|
Thời gian qua, tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) xảy ra tình trạng kẹt xe, do các tài xế tiếp tục đưa tiền lẻ mệnh giá nhỏ mua vé để phản đối. |
Hô “biến” hai cây cầu thành cống
Theo tìm hiểu của PV, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình QL1 và đoạn đường tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) của Bộ GTVT ngày 19/12/2013 nêu rõ xây dựng mới 7 cây cầu trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Cụ thể, 7 cây cầu gồm: cầu kênh Ông Mười (tại Km 1+930,50); cầu Ba Muồng (Km 4+216,50); cầu Ông Thiệm (Km 7+493,00); cầu Ba Rài (Km 8 +068,00); cầu Chín Chương (Km 9+121); cầu Giồng Tre (Km 9+950,00) và cầu Bình Phú (Km 11+054,50). Tuy nhiên, hiện nay 2 trong 7 cây cầu kể trên bỗng nhiên biến mất.
Trên đường tránh thị xã Cai Lậy hiện nay không có 2 cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương như ghi trong dự án. Người dân sống lâu năm trên tuyến đường này cho biết chỉ nghe nói chứ chưa từng biết đến hai cây cầu này trong thực tế.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Bon-Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thừa nhận, trong quyết định phê duyệt dự án tuyến đường tránh Cai Lậy của Bộ GTVT có 7 cây cầu nhưng sau đó lại không xây 2 cây. “Trong quyết định phê duyệt có 7 cây cầu nhưng trong quá trình xây dựng xét thấy nhu cầu không cần thiết. Cần làm cống để đảm bảo nước cung cấp nông nghiệp thôi, chứ không có nhu cầu lưu thông tàu thuyền nên 2 cây đó được chuyển sang xây dựng làm cống”- ông Bon lý giải.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư QL1 Tiền Giang lại cho rằng: “Dự án phê duyệt là 7 cây nhưng trong quá trình thi công do khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai làm hai cây cầu như trong phê duyệt được, từ đó địa phương có văn bản đề nghị Bộ điều chỉnh thành hai cây cầu thành 2 cái cống và được chấp thuận”.
Theo Công ty TNHH BOT Tiền Giang, dự án BOT Cai Lậy gồm hai hạng mục là làm mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 12 km gồm xây mới 7 cây cầu và nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km (gồm có 14 cầu) trên tuyến QL1, từ km 1987+500 – km 2014. Trong đó, tuyến tránh có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường QL1 đoạn qua Cai Lậy với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Trạm thu phí Cai Lậy có thời gian thu phí 6 năm và 5 tháng.
PV đã thị sát dọc theo QL1, đoạn đường được nâng cấp tính từ vị trí đặt bảng thông báo dự án ở xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) đến xã Nhị Quý (thị xã Cai Lậy), dài hơn 26 km và nhận thấy một số nơi xuất hiện “ổ gà” và dấu vết “dặm vá” trên mặt đường. Còn trên tuyến tránh Cai Lậy 12km tương đối hẹp, chỉ có hai làn xe cho ôtô, xe tải, container nên khi có xe vượt mặt nhau phải lấn qua làn đường ngược lại hoặc chiếm hết cả làn đường dành cho xe 2 bánh khiến nhiều người chạy xe máy phải dạt vào bên lề đường để tránh.
Doanh nghiệp gồng mình vì trạm thu phí BOT
Ông Trịnh Hoàng S, đại diện DN vận tải Ngọc Lan cho biết, xe của công ty qua trạm Cai Lậy hàng ngày. Ông tính toán, một xe khoảng 32 tấn hàng vận chuyển từ Cần Thơ đến Bình Dương và trở về (về xe không), thu được 4,8 triệu đồng. Trừ chi phí dầu (200 lít, giá 13.750 đồng/lít) hết 2,7 triệu đồng, tiền công tài xế và lơ (phụ) xe là 1 triệu đồng, tiền mua vé qua trạm như hiện nay là 280.000 đồng (hai chiều)… Tất cả đã hết khoảng 4 triệu đồng, chưa kể qua các trạm khác, rồi chi phí hao mòn…“Lượng xe container vận chuyển hàng hóa ở khu vực miền Tây rất nhiều, mà tình hình như vậy thì làm sao phát triển…” - ông S nói.
Đại diện Công ty Vận tải Hiệp Thành Lợi (Hậu Giang), ông Trần Xuân Hòa cũng chỉ ra những bất cập về mức phí. Công ty ông Hòa mỗi ngày có khoảng 10 xe qua trạm thu phí này (gồm cả xe tải và xe container), với mức phí đã được điều chỉnh thì công ty của ông sẽ mất khoảng 2,8 triệu đồng/ngày chưa kể các trạm khác. Về phí đường bộ, công ty ông vẫn đóng theo quy định là hơn 17 triệu/xe/năm đối với xe container và 8,6 triệu/xe/năm đối với xe tải.
Đại diện các DN cũng cho biết, QL1 từ Bình Dương xuống đến Cà Mau có chiều dài khoảng 360km nhưng có đến 7 trạm thu phí. Xếp theo thứ tự gồm các trạm từ An Sương (TP.HCM) - Cao tốc Trung Lương - Cai Lậy (Tiền Giang) - Cái Răng (Cần Thơ) - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Riêng với trạm Cai Lậy, đặt tại đoạn đường nút cổ chai, nhỏ nhất, ngắn nhất, lượng xe nhiều nhất, lại không có đèn nhưng… thu phí cao nhất.
Mặt khác, việc đặt trạm tại đây lại vô tình làm tắc nghẽn giao thông. Ngoài việc thu phí bất hợp lý, đây là đoạn đường hẹp, là huyết mạch nên lượng xe dồn lại rất lớn, điều này làm mất thời gian vận chuyển, gây thiệt hại cho DN. Đại diện một DN đặt vấn đề, tại sao các trạm khác thu phí từ 10 - 15 năm mà trạm Cai Lậy chỉ thu trong 6 năm mấy tháng? Phải chăng chủ đầu tư cho rằng sắp tới sẽ có đường cao tốc, xe sẽ đi cao tốc mà không đi qua tuyến này nên tranh thủ thu cho nhanh để hưởng lợi ?
Vô lý nhất, theo các doanh nghiệp vận tải, ban đầu dự án chỉ làm mới tuyến tránh dài hơn 12km qua thị xã Cai Lậy chứ không có hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km QL1. Việc “vơ” 26,5 km QL1 vào dự án để cải tạo là “cớ” để đặt trạm trên QL1 và tận thu các phương tiện, dù không sử dụng tuyến tránh. Ông Trần Văn Bon-Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang xác nhận: Trước đây chỉ có một hạng mục làm mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 12 km, nhưng sau đó có thêm hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km tuyến QL1. “Những hạng mục công trình này là do Bộ GTVT quyết định hết. Quá trình sử dụng, nếu đoạn QL1 dài 26,5 km này và tuyến tránh Cai Lậy bị hư hỏng thì chủ đầu tư sẽ phải duy tu, sửa chữa trong thời gian thu phí”- ông Bon phân bua. |
Theo Tiền Phong