồng chị phải xin nghỉ trở về quê. Trong lúc nhà không có gạo ăn, lại phải nuôi 2 đứa con ăn học nhưng khi nghe hàng xóm rộn rã làm hồ sơ đi Mỹ, chị cũng chạy vay được 3.000 USD để đóng cho ông Lâm Lên. “Gần tới ngày đi mới phát hiện mình bị lừa”- chị Điệp kể.
Ông Sơn Phal ngồi chờ người thân. |
Gặp ông Sơn Phal, 37 tuổi, ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) đang chăm sóc mẹ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Bình. Ông Phal với vẻ mặt khổ sở, nói: “Mẹ bệnh “lên máu”, tôi vội chở ra bệnh viện nằm nhưng trong túi chỉ có 300.000 đồng. Giờ đang đợi chị em trong nhà đem tiền ra phụ lo viện phí”.
Ông Phal cũng là nạn nhân bị lừa sang Mỹ với số tiền 2.200 USD. Ông thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất, được Nhà nước cất cho căn nhà cấp bốn từ gần chục năm trước. Vợ chồng có 6 mặt con, đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa bé nhất 21 tháng tuổi và hiện có 2 đứa con đang học cấp 1. Để có tiền đóng đi Mỹ lao động, vợ chồng ông phải đi vay 50 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi gần 2 triệu đồng. Ban ngày vợ chồng ông cùng con trai lớn đi ra biển bắt nghêu, còn ban đêm lặn lội kéo tôm thuê, soi ba khía.
“Phải đi làm suốt cả ngày đêm kiếm tiền lo cho con và đóng lãi cho người ta. Nhiều đêm vợ chồng khóc thầm, lo không biết lấy tiền đâu trả nợ”-ông Phal tâm sự. Ông Thạch Thọ, ở ấp Thạnh An, xã Long Điền (Đông Hải, Bạc Liêu) bị lừa 5.000 USD. Gia đình ông Thọ không ruộng đất, nghe nói bên đó có việc làm, lương cao nên vay nợ mấy chục triệu.
Để có tiền đóng lãi, mấy tháng nay ông phải bỏ nhà cửa dạt xuống tận U Minh (Cà Mau) làm thuê. “Làm tháng nào đóng tháng nấy, có những lúc con bệnh tốn kém nhiều không đủ đóng lãi phải đến nhà năn nỉ chủ nợ cho khất sang tháng sau”- ông Thọ nói.
Địa phương nơi biết, nơi không
Ông Thái Văn Bằng-Trưởng công an xã Đại Ân 2 cho biết, trên địa bàn xã có 15 gia đình bị lừa tiền liên quan đến vụ làm hồ sơ sang Mỹ lao động. Những người bị lừa phần lớn là người Khmer. Lâm Lên trực tiếp nhận tiền, hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tuy nhiên, ông Tô Châu Hùng Luân - Phó chủ tịch UBND thị trấn Hòa Bình cho biết, địa phương chưa nắm được thông tin người dân trên địa bàn bị lừa xuất khẩu lao động sang Mỹ. Theo ông Luân, không có người dân nào trên địa bàn đến UBND thị trấn làm giấy đi Mỹ.
Bà Sơn Xà Pha kể: “Ông Lâm Lên dặn tôi “Công an gọi điện hỏi thì chị nói không quen biết Lâm Lên nào hết. Ông ta còn yêu cầu phô tô giấy khai sinh, hộ khẩu và 4 tấm ảnh 4x6 đưa cho ông. Các giấy tờ này không cần phải ra ấp, xã xác nhận gì cả, ở đây em lo hết”- bà Pha nói.
Vào đầu năm 2017, tại khu vực các xã Gia Tân 1, 2 và 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng rộ lên cơn sốt người nghèo được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động Mỹ. Hàng chục gia đình đã và đang cho con em làm thủ tục chờ đợi với hy vọng sẽ đổi đời khi đặt chân lên đất Mỹ. Tiếp sức cho giấc mơ này là một người đàn bà sống tại huyện Thống Nhất. Người này đã rủ rê lôi kéo hơn 50 gia đình trong khu vực trên góp tiền đóng cho một Việt kiều xưng là doanh nhân tại Mỹ. Bình quân mỗi người đăng ký phải chi hơn 3-5 triệu đồng và phải khám sức khỏe, làm hộ chiếu...
Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ và được hẹn chờ, “doanh nhân” kia đã biến mất. Người đàn bà lôi kéo cũng đã bỏ đi khỏi địa phương để lại cho những người đã nộp tiền sự chờ đợi vô vọng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cho biết cán bộ địa phương hoàn toàn không biết về chuyện dân được đi xuất khẩu lao động Mỹ. “Không thể có chuyện xuất khẩu lao động với quy mô lớn như thế tại địa phương mà không thông qua chúng tôi. Chắc chắn có vấn đề lừa gạt gì đây. Chúng tôi sẽ cho điều tra”.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ tháng 10/2016 đến 3/2017, các đối tượng đã hướng dẫn làm hồ sơ cho 106 trường hợp là nông dân ở vùng sâu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sang Mỹ. Trong đó, có 30 trường hợp nộp cho Lâm Lên với số tiền 57.000 USD. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào xuất cảnh mà Lâm Lên thì bỏ trốn. Sở LĐTB&XH Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay gần 600 lao động của tỉnh đi lao động tại Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, còn Mỹ thì chưa có chương trình. Không dễ đưa lao động vào Mỹ Trước thông tin đưa lao động đi Mỹ, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM đã ra thông báo khẳng định: Phía Mỹ không hề làm việc với bất cứ tổ chức môi giới hay xuất khẩu lao động nào tại Việt Nam đồng thời yêu cầu những ai có nhu cầu vào Mỹ làm việc trực tiếp với Lãnh sự quán để được giải quyết hồ sơ. Ngoài lệ phí làm visa, Lãnh sự quán Mỹ sẽ không thu bất cứ thứ khoản tiền nào khác. Tổng Lãnh sự quán Mỹ cũng cho rằng không có chuyện việc người đi lao động trở thành thường trú nhân, được cấp “thẻ xanh” vì việc đi lao động với quy chế thường trú nhân không có quan hệ gì với nhau. Theo một chuyên gia tư vấn lao động nhập cư Mỹ, quy trình để một người lao động nước ngoài vào Mỹ làm việc khá phức tạp về mặt thủ tục pháp lý. Chủ doanh nghiệp tuyển người phải chứng minh với Bộ Lao động Mỹ là họ không thể tìm được người có cùng khả năng như vậy trên đất Mỹ; thông cáo tuyển người phải được đăng báo nhiều lần trong cả nước. Nếu không có lao động thực sự, Bộ Lao động Mỹ mới cho phép nhập khẩu lao động từ nước ngoài. “Tuy nhiên với lao động phổ thông thì lao động tại các quốc gia Trung và Nam Mỹ sẽ có lợi thế hơn vì đây là thị trường quen thuộc với doanh nghiệp tại Mỹ” - vị này nói, đồng thời khuyến cáo không nên tin vào các cá nhân với những quảng cáo về việc đưa người qua Mỹ lao động, bởi tất cả thủ tục rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. |
Theo Tiền Phong