Cơn giận dữ thổi bùng sau tuần truy quét tội phạm đẫm máu ở Philippines

Thứ hai, 21/08/2017, 12:42
Chiến dịch truy quét tội phạm mới nhất của Philippines trong tuần qua với con số thiệt mạng lên tới hơn 90 người đã thổi bùng cơn giận dữ của nhiều người tại quốc đảo Đông Nam Á này.

Bà Elvira Miranda gào khóc bên quan tài của con trai Elvira Miranda trong lễ tang ngày 20/8 tại Philippines (Ảnh: Reuters)

Hôm qua 20/8, hàng chục người Philippines đã mặc áo trắng có ghi dòng chữ: “Tiêu diệt ma túy, đừng tiêu diệt người dân” khi họ mang quan tài của Leover Miranda tới nơi an táng của anh này ở một nghĩa trang tại thủ đô Manila.

Miranda là một trong số những người vừa thiệt mạng trong một vụ việc mà cảnh sát Philippines gọi là chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trong tháng 8. Tuy nhiên, người thân của Miranda khẳng định anh này vô tội.

“Tôi muốn công bằng cho con trai tôi. Tôi không có những mối quan hệ bạn bè quyền lực. Tôi không biết phải làm gì, nhưng tôi muốn những người đứng sau vụ giết người vô lương tâm này phải bị trừng trị”, Reuters dẫn lời bà Elvira Miranda, 69 tuổi, mẹ của Leover Miranda cho biết.

Hầu hết người dân Philippines đều ủng hộ chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động và ông vẫn là nhà lãnh đạo được lòng dân chúng.

Tuy nhiên, những hoài nghi bắt đầu được đẩy lên cao trào sau một loạt vụ giết người khiến hơn 90 người thiệt mạng trong tuần qua. Đây là những đối tượng bị cảnh sát Philippines tiêu diệt trong một loạt cuộc đột kích trấn áp tội phạm mới được triển khai trong những ngày gần đây.

Hai giám mục Công giáo có ảnh hưởng nhất tại Philippines hôm qua cũng đã lên án những vụ giết người gần đây nhất của cảnh sát Philippines, đồng thời kêu gọi các tín đồ cầu nguyện cho các nạn nhân.

“Chúng tôi sẽ đánh thức lương tâm của những người thậm chí đã giết cả những người không có khả năng kháng cự để ngăn chặn sự tổn thất về mạng người”, Tổng giám mục Manila Luis Antonio Tagle cho biết.

Trong khi đó, một giám mục cấp cao khác là Tổng giám mục Socrates Villegas cũng đã kêu gọi các nhà thờ rung chuông vào lúc 8 giờ tối hàng ngày để “thức tỉnh lương tâm” của chính quyền.

Các bạn không nên giết người. Việc đó là tội lỗi, là vi phạm pháp luật”, Tổng giám mục Socrates Villegas nói.

Thổi bùng cơn giận dữ

Những người thân của Leover Miranda mang theo biểu ngữ kêu gọi chấm dứt các vụ giết người tại Philippines trong lễ tang ngày 20/8. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, cơn giận dữ của người dân Philippines bắt đầu bùng lên từ tuần trước khi cảnh sát giết chết một học sinh cấp 3. Các kênh truyền hình Philippines đã công bố đoạn video quay từ camera an ninh cho thấy Kian Loyd Delos Santos, 17 tuổi, đã bị hai người đàn ông đưa đến một nơi và thi thể của Kian sau đó được phát hiện chính tại khu vực này.

Mặc dù thông báo chính thức của chính quyền nói rằng Kan bị bắn chết vì đã nổ súng về phía cảnh sát, song nhiều người tỏ ra hoài nghi về thông tin này. Một số nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động cánh tả đã kêu gọi những người phản đối lên tiếng để bày tỏ sự giận dữ của họ với các động thái của cảnh sát.

Cảnh sát trưởng Manila Oscar Albayalde cho biết ông đã đình chỉ công tác của cảnh sát trưởng ở thành phố Caloocan, nơi thi thể của học sinh 17 tuổi được phát hiện, để chờ điều tra. Ngoài ra, 3 sĩ quan cảnh sát có liên quan tới vụ việc này cũng đã bị cách chức từ trước đó.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Philippines cũng đã bắt đầu mở một cuộc điều tra, trong khi các thượng nghị sĩ sẽ triệu tập lực lượng cảnh sát trong tuần này để yêu cầu họ giải thích về sự gia tăng đột biến về số lượng người bị giết tại Philippines gần đây.

Hơn 12.500 người, trong đó có nhiều đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy quy mô nhỏ, đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền hồi tháng 6 năm ngoái.

Cảnh sát cho biết khoảng 3.500 người trong số này bị cảnh sát bắn chết vì hành vi chống cự trong các chiến dịch vây bắt. Trong khi đó, các nhóm nhân quyền tin rằng nhiều người trong số 2/3 nạn nhân thiệt mạng còn lại bị giết bởi những kẻ ám sát, vốn được cảnh sát hậu thuẫn đằng sau hoặc được cảnh sát cho phép đội lốt “dân phòng”. Tuy nhiên, cảnh sát Philippines đã bác bỏ những cáo buộc này.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn