Chia sẻ với PV , chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nói: "Quan điểm của tôi, không nên cuống cuồng khi ngân sách hụt đi việc đầu tiên của cơ quan Nhà nước nghĩ đến là tăng thu từ dân. Chúng ta còn nhiều cách, nhiều chỗ thu tốt hơn. Nhà có khó khăn mới phải tiết kiệm, quý trọng và dùng đồng tiền hiệu quả".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Thưa chuyên gia Phạm Chi Lan, tăng thuế VAT được Bộ Tài chính lý giải là không tác động đến doanh nghiệp, mà chỉ là tăng giá đối với người tiêu dùng cuối cùng. Nhiều mặt hàng hiện theo lộ trình FTA Việt Nam đã xóa bỏ thuế quan nhập khẩu, giá hàng hóa rẻ đi, gây thất thu cho ngân sách. Việc thu phí VAT được coi là hợp lý?
Chắc chắn điều chỉnh thuế sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) và người dân, chứ sao không ảnh hưởng đến DN được. Trong trường hợp thuế VAT tăng lên, giá hàng hóa đắt lên, người tiêu dùng sẽ mua ít đi, thì thiệt hại lớn nhất vẫn là DN. Trong khi đó, hàng xuất khẩu được miễn thuế sẽ có lợi về giá, cuộc cạnh tranh về giá sẽ cực kỳ khốc liệt đối với DN Việt.
Với lập luận tăng thuế để bù đắp thu ngân sách khi nhiều dòng thuế nhập khẩu được giảm do hội nhập, điều này ai cũng biết. Nhưng theo quan điểm của tôi là nên làm mọi cách để giảm chi tiêu thường xuyên đang ở ngưỡng 70% như hiện nay chứ không phải cách tăng thu thuế đại bộ phận người dân.
Chúng ta phải giảm chi thường xuyên, một gánh nặng cực kỳ lớn cho nền kinh tế; giảm đầu tư công xuống hơn nữa và bớt việc với "chân tay" của doanh nghiệp Nhà nước vào những ngành nghề không cần sự can thiệp Nhà nước để tăng hiệu quả nguồn lực phát triển, tăng đóng góp vào ngân sách.
Quan điểm của tôi, không nên cuống cuồng khi ngân sách hụt đi việc đầu tiên của cơ quan Nhà nước nghĩ đến là tăng thu từ dân. Chúng ta còn nhiều cách, nhiều chỗ thu tốt hơn. Nhà có khó khăn mới phải tiết kiệm, quý trọng và dùng đồng tiền hiệu quả.
VAT hiện chiếm hơn 27,5% cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn EU khi trung bình chỉ 21%. Trong ASEAN, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Campuchia thuế VAT chỉ 7%. Hiện thuế VAT của đa số hàng hóa tại Việt Nam là 10%, một vài hàng hóa là 5%. Việc Bộ Tài chính muốn tăng từ 10% lên 12% với đa số và tăng từ 5% lên 10% đối với nhiều hàng hóa như nước sạch, thiết bị y tế, giáo dục sẽ nảy sinh vấn đề gì?
Quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra khi cho rằng nhiều nước có thuế VAT cao hơn Việt Nam và họ vẫn tăng thuế VAT, đây họ chỉ dẫn các nước thuế VAT cao hơn Việt Nam, mà không dẫn đến các nước thấp hơn Việt Nam, đó là sự bất cập.
Thứ 2 là Bộ Tài chính không tính đến yếu tố tỷ trọng thu VAT trong cơ cấu thu ngân sách của các nước như thế nào. Ở Việt Nam thuế VAT gần 30% là gánh nặng thu ngân sách đang đổ dồn lên người dân.
Những cái ảnh hưởng đông đảo người dân thì nên được xem xét rất thận trọng, tránh tình trạng người được hưởng nhiều không phải đóng nhiều còn đông đảo người dân là người đóng góp nhiều nhất.
Qua đề xuất điều chỉnh thuế này, người ảnh hưởng ít là những người có thu nhập tốt hơn, còn những người thua thiệt lại là những đối tượng người nghèo, người dân, trong đó còn rất nhiều người có thu nhập thấp, cận nghèo.
Trong đề xuất của Bộ Tài chính, giá nước sạch sinh hoạt được đề nghị điều chỉnh từ 5% lên 10%, bà có nhận định gì về vấn đề này?
Về thuế đối với nước sạch thì rõ rồi, giá nước trong thời gian vừa qua đã tăng lên nhiều, đánh thuế làm sao đừng để chỉ vào một số mặt hàng mà đông đảo người dân phải sử dụng, cái đó cần phải tránh.
Nguyên lý thuế ở các nước đánh cho người cao hơn, để chi cho người thấp hơn hoặc cung cấp tiện ích cho phúc lợi xã hội. Điều này trái ngược với quan điểm tăng thuế ở Việt Nam nhằm vào nhóm nghèo, đối tượng thu nhập thấp.
Tăng nước sạch từ 5% lên 10%, tăng 5% đối với người giàu thì không là vấn đề gì cả đối với thu nhập của họ. Tuy nhiên, đối với người thu nhập trung bình trở xuống thì đây quả là con số rất lớn.
Cái lo ngại nhất là ảnh hưởng đến lượng tiêu dùng khiêm tốn của người dân khi lương chưa kịp tăng bao nhiêu thì lại tăng thuế VAT, làm cho giá cả các mặt hàng tăng lên. Tất cả cái này ngược đi, ngược lại và làm ảnh hưởng liên tục đến người tiêu dùng.
Việc tăng thuế VAT sẽ tác động trực tiếp đến các mặt hàng, cả người có thu nhập tốt lẫn người có thu nhập ít đi đều phải mua với giá cao. Đối với người thu nhập cao, khoản tăng này có thể nhẹ nhàng hơn, chỉ giảm thu nhập của họ. Còn với đối tượng cận nghèo, thu nhập thấp, hàng hóa đắt đỏ sẽ khiến họ nghèo hơn, chắt chiu chi tiêu hơn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước mà Tổng cục Thống kê báo cáo định kỳ, thu thuế từ thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường đang tăng lên rất mạnh. Trong khi đó, thuế của DN Nhà nước, thuế đối với DN đầu tư nước ngoài tăng không cao. Nếu tiếp tục tăng thuế VAT, lợi ích suy cho cùng cả người dân và DN trong nước đều khó khăn, có thể cảm hứng kinh doanh sẽ bị thui chột đi.
Liên hệ đối với các nước, đa phần họ muốn tăng trưởng thì phải thúc đẩy tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta có đề xuất đánh thuế đối với người tiêu dùng, bà có cho đây là đi ngược lại với kinh tế thị trường?
Tôi không muốn so sánh, mọi thứ so sánh đều khập khiễng và nó không thực sự đúng với Việt Nam.
Ở Việt Nam, cứ mỗi lần muốn tăng giá lại cho rằng thuế họ lại nói giá cả tại Việt Nam thấp hơn các nước, giá xăng dầu, điện, nước đều thấp hơn... thì phải tăng lên cho bằng. Nhưng họ lại không nghĩ đến cơ cấu kinh tế và thu nhập người Việt Nam.
Tiêu dùng trong nước là phần đóng góp lớn nhất vào thu ngân sách; các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam để khai thác thị trường và Việt Nam được coi là miếng ăn béo bở cho họ. Thị trường phải được chăm lo, chứ không phải lúc nào lăm le đánh thuế vào túi tiền của người dân.
Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!
Theo Dân Trí