|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi ký sắc lệnh xem xét điều tra gian lận thương mại của Trung Quốc ngày 14-8 |
“Chúng tôi sẽ bảo vệ bản quyền, phát minh, thương hiệu, bí mật thương mại và các tài sản trí tuệ khác quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của chúng tôi” - Reuters dẫn lời ông Trump trong sự kiện ký sắc lệnh trên.
“Thiệt hại đến 600 tỉ USD”
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer theo đó sẽ có một năm để xem xét khả năng mở một cuộc điều tra vào chính sách thương mại của Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ hay không.
Lâu nay đã xuất hiện nhiều báo cáo cho rằng chính quyền Trung Quốc cố tình dùng chính sách để cạnh tranh thiếu lành mạnh.
"Tổng thống Trump tiếp tục nói cứng về Trung Quốc, nhưng hành động yếu ớt hơn bất cứ những gì mọi người tưởng tượng. Việc tuyên bố sẽ xem xét điều tra những hành động đánh cắp chất xám vốn của Trung Quốc giống như việc bắn tín hiệu cho Trung Quốc rằng Mỹ đồng thuận cho họ tiếp tục ăn cắp vậy". Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer (Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện) |
Theo đó, cáo buộc nói rằng khi các công ty Mỹ làm ăn với người Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, họ buộc phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc, từ đó dẫn tới việc công ty Mỹ đánh mất lợi thế từ các phát minh của mình.
Các quan chức chính quyền ông Trump ước tính hành động ăn cắp chất xám của Trung Quốc dẫn tới thiệt hại đến 600 tỉ USD, theo Reuters.
Nếu ông Lighthizer điều tra và có bằng chứng chứng minh Trung Quốc vi phạm, Tổng thống Trump sẽ có quyền áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc.
Trong điều 301 của đạo luật thương mại 1974, một tổng thống Mỹ có quyền áp đặt rào cản và các biện pháp hạn chế đơn phương nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ trước “những hoạt động thương mại không công bằng” của nước khác.
Con bài thương thảo?
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ không ngồi yên “nếu hành động của Mỹ gây thiệt hại cho quan hệ thương mại song phương”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định “một cuộc chiến thương mại sẽ không dẫn tới đâu và cả hai nước không ai giành chiến thắng cả”.
Sắc lệnh nêu trên là lần đầu tiên ông Trump thực hiện động thái cụ thể liên quan tới các cáo buộc gian lận thương mại của Trung Quốc, nhưng nó vẫn ở mức độ khá nhẹ.
Và ở chừng mực nào đó, sắc lệnh mang ý nghĩa nhiều hơn về mặt ngoại giao.
Báo New York Times ngày 14-8 lưu ý rằng ông Trump trong các phát biểu tại sự kiện ký sắc lệnh trừng phạt Trung Quốc chỉ nhắc tới chữ “Trung Quốc” đúng một lần, đồng thời đặt phạm vi của vấn đề ở mức độ rộng hơn.
Giới quan sát tại Mỹ, quốc tế và cả Trung Quốc đều xoáy vào vấn đề Triều Tiên trong sắc lệnh ảnh hưởng lên quan hệ kinh tế Mỹ - Trung này.
Việc tuyên bố “cân nhắc điều tra”, với thời hạn một năm để ông Lighthizer “xem xét”, rõ ràng tạo thời gian để Trung Quốc thay đổi các hoạt động thương mại, và cũng suy nghĩ thêm về các bước đi của Bắc Kinh đối với Triều Tiên - như yêu cầu của phía Mỹ lâu nay.
Theo TTO