Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải với 7 dự án gồm: dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phú Gia; dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình...
Trong số này có 5 dự án BOT, một dự án BT, một dự án kết hợp cả BOT và BT.
Một trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. (Ảnh minh họa) |
Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình xây dựng, Bộ Giao thông thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. Trong hơn 70 dự án BOT và BT Bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Tuy nhiên, Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách.
Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Thanh tra Chính phủ phát hiện kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Qua 7 dự án nêu trên, các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỷ đồng.
Đặt trạm thu phí bất hợp lý, thu giá phí cao
Cũng theo kết luận Thanh tra, hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình.
Thực trạng trên dẫn đến việc người dân né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc xác định phương án, doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài.
Bộ Giao thông Vận tải khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt hai trạm thu phí tại hai nơi không hợp lý. Cụ thể, tại tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài 28km nhưng quyết định đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã phê duyệt lên tới 40,7km, trong đó bao gồm cả việc nâng cấp cải tạo từ Km 93 đến Km 100 thuộc quốc lộ 3 cũ.
"Theo quy định, việc cải tạo đường cũ này phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, như vậy Bộ Giao thông phê duyệt ghép vào là không đúng quy định", kết luận nêu.
Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1: Thanh tra Chính phủ cho hay, giai đoạn này dự án chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ nhưng giá phí thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km). Điều này là "bất hợp lý và bất thường", cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Việc phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao.
"Đến nay buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên", kết luận chỉ rõ.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm về việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu hai Bộ này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
Theo VNE