Nga tìm cách đột phá sau lưng Mỹ

Thứ bảy, 19/08/2017, 18:12
Không chỉ có Bolivia tỏ rõ thái độ gần gũi đặc biệt với Nga, nhiều nước trong khu vực cũng hết sức quan tâm tới vũ khí Nga.

Đột phá bằng năng lượng

Tờ Độc lập của Nga cho rằng Bolivia đang trở thành trung tâm lợi ích của Nga ở Mỹ Latinh vì nước này có trữ lượng khoáng sản lớn và có vị trí địa lý nằm ở chính trung tâm của lục địa.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Bolivia Fernando Uanakuni Mamani hôm 16/8 đã có cuộc thảo luận về triển vọng hợp tác song phương ở thủ đô Moscow. Đáng chú ý nhất là các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoại trưởng Lavrov nói: “Các cuộc đàm phán rất phong phú và mang tính xây dựng cao”. Ông Lavrov cũng thông báo rằng đã thảo luận với người đồng cấp Uanakuni về triển vọng hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận đã đạt được giữa Tổng thống hai nước Nga và Bolivia trong cuộc gặp tại nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Bolivia Fernando Uanakuni Mamani tại Moscow hôm 16/8

Trên thực tế, cuộc gặp gần nhất giữa Tổng thống hai nước này cũng đã diễn ra cách đây 2 năm tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước thành viên Diễn đàn các quốc gia xuất khẩu khí đốt (GECF). Tại đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Bolivia Evo Morales đã thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực khí đốt. Tổng thống Morales hoan nghênh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tham gia thực hiện Đề án tổng thể phát triển lĩnh vực khí đốt của Bolivia đến năm 2040.

Lần này, Tổng thống Morales đã thông qua Ngoại trưởng chuyển lời mời Tổng thống Putin thăm chính thức Bolivia vào tháng 11 tới và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 GECF tại thành phố Santa Cruz, Bolivia.

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin tới Bolivia sẽ liên quan đến các thỏa thuận mới trong lĩnh vực năng lượng. Đó là bởi vì theo tuyên bố của Tổng thống Morales thời gian gần đây, ông muốn biến đất nước của mình thành “trái tim năng lượng” của Nam Mỹ. Để làm được điều này, cần phải có nền tảng cơ bản: Bolivia đang chiếm vị trí thứ 3 trong khu vực về trữ lượng khí đốt tự nhiên (gần 300 tỷ mét khối) và về khối lượng sản xuất hydrocarbon (hơn 20 tỷ mét khối/năm).

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Bolivia Evo Morales

Chuyên gia Nga Zbignhev Ivanovsky nhận định: “Theo nghĩa bóng, Bolivia có thể được gọi là người nghèo ngồi trên một đống vàng. Ngoài những mỏ khí đốt và dầu mỏ với hàm lượng lớn, quốc gia này còn nắm giữ trữ lượng đáng kể các loại kim loại quý, thiếc, vonfram và lithium. Mặc dù vậy, Bolivia vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Mỹ Latinh. Sau khi Tổng thống Morales lên nắm quyền, đất nước này có những bước phát triển tích cực hơn. Tuy nhiên, Bolivia vẫn đang rất cần các nguồn đầu tư nước ngoài và kỹ thuật công nghệ hiện đại”.

Không có gì ngạc nhiên khi Bolivia hoan nghênh sự tham gia của các công ty Nga trong việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Theo như Ngoại trưởng Lavrov thông báo, Tập đoàn Gazprom hồi tháng 7 vừa qua đã ký biên bản ghi nhớ về ý định hợp tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia Bolivia. Tập đoàn Rosatom đã thống nhất với phía Bolivia về một loạt thỏa thuận và chương trình hợp tác chiến lược trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử với mục đích hòa bình, bao gồm xây dựng một Trung tâm nghiên cứu hạt nhân.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết các công ty Nga quan tâm đến việc cung cấp các thiết bị phục vụ xây dựng ở Bolivia, các nhà máy nhiệt điện và thủy điện, cũng như hiện đại hóa những nhà máy hiện có.

Trên thực tế, Bolivia đang lên kế hoạch nâng cao tỷ lệ các nguồn năng lượng mới, bao gồm năng lượng địa nhiệt, năng lượng Mặt trời, năng lượng gió nên cần các công nghệ phù hợp.

Kết hợp bán vũ khí

Ngoài vấn đề năng lượng, Nga và Bolivia dự định phát triển hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự trong bối cảnh nước này đang tiến hành quá trình tái thiết lực lượng vũ trang.

Theo thông tin của tờ Độc lập, phía Bolivia đã tiến hành một số cuộc họp và kết quả là sẵn sàng liên hệ để giải đáp một số vấn đề cụ thể. Đặc biệt là việc mua lại hệ thống tên lửa “đất đối không Igla-C” cũng như các máy bay trực thăng M-17 có khả năng bay ở độ cao đáng kể.

Liên quan đến hợp tác trong định dạng đa phương, Ngoại trưởng hai nước khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là trong giai đoạn 2017-2018, Bolivia trở thành nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Hồi tháng 4 vừa qua, chính Nga và Bolivia đã bỏ phiếu phản đối dự thảo của phương Tây liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học ở vùng Khan Shaykhun của Syria.

Tăng T-72B do Nga sản xuất trong biên chế quân đội Venezuela

Ngoại trưởng Lavrov và Uanakuni cũng không thể bỏ qua tình hình ở Venezuela liên quan đến việc Mỹ đang xem xét nhiều kịch bản, bao gồm cả các chiến dịch quân sự. Nga và Bolivia “đồng nhất cho rằng cần nhanh chóng giải quyết các khác biệt hiện nay tại đất nước này bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại quốc gia và không có áp lực từ bên ngoài, cũng như các mối đe dọa không thể chấp nhận được nhằm can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia này”.

Động thái của Nga diễn ra trong bối cảnh chính sách của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh đang vấp phải nhiều chỉ trích. Ngay cả giới phân tích phương Tây cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm ở khu vực này, điển hình là vấn đề nóng hiện nay ở Venezuela.

Nhiều nước Mỹ Latinh đang nhất trí quan điểm phản đối những đe dọa tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Venezuela.

Nhiều nước Mỹ Latinh vẫn đặc biệt quan tâm tới vũ khí của Nga

Hãng tin AP nhận định Tổng thống Trump đưa ra những phát biểu như vậy vào thời điểm không hề hợp lý. Phản ứng nhanh chóng của các quốc gia khu vực sau lời đe dọa tấn công của ông Trump cho thấy Mỹ Latinh không hề ủng hộ việc quân đội Mỹ can dự vào vấn đề nội bộ Venezuela.

Ngày 12/8, liên minh khu vực Mercosur (dù đã đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela) ra một tuyên bố nhấn mạnh “các biện pháp nhằm thúc đẩy dân chủ duy nhất có thể chấp nhận được là thông qua đối thoại và ngoại giao”, đồng thời phản đối mọi hành vi “bạo lực và lựa chọn viện đến vũ lực”.

Hiện không chỉ có Bolivia tỏ rõ thái độ gần gũi đặc biệt với Nga, nhiều nước trong khu vực như Argentina, Brazil, Colombia, Mexico, Peru…đang hết sức quan tâm tới vũ khí Nga. Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga cho biết kể từ khi thành lập năm 2000, công ty này đã vận chuyển vũ khí và khí tài quân sự trị giá trên 10 tỷ USD tới khu vực Mỹ Latinh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn