|
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, một số dự án tuyến huyện thực hiện theo hình thức hợp đồng BT sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho nhà đầu tư nhưng do Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành toàn bộ công trình nên phải chuyển sang đầu tư hình thức hợp đồng BOT thu phí cũng chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, đoạn từ thị trấn Thanh Nê - Diêm Điền, tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra, một số dự án tại một số thời điểm vẫn xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài do chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu đường dẫn kết nối vào dự án như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra tình trạng ùn tắc ở các lối vào, ra.
Đoàn giám sát kiến nghị, Bộ GTVT và các địa phương cần rà soát quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, căn cứ các tiêu chí rõ ràng để xác định tuyến đường nào có thể đầu tư theo hình thức PPP, tuyến đường nào phải đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc kết hợp nhiều hình thức đầu tư.
Việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức PPP nên áp dụng đối với những dự án mang tính chiến lược, dài hạn, và chỉ nên áp dụng trên các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng, trường hợp cấp thiết phải tiến hành quy trình tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương tuyến đường đi qua.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm toán cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để hoạt động xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT được minh bạch, hiệu quả.
“Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm hiện nay để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức thu phí phù hợp”, báo cáo đoàn giám sát nêu.
Theo Tiền Phong