Tăng thuế VAT: Người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng"

Thứ năm, 17/08/2017, 11:44
Bộ Tài chính muốn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), người tiêu dùng "chỉ có nước thắt lưng buộc bụng" vì không biết lấy gì bù vào, chuyên gia cảnh báo "hiệu ứng ngược"

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT có thể tác động tới sức tiêu thụ hàng hóa của người dân

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, điều này tác động sâu rộng tới đời sống của mọi người dân và nền kinh tế...

VAT được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hằng ngày mọi người sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại... nên được coi là loại thuế tiêu dùng. Đây là loại thuế khó ai tránh được, cứ mua hàng là chịu thuế.

Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án tăng thuế VAT, theo đó phương án một các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%; mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12%, bắt đầu từ 1-1-2019.

Phương án hai tương tự, chỉ bổ sung mốc thời gian từ 2021 sẽ tiếp tục tăng thuế VAT lên 14%.

Trong hai phương án này, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện phương án một.

"Chỉ có nước thắt lưng buộc bụng"

Biết tin thuế VAT sắp tới sẽ tăng, chị Hương (Q.Bình Thạnh) nhẩm tính mỗi tháng chi tiêu trong gia đình chị sẽ tăng đáng kể vì tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu.

Theo chị Hương, tiền điện mỗi tháng gia đình trả khoảng 550.000 đồng, trong đó gồm cả khoản thuế VAT là 50.000 đồng.

Còn tiền nước là hơn 200.000 đồng (nước có thuế suất VAT 5%). Nếu tới đây thuế VAT với điện và nước tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, riêng hai khoản này chị sẽ phải trả thêm khoảng 12.000 đồng.

Nhưng vấn đề là gần như sản phẩm nào cũng phải nộp thuế VAT, từ cáp truyền hình, Internet, tiền sữa, dịch vụ giáo dục, khám chữa bệnh...

Nhẩm riêng tiền sữa một tháng khoảng 2,2 triệu đồng, chị Hương nhận định từng khoản nộp thêm do tăng thuế VAT nhỏ nhưng cộng lại sẽ là một khoản to...

Chị Huyền (Q.Tân Phú) cũng lo cho túi tiền của gia đình mình. Theo chị Huyền, thuế VAT tăng nghĩa là từng bó rau, con cá cũng tăng, thậm chí cả những đồ dùng thiết yếu trong nhà như gạo, đường, nước mắm, muối, giấy vệ sinh, điện thoại, xăng xe...

Do vậy, tâm trạng chung của chị khi nghe tăng thuế là lo giá cả sẽ “té nước theo mưa”. Giả sử hàng hóa chỉ tăng bằng mức tăng thuế, mỗi tháng gia đình chị có thể tốn thêm cả triệu đồng.

“Mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng” - chị Huyền cho hay.

Nên có lộ trình dài

Anh Bình (Q.3) nói dù chưa biết Bộ Tài chính sẽ chọn phương án tăng thuế nào nhưng theo anh, cơ quan quản lý nên căn cứ vào mức sống thực tế của đại bộ phận người dân thay vì dựa vào các nghiên cứu và so sánh với mức thuế của các nước phát triển.

“Thay vì chọn cách thu từ túi tiền của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nên nghiên cứu cách thu thuế của những đối tượng khác đang bị sót lọt. Đó mới là những khoản thu lớn” - anh Bình kiến nghị.

Thạc sĩ Đỗ Dzoan Hảo, giảng viên Khoa Thuế - Hải quan, Đại học Tài chính - Marketing, cho biết thuế VAT bản chất là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng.

“Thuế gián thu thường có tính lũy thoái, tức là tác động đến người thu nhập thấp nhiều hơn là tác động đến người có thu nhập cao. Do vậy, việc điều chỉnh thuế VAT chắc chắn gây ra sự xáo trộn” - ông Hảo nói.

Cũng theo ông Hảo, đến nay vẫn chưa có sự đo lường chính xác về độ tác động đến thị trường của chính sách này, tuy nhiên có một điều chắc chắn là thuế tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng.

“Tất nhiên Bộ Tài chính có nhiều lý do nêu ra để tăng thuế VAT nhưng theo tôi, có thể cân nhắc nhiều phương án. Tăng thuế chỉ là giải pháp cuối cùng vì gây tác động xã hội rất lớn, thậm chí tác động đến tâm lý, hành vi của người tiêu dùng. Tại nhiều quốc gia, tăng thuế VAT có thể kéo lùi tiêu dùng vì người dân phải thắt lưng buộc bụng” - ông Hảo nói.

Một chuyên gia ngành tài chính đánh giá Bộ Tài chính đã giảm thuế thu nhập cá nhân trong đề xuất 1 luật sửa 5 luật vừa được công bố, nhưng số tiền được giảm không thật nhiều.

Tuy nhiên, việc tăng thuế VAT dù tăng từ 5% lên 6%, 10% lên 12% nhưng thực chất là tăng tới khoảng 20% số tiền phải đóng thuế so với trước. Và thời gian áp dụng, từ 1-1-2019, cũng là rất gấp.

Vì sau quá trình thẩm định, trình Quốc hội thông qua sẽ còn thời gian chỉ khoảng 1 năm cho người dân chuẩn bị. Theo vị này, cần có lộ trình dài hơn để xã hội thích ứng với mức thuế mới.

Còn theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cốt lõi nhất trước khi cân nhắc tăng thuế VAT vẫn là phải nhìn vào mức sống của đại bộ phận người dân.

Trong trường hợp vẫn tăng thuế, cần gắn sự minh bạch giữa nguồn thu và chi tiêu công sao cho người dân có thể giám sát được để tạo đồng thuận xã hội.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright):

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright):

Cẩn thận hiệu ứng ngược chiều

Mức thuế VAT của Việt Nam hiện chiếm 30% trong tổng nguồn thu thuế là cao. Kinh nghiệm của nhiều nước, thuế VAT thường phổ biến ở mức 10%.

Ngay cả khi phải tăng thuế VAT, chưa chắc Bộ Tài chính giúp Chính phủ tăng được nguồn thu, mà đổi lại có thể tạo ra một tổn thất phúc lợi xã hội nhiều hơn, thậm chí khiến dịch chuyển nguồn lực từ ngành này sang ngành khác, hình thành các hành vi trốn tránh, che đậy, lách thuế…

Liệu Bộ Tài chính đã xác định ai sẽ là người phải chịu gánh nặng thuế VAT tăng?

Nhiều nước giữ thuế VAT thấp

Nhật Bản đã áp dụng và giữ nguyên thuế VAT 3% kể từ năm 1989. Trong nỗ lực giảm nợ công, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề ra chính sách “Abenomics”, trong đó từ năm 2013 đưa ra 2 giai đoạn tăng thuế VAT: mức 5-8% từ tháng 4-2014 và 8-10% từ tháng 10-2015.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ tự do của ông Abe đã 2 lần lùi thời gian thực hiện giai đoạn 2. Nguyên do vì chính sách không nhận được nhiều đồng tình của người dân, sức tiêu thụ giảm mạnh.

Nhìn chung, để khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế, các nước đang phát triển áp dụng mức thuế VAT thấp hơn trung bình toàn cầu (16%).

Cụ thể, thuế VAT tại nhiều quốc gia khối ASEAN chỉ dao động 7-12%. Trong đó Lào, Campuchia và Indonesia là 10%; Thái Lan, Malaysia, Singapore chỉ ở mức 7%. Brunei không đánh thuế VAT.

Nhiều nước luôn giữ thuế VAT ở mức cân bằng để khuyến khích tiêu dùng, đầu tư cũng như kiểm soát lạm phát. Chỉ khi gặp khó khăn kinh tế hoặc lý do đặc biệt, chính phủ mới tăng thuế VAT.

Như theo báo cáo thuế EU 2017, sau khi chịu khủng hoảng kinh tế 2007-2008, có đến 14 nước thành viên EU tăng thuế VAT trong hai năm 2009, 2010. Tuy nhiên, sau khi ổn định thị trường, con số này giảm chỉ còn 2 thành viên từ năm 2015-2017.

Theo TTO

Các tin cũ hơn