Châu Âu không vui
Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ trong chính sách với Nga, nhất là trước sức ép từ Mỹ đòi gia tăng trừng phạt chống lại Moscow.
Lệnh cấm vận mới chống Nga được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật. Nhưng ở châu Âu, mức độ đồng thuận này dường như không có.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng bình luận rằng đòn trừng phạt này là “chỉ gây ra phiền phức”, mà nếu hiểu theo ngôn ngữ ngoại giao có nghĩa Đức không chấp nhận.
Hiệp hội Kinh doanh châu Âu, một tổ chức phi lợi nhuận, thay mặt cho giới doanh nghiệp châu lục có lợi ích tại Nga, thì lên tiếng cần tách bạch giữa kinh tế với chính trị.
Những nghị sĩ người Italy tại Nghị viên châu Âu (EP) mặc áo phông phản đối trừng phạt Nga |
Tâm điểm “phản kháng” ở Liên minh châu Âu (EU) là Đức. Tránh xung đột nói chung và với Nga nói riêng phù hợp với lợi ích của Đức. Nếu xuất hiện xung đột, Mỹ và một số bên khác ngay lập tức gây sức ép buộc Đức tham gia, chia sẻ gánh nặng.
Đức đồng thuận áp đặt cấm vận chống Nga sau sự kiện Crimea, nhưng không hẳn là do chính quyền bà Merkel muốn đối đầu trực diện với Nga.
Mỹ và nhiều nước Đông Âu xem mối đe dọa từ việc Nga trỗi dậy là nghiêm trọng, nhưng Đức thì không.
Yếu tố khiến EU rạn nứt là khác biệt lớn về lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên. Với Ba Lan, an ninh quốc gia là thiết yếu nhất, do có chung đường biên giới với Nga.
Các nước khác như Tây Ban Nha hay Italy không tiếp giáp Nga và những biến cố xảy ra ở gần biên giới Nga không làm họ bận tâm nhiều.
Rất khó để duy trì nhất thể hóa kinh tế châu Âu nếu một số nước bị kéo vào xung đột, trong khi các thành viên khác từ chối tham gia. Sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc vào một EU thống nhất.
Khi một số nước khác trong khối lại hướng Đông sang Nga, mối quan tâm của Đức là kinh tế và thương mại.
Điều Đức e ngại hơn cả là Đông Âu, được sự hỗ trợ của Mỹ, sẽ xây dựng một lực lượng quân sự khiến Nga cảm thấy bị đe dọa và bắt buộc phải đáp trả.
Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Đức A. Merkel |
Đức không tin vào các nước láng giềng phía Đông trong các vấn đề liên quan đến Nga, xem các nước này quá cảm tính. Đức tin rằng Mỹ quá hiếu chiến, trong khi Mỹ lại xem Đức không thực hiện cam kết với NATO về quân sự, chính trị khi đương đầu với Nga.
Mỹ và Đức đã có khoảng cách và sự phân tách ngày một lớn hơn. Nó liên quan đến bất đồng về NATO và việc Đức không hào hứng áp đặt cấm chống Nga hơn nữa bởi đơn giản là việc làm này không đem lại lợi ích cho Đức.
Đức có nền kinh tế lớn, nhưng dễ đổ vỡ, phụ thuộc vào xuất khẩu. Dù mối đe dọa còn ở xa, nhưng một cuộc chiến giữa Mỹ, châu Âu với Nga sẽ phá vỡ châu Âu và hệ thống thương mại toàn cầu. Đây là điều mà Đức không mạo hiểm.
Giới phân tích cũng cho rằng, Ẩn sau khác biệt này là yếu tố cấu trúc địa chính trị ở châu Âu. Trong lịch sử, Nga luôn làm Đức bị kích động và đôi khi lo sợ.
Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất nước Đức năm 1871 và giữa Thế chiến I và II, khi các hiệp định ký kết đổ vỡ.
Trong Chiến tranh Lạnh, Đức bị kẹt giữa Liên Xô và Mỹ.
Chính quyền Đức hiện không muốn rơi vào tình thế này. Đức cũng luôn để ngỏ viễn cảnh kết hợp giữa công nghệ, công nghiệp Đức với nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Các nỗ lực trước đó đã kết thúc trong chiến tranh. Nhưng giờ là thời điểm mà Nga suy yếu và Đức có thể đang xem xét lựa chọn của riêng mình.
Cái giá phải trả
Nhìn từ bên kia Đại Tây Dương, giới phân tích Mỹ thừa nhận sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu dường như là “quả ngọt” đối với người Nga sau 3 năm chờ đợi.
Ngoài phương Tây, chẳng nơi nào nổi tiếng với kinh nghiệm sử dụng biện pháp kinh tế làm công cụ hàng đầu trong nỗ lực gây áp lực ép Nga phải thay đổi chính sách với Ukraine. Cơ chế trừng phạt từng phần đã trở nên hiệu quả khi nhắm vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, quốc phòng và tài chính.
Tuy nhiên, không chỉ các thực thể của Nga bị “đánh”, mà chính các doanh nghiệp của phương Tây cũng phải hứng chịu hậu quả từ chiến lược này.
Nga vẫn "sống khỏe" bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây |
Các tập đoàn năng lượng và chế tạo khổng lồ của Mỹ và châu Âu đã mất rất nhiều tiền của.
Các giao dịch bán tàu chiến của Pháp và động cơ của Đức bị ngưng trệ, các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của các tập đoàn năng lượng khổng lồ như ExxonMobil, Total và Shell cũng bị trì hoãn.
Giao thương tại các nước có mối quan hệ thương mại lâu đời với Nga như Italia, Hungary và Bulgaria, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, so với cái giá kinh tế mà các công ty phương Tây phải trả, thì cái giá về sự đoàn kết chính trị đối với các lệnh trừng phạt được thiết lập cho đến nay còn đáng nói hơn nhiều.
Bằng cách xúc tiến một loạt trừng phạt mới, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt cũ đang nhằm vào Nga, các nhà lập pháp Mỹ có thể vô tình trao tặng cho Kremlin một kịch bản mà họ đã hy vọng có thể xảy ra kể từ khi cuộc khủng hoảng Crimea bắt đầu: một sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ.
Khác xa so với những mục tiêu đề ra trong kế hoạch khởi điểm vào năm 2014, các lệnh trừng phạt này đã vượt ra ngoài phạm vi đặt ra, đánh vào các xí nghiệp đường sắt và khai mỏ cũng như các dự án năng lượng ngoài biên giới của Nga.
Châu Âu và Mỹ "hục hặc" vì trừng phạt Nga |
Chẳng hạn, mục tiêu được công bố là nhắm vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, bị một số quan chức châu Âu coi là một âm mưu thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí đốt hóa lỏng tự nhiên đắt đỏ của Mỹ.
Điều này không chỉ phá vỡ mối quan hệ mua bán khí đốt đang tồn tại giữa Nga và các nước châu Âu, chẳng hạn như Áo, Đức và Italy, mà còn khiến các tập đoàn công nghiệp châu Âu phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi phải chi trả nhiều hơn để mua năng lượng của Mỹ. Các quan chức EU đã hé lộ ý định trả đũa Mỹ nếu các lợi ích của họ bị đe dọa.
Trong khi đó, bất chấp những phản ứng mạnh mẽ của giới lập pháp và các quan chức ngoại giao, thái độ của Moscow có vẻ không mấy lo ngại.
Mặc dù các lệnh trừng phạt áp đặt từ năm 2014 đã gây ra một số tác động đối với nền kinh tế Nga, song cái giá tổng thể mà họ phải trả là khá khiêm tốn, và Nga thực tế cũng đang điều chỉnh lại được nền kinh tế của mình.
Trang CNN của Mỹ thừa nhận rằng nếu được áp dụng, những lệnh trừng phạt mới chắc chắn sẽ gây thêm tác động tiêu cực cho Nga.
Tuy nhiên, điều đó chẳng là gì so với việc Nga đã lần đầu tiên gây ra sự chia rẽ thực sự giữa hai bờ Đại Tây Dương kể từ năm 2014.
Theo Đất Việt