|
Mưa ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
Sau 30 năm, chênh giữa mặt đất và nước biển lên tới 45 cm. Lúc đó tất cả cống ở thành phố sẽ không chảy được nữa', đó là cảnh báo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (diễn ra ngày 18 - 19.8), ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ TN-MT đang tiến hành quan trắc điều kiện thổ nhưỡng, nền đất tại 17 điểm trên địa bàn TP.HCM. Dù các trạm quan trắc chưa phủ hết diện tích TP nhưng số liệu thu thập về thì điểm nào cũng sụt lún liên tục. Đáng chú ý có 2 điểm lún sâu nhất là hơn 30cm trong 10 năm.
Toàn cảnh dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM tại khu vực cống Mương Chuối |
TP.HCM là điểm nóng về sụt lún ở khu vực Nam Bộ |
Tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng chỉ ra ngay từ bây giờ TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có việc sụt lún nền đất và đây là thách thức mà TP phải đối mặt.
Dự thảo định hướng cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững cho hay TP có địa hình bằng phẳng và tương đối thấp: 876,3km2 (chiếm 41,8% diện tích) có cao độ dưới 1m, 445km2 (chiếm 21,72%) có cao độ từ 1 - 1,5 m, 783,44km2 (chiếm 37,39%) có cao độ lớn hơn 1,5m. Diện tích đất có độ cao dưới 2m và là mặt nước sông chiếm 61% diện tích TP. Vì vậy, việc thoát nước tự nhiên của TP yếu, dễ bị úng ngập khi mưa.
Ngoài ra, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, số ngày mưa lớn trong một năm tăng nhanh, lượng mưa tối đa trong 1 giờ cũng tăng mạnh. Do đó, việc ngập úng có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn. Mặt khác, theo số liệu của Bộ TN-MT, TP chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng (bình quân 0,5 - 1cm/năm) và hiện tượng sụt lún (bình quân 1cm/năm).
Do đó đến năm 2045, chênh lệch mực nước biển và mặt đất ở TP sẽ tăng thêm 45 - 60cm gây ra nguy cơ ngập úng thường xuyên phần lớn diện tích TP nếu không có giải pháp ngăn triều, xây dựng và thoát nước chủ động qua hệ thống bơm.
|