"Bản chất đó là cuộc chiến tranh xâm lược cơ mà..."

Thứ ba, 22/08/2017, 15:18
"Chính quyền và quân đội Trung Quốc đã đem 600.000 quân, xe tăng, đại bác vào đất nước chúng ta, triệt hạ xóm làng, nhà máy, xí nghiệp thì làm sao lại không gọi đó là cuộc xâm lược được? Bản chất đó là cuộc chiến tranh xâm lược cơ mà".

Buổi lễ ra mắt Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1

Vừa qua, Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1 đã chính thức được ra mắt với quy mô hơn 10.000 trang. Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng Bộ sách này đã có những quan điểm rất tiến bộ và đặc biệt là có cái nhìn thẳng thắn về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Đức Cường – Tổng chủ biên Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1 (cuốn sách do Viện Sử học Việt Nam tổ chức thực hiện).

PGS.TS Trần Đức Cường – Tổng chủ biên Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1

Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, được biết Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1 đưa ra những quan điểm rất tiến bộ và đặc biệt là có cái nhìn thẳng thắn về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nhiều người cho rằng đó là một cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của nhân dân ta nhưng chương trình SGK hiện hành chỉ nhắc đến với thời lượng chưa hợp lý. Xin ông cho biết điều đó được thể hiện thế nào trong Bộ Lịch sử Việt Nam vừa được tái bản?

PGS.TS Trần Đức Cường : Năm 1979 Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh ở khu vực biên giới phía Bắc nước ta. Chúng đã cho quân tiến sâu vào lãnh thổ nước ta 30 - 50km.

Chính quyền và quân đội Trung Quốc đã đem 600.000 quân, xe tăng, đại bác vào đất nước chúng ta, triệt hạ xóm làng, nhà máy, xí nghiệp thì làm sao lại không gọi đó là cuộc xâm lược được? Bản chất đó là cuộc chiến tranh xâm lược cơ mà.

Chúng ta cũng đã có một cuộc chiến tranh bảo vệ toàn biên giới trên Lai Châu đến Móng Cái (Quảng Ninh). Cuộc chiến đó rất quyết liệt và quân ta đã chiến đấu hết sức kiên cường để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Thực tế, cuộc chiến đấu của quân ta với quân đội và chính quyền Trung Quốc không chỉ diễn ra vào ngày 17/2/1979 mà còn kéo dài đến 10 năm sau.

Thực tế lịch sử là chúng ta đã phải hy sinh và mất mát rất lớn mới lập lại được hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc vào năm 1988. Trong Bộ Lịch sử Việt Nam chúng tôi có dành 7- 8 trang nói về vấn đề này.

Các nhà sử học cũng đã nhiều lần đề xuất cần nói cụ thể và chi tiết hơn về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 - 1989 của quân và dân ta trong chương trình sách giáo khoa. Đặc biệt là nói rõ bản chất là cuộc chiến tranh xâm lược và chúng ta đã phải hy sinh thế nào để bảo vệ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chúng ta phải có trách nhiệm nói rõ những điều ấy để thế hệ trẻ không quên những hy sinh to lớn của thế hệ  trước. Đồng thời, chỉ ra rằng đó là cuộc chiến đấu hết sức kiên cường của chúng ta để thế hệ trẻ noi theo và không phụ công những anh hùng đi trước.

Nhiều người cho rằng hiện nay chúng ta ghi lại lịch sử theo cách “gọt dũa”, có những sự thật không được nhắc đến vì bị coi là “nhạy cảm”. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

PGS.TS Trần Đức Cường: Sự thật là tiêu chuẩn của một công trình nghiên cứu Lịch sử. Trách nhiệm của Sử học là phải thể hiện được những vấn đề xã hội đã xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tư liệu chúng ta có đến đâu để làm căn cứ mà viết cho thật chính xác hay không.

Ví như trong Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1 vừa được ra mắt, vấn đề về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 được nói khá kỹ. Chúng tôi dành  7-8 trang nói về vấn đề đó.

Còn vấn đề về Nhân văn giai phẩm thì tư liệu mà chúng tôi sưu tầm cho đến nay vẫn chưa được nhiều để có thể viết một cách rõ ràng, có những cái phải tiếp tục tìm hiểu chứ chưa thể nói vội vàng được. Tôi nghĩ sự thật là sứ mệnh của lịch sử.

Thưa ông, để có được Bộ sách này, các nhà nghiên cứu đã phải trải qua những khó khăn gì?

PGS.TS Trần Đức Cường: Để có bộ sách này, hơn 30 nhà nghiên cứu sử học đã bỏ ra khoảng 9 năm như để hoàn thành với hơn 10.000 trang. Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là tư liệu ở trong nước còn phân tán. Tiếp đó là chúng ta chưa có quy định rõ ràng về “giải mật” (mã hóa những tư liệu mật). Đó cũng là một trong những khó khăn của các nhà nghiên cứu. Ví như ở nước ngoài, họ quy định có những tài liệu mật trong vòng 25 – 30 năm có thể công bố nhưng chúng ta chưa có quy định rõ ràng. Trước hết, Nhà nước phải có luật rõ ràng về việc công bố tư liệu để “không làm khó” các nhà nghiên cứu.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn