Nguyên Bộ trưởng hiến kế về Tân Sơn Nhất: Đúng và Cần

Thứ tư, 16/08/2017, 10:03
Chúng ta đừng đơn giản hóa vấn đề, tăng cái này là mọi thứ tăng theo, nhưng cũng đừng phức tạp, khó quá mà chán không làm.

Đáng lẽ cần thay đổi từ 2 năm trước

Mới đây, ông Bùi Quang Vinh - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chỉ ra một biện pháp ít tốn kém nhằm nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi, chỉ trong thời gian 6 tháng.

Theo ông Vinh, có hai việc cần đồng thời thực hiện để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất, là mở rộng, sửa chữa, cải tạo sân bay, nhà ga, đường giao thông; Thứ hai, là quy trình vận hành quản lý sân bay.

Trước đề xuất trên, trao đổi với PV, ngày 15/8, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Khoa kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: "Mở rộng, sửa chữa sân bay, đây là tinh thần chung của các chuyên gia hàng không khi nói đến nâng cao năng suất sân bay Tân Sơn Nhất, vấn đề là làm như thế nào cho tốt nhất.

Chúng ta đã đặt ra từ lâu, từ lúc Quốc hội bàn đến chuyện xây dựng sân bay Long Thành, cũng đã nhắc đến vấn đề tăng năng lực Tân Sơn Nhất lên, nhưng khi đó, tất cả đều khẳng định không thể nâng được năng suất.

Tân Sơn Nhất chỉ có năng suất 25 triệu hành khách/năm, mặc định như vậy, tôi thấy đó là sự vô lý, cố tình, gán ghép một năng suất cố định, để không phải thay đổi. Nhưng thực tế là tăng lên được, ý kiến nguyên Bộ trưởng KH-ĐT là đúng và vấn đề này đáng ra phải nói từ hơn 2 năm trước, từ 2015.

Giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Riêng về nâng cao chất lượng điều hành quản lý bay, hiện nay, với điều kiện khách quan, cơ sở vật chất như vậy mà quản lý điều hành tốt hơn chắc chắn sẽ tăng được năng suất, điều này rất đúng.

Các sân bay tập trung đông đúc vào giờ cao điểm, vì những giờ buổi trưa đến đầu giờ chiều rất đông chuyến bay, nhưng việc này có thể điều chỉnh.

Hiện chỉ những lúc gần Tết và giai đoạn sau Tết đổ ra thì lượng khách của sân bay mới tăng đột biến, do Việt kiều nước ngoài về thăm nhà, khách nội địa đi làm ăn về quê ăn Tết.

Khi đã nắm được thực trạng thì phải điều hòa bằng hệ thống giá cả, ví dụ, khách quốc tế thường lựa chọn kỳ nghỉ lễ để về, chúng ta áp dụng giá vé cao, giảm giá vé vào dịp khác, họ mục đích về thăm gia đình là chính, nên có thể lựa chọn nhiều thời điểm về thăm gia đình".

Bên cạnh đó, theo ông Tống, tại các nhà ga hành khách, cần tạo điều kiện cho hành khách vào lên máy bay thuận tiện, nhanh chóng, tránh ứ đọng trong sân bay, bố trí chỗ làm thủ tục vào ra cho hợp lý, các nhà ga thiết kế cách nào đó cho tối ưu hơn, hiện có một số chuyến không thuận tiện.

Nhà ga dưới mặt đất, điều hành ăn khớp với không lưu thì hiệu quả chuyến bay sẽ tăng lên, hiện nay, số chuyến bay tăng lên được nhưng cách điều hành bay lại kiềm chế.

Cũng như ông Vinh có đưa ra, tần suất cất hạ cách tại sân bay này là 5-7 phút/chuyến, nếu kéo giảm xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm, đó là cách tính đơn giản, về lý luận là đúng, giảm phút tăng chuyến lên, tỷ lệ sẽ tăng lên gấp rưỡi.

Thế nhưng, nếu việc điều hành tốt hơn nữa, điều chỉnh chuyến bay cho lý tưởng, tăng số lượng chuyến bay ở các khung giờ khác lên. Khi thời gian khoảng cách giữa các chuyến bay giảm xuống, thì số lần cất hạ cánh sẽ tăng lên.

Tuy nhiên không đơn thuần là cải tổ, nó còn điều kiện vật chất đi theo, hiện đất không đủ chỗ cho máy bay cất hạ cánh, không đủ chỗ cất cánh. Có thể hạ cánh nhanh nhưng bãi đỗ để khách xuống không kịp, nhà ga, bãi đỗ không đủ, nên ứ đọng trên đường băng sân bay.

Chậm hạ cánh xuống thì máy bay phải bay chờ, rất tốn kém và lãng phí, vấn đề đó là đúng nhưng không đơn giản là tăng và giảm số chuyến mà phải liên quan đến nhà ga hành khách mới thích nghi số lượng cất, hạ cánh tăng lên.

Đừng bao biện cho năng lực kém

Trước câu chuyện được ông Vinh kể lại, tại sân bay ở một quốc gia châu Phi nhập cảnh điện tử rất nhanh chóng nhưng theo ông Tống, chính những người làm trong ngành hàng không, các hãng máy bay vẫn mong muốn làm việc đó.

Ai cũng biết việc đi vào để check in hiện nay tại Tân Sơn Nhất quá chậm, đợi một người xử lý cho hàng trăm người, nếu có máy tự nhập làm rất nhanh, việc xếp hàng không dài nữa, rất nhiều máy thì làm rất nhanh.

Nhiều đơn vị hiện nay thực hiện check in nhanh, nên không có đồ ăn trộm, vé điện tử, càng hiện đại thì càng tốt, nhưng làm được hay không là do chúng ta.

"Theo tôi không nên vin vào việc năng lực nhân viên không đáp ứng được, đó chỉ vì không muốn cải tiến, con người hoàn toàn có thể đào tạo, với cán bộ nhân viên hàng không càng khắt khe hơn.

Tất cả phải theo chuẩn quốc tế hết, chúng ta là sân bay quốc tế nên phải làm việc chuyên nghiệp. Đừng đơn giản hóa vấn đề, tăng cái này là mọi thứ tăng theo, nhưng cũng đừng phức tạp khó quá mà chán không làm.

Đừng lấy cớ nhân lực, trình độ không phù hợp mà không đưa phương tiện hiện đại vào, phải đưa vào rồi huấn luyện cho nhân viên và để các hãng tự vào cạnh tranh với nhau, hãng nào muốn làm điện tử để hút khách cho làm hết.

Môi trường hàng không cạnh tranh hiện nay rất có điều kiện thúc đẩy các hãng cải thiện, trước kia thì VNA độc quyền, giờ có Vietjet Air xuất hiện nó làm cho các hãng phải tự nâng chất lượng lên tốt hơn.

Nếu làm hệ thống check in bằng điện tử sẽ làm cho việc vào sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện hơn, đây là giải pháp tối ưu khi rất cần sự đồng bộ.

Tôi tự đặt câu hỏi: "Tại sao các thời Bộ trưởng GTVT không nghĩ được ra vấn đề  và giải pháp như nguyên Bộ trưởng KH-ĐT?".

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn