|
Lực lượng chức năng tổ chức lấy mẫu sinh phẩm liệt sĩ Hang Tám Cô |
Ngày 15.8, tại nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) chủ trì lấy mẫu sinh phẩm hài cốt các thanh niên xung phong hy sinh ở Hang Tám Cô vào ngày 14.11.1972, trước đó từng được cất bốc, an táng tại nghĩa trang này vào năm 1996.
Hang Tám Cô - nơi các thanh niên xung phong anh dũng hy sinh, nay là di tích lịch sử cấp quốc gia |
Theo các chuyên gia của Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng - trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm), mẫu sinh phẩm gồm xương, răng còn lại của hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô đủ đảm bảo cho việc xét nghiệm ADN.
Tại thực địa, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, cho biết tiếp theo việc lấy mẫu sinh phẩm sẽ diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc, sáng 16.8, Cục sẽ tiến hành lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân các liệt sĩ để giám định ADN, kết quả giám định sẽ có trong thời gian sớm nhất.
Sau loạt bài Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thật trên Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ sẽ tiến hành xét nghiệm ADN để xác định tên tuổi các liệt sĩ thanh niên xung phong, đáp ứng ước nguyện của thân nhân gia đình các liệt sĩ đằng đẵng 21 năm qua.
Như đã tìm hiểu và có loạt bài phản ánh, ngày 14.11.1972, máy bay Mỹ đánh sập một hang đá ở km16 đường 20 Quyết Thắng - cung đường huyết mạch trong chiến tranh thuộc địa bàn xã Tân Trạch, H.Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chôn vùi 8 thanh niên xung phong cùng với huyền thoại về chiến công và sự hy sinh anh dũng của họ.
24 năm sau đó, tức vào năm 1996, tỉnh Quảng Bình mới tổ chức khai quật, đưa 8 hài cốt về an táng tại quê nhà H.Hoằng Hóa.
Theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 1996, Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình ký hợp đồng với Xí nghiệp xây dựng Trường Xuân xây một nhà bia tưởng niệm tại cửa hang. Ngày 3.8.1996, khi các thợ xây đào rãnh thoát nước từ trong hang ra ngoài thì phát hiện 6 bộ hài cốt hầu như còn đầy đủ ngay chính trong Hang Tám Cô. Từ đó phát sinh đơn tố cáo về việc làm thiếu sót của Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình trong việc chia 1 hài cốt thành nhiều bộ khác nhau trong đợt khai quật năm 1996.
Vào thời điểm đó, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã vào cuộc. Qua kiểm tra từ việc phát hiện thêm 6 bộ hài cốt, ngày 29.8.1996, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, nói rõ việc cất bốc hài cốt ở Hang Tám Cô là “có thiếu sót lớn”.
Chính từ việc “có thiếu sót lớn”của một số cá nhân, tổ chức tỉnh Quảng Bình vào thời điểm 1996, 8 hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong Hang Tám Cô đã được “chia” thành 14 ngôi mộ nằm ở 2 nghĩa trang khác nhau của hai tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa.
|
Theo Thanh Niên