Kênh đào Kra
Báo chí thế giới thời gian qua đang xôn xao về dự án kênh đào Kra vắt ngang qua Thái Lan để nối Biển Đông với biển Andaman ở Ấn Độ Dương.
Một khi dự án này được thực hiện, Thái Lan có thể trở thành "hố đen" khu vực thu hút mọi sự quan tâm và dòng chảy thương mại như Singapore đang có được.
Ý tưởng xây kênh đào Kra được kỹ sư người Pháp Le Lamar đưa ra từ năm 1677, tiếp theo là hàng loạt đề xuất khác trong thế kỷ 18 và 19. Trong thế kỷ 20, một số sáng kiến mới được nêu ra, trong đó có đề xuất của các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Hạ tầng Nhật Bản...
Năm 2005, báo Washington Post (Mỹ) tiết lộ báo cáo nội bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho biết Trung Quốc đang xét việc cấp vốn xây dựng kênh đào Kra.
Kế hoạch của Trung Quốc xây kênh đào Kra dự tính tốn 20-25 tỉ USD, sử dụng 30.000 nhân công và kéo dài 10 năm.
Kênh đào Kra sẽ tạo ra một con đường mới thay thế con đường qua Eo biển Malacca và rút ngắn quãng đường vận chuyển dầu tới Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 1.200km.
Vị trí mà giới phân tích cho rằng có thể thi công kênh đào Kra vắt ngang qua Thái Lan |
Theo một dự án mới đề xuất năm 2015, kênh đào trên có chiều dài từ 50-100km, chiều rộng 500m ở phần đáy và độ sâu 33m, có thể cho phép tàu trọng tải 500.000 tấn qua lại theo 2 làn, với tốc độ 7 knot (gần 13km/h).
Theo luật quốc tế, các nước được tự do xây dựng những con kênh qua lãnh thổ của mình, kể cả các kênh nối 2 biển và giúp rút ngắn khoảng cách giữa 2 biển (ví dụ kênh đào Corinh do Hy Lạp xây dựng).
Việc xây dựng các con kênh như vậy thuộc thẩm quyền pháp lý của quốc gia quản lý lãnh thổ có kênh đào chạy qua.
Ý tưởng xây dựng kênh đào trên đã nhiều lần được đặt ra với mỗi Chính phủ mới ở Thái Lan, chủ yếu như một phần trong nỗ lực nhằm giải quyết khó khăn kinh tế trong nước.
Nhiều người Thái Lan hy vọng sự ra đời của kênh Kra ngay lập tức sẽ đưa nước này trở thành nước có tuyến đường biển lớn nhất thế giới chạy qua và kênh đào này không chỉ tạo ra sự thịnh vượng cho miền Nam nghèo khó mà còn tạo đà phát triển mới cho nền kinh tế Thái Lan.
Kênh đào Kra sẽ giúp khu vực miền Nam Thái Lan phồn thịnh như Singapore? |
Công trình nghiên cứu do một tổ chức phi chính phủ Thái Lan ước tính Thái Lan sẽ thu được khoảng 120 tỉ baht/năm (khoảng 3,6 tỷ USD) từ kênh đào này.
Một số phân tích khác cho thấy kênh đào có thể giúp Thái Lan trở thành một trung tâm thương mại và tài chính mới của khu vực ngay cả trong trường hợp chỉ có 1/4 số tàu đi qua Eo biển Malacca chuyển sang dùng đường qua kênh Kra.
Cùng với kênh Kra, Thái Lan dự kiến xây dựng khu công nghiệp, bến tàu, các xưởng đóng tàu và cảng nước sâu ở 2 đầu kênh đào. Những cảng này được kỳ vọng sẽ là cảng vận chuyển lớn lý tưởng của châu Á, có thể sánh với cảng Rotterdam của Hà Lan.
Những ý kiến lạc quan còn cho rằng dự án kênh đào Kra sẽ biến vùng phía Nam Thái Lan thành "trung tâm đầu tư của khu vực", thành điểm nhấn trong bức tranh cơ sở hạ tầng. Đặc khu Kinh tế Kra có thể sánh với các đặc khu của Trung Quốc, có khả năng thu hút nguồn đầu tư khổng lồ bởi kênh đào này sẽ là một phần trong kết cấu hậu cần toàn cầu, một điểm nhấn lớn trong phát triển thương mại và công nghiệp.
Có quan niệm cho rằng công trình này sẽ giúp Thái Lan có được vị thế, vì nước này có cửa ngõ ra cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho dù Hải quân Thái Lan sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ về quân sự của nước ngoài.
Đứng trên phương diện an ninh, vấn đề xây dựng kênh đào cắt đôi đất nước có vẻ bị nhiều người Thái Lan phản đối. Trên thực tế, đã có những tranh cãi gay gắt trong nước, chủ yếu do ý kiến của những người lo ngại nguy cơ Thái Lan có thể bị mất các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat vào tay những người Hồi giáo ly khai.
Bên cạnh đó, Thái Lan sẽ chịu sức ép của 3 nước trong khu vực là Indonesia, Malaysia, Singapore và Mỹ - nước vốn không muốn thấy Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nếu họ có kế hoạch xây dựng kênh đào này.
Kênh đào Kra cũng được giới phân tích cảnh báo sẽ là một thách thức đối với sự đoàn kết của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tàu sân bay Mỹ đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập |
Mặc dù có nhiều lợi ích kinh tế rõ ràng, song có không ít ý kiến phản đối dự án này. Dự án sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài của Thái Lan gia tăng, cùng với cái giá xã hội phải trả trong việc tái định cư những người mất đất, tùy theo phương án kênh đào đi qua.
Tàu sử dụng kênh đào Suez rút ngắn hành trình được khoảng 6.400 hải lý khi không phải đi vòng quanh châu Phi, trong khi tàu qua kênh đào Panama giảm được khoảng 7.800 hải lý khi không phải vòng xuống Nam Mỹ.
Chính vì thế, người ta đặt ra câu hỏi liệu có nên bỏ ra một số tiền khổng lồ để xây kênh đào Kra chỉ để rút ngắn 1.200 hải lý khi tránh phải đi qua Eo biển Malacca hay không.
Những người phản đối còn nói rằng dự án này tốn kém vì nó đòi hỏi phải xây dựng hàng loạt cầu đường bộ nối 2 bờ kênh cùng với đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu cũng như việc xây thêm các cảng mới ven bờ Ấn Độ Dương và Vịnh Thái Lan.
Tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Có nhiều ý kiến lo ngại kênh đào Kra sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đối với Thái Lan |
Lịch sử kênh đào Panama và Suez cho thấy việc một nước cung cấp vốn xây dựng kênh đào trên lãnh thổ của một nước khác thường dẫn đến việc mở rộng đáng kể ảnh hưởng của nước này đối với nước có kênh đào, giúp họ đạt được các mục tiêu chính trị và an ninh riêng cũng như làm hạn chế chủ quyền của nước chủ nhà đối với kênh đào.
Tất cả các yếu tố này sớm hay muộn sẽ gây ra căng thẳng về an ninh và chính trị cũng như tình trạng bất ổn gây chấn động trên phạm vi quốc tế và có nguy cơ đẩy các nước đến bên bờ vực chiến tranh.
Ở một khía cạnh khác, giới phân tích cho rằng kênh đào Kra là một dự án khổng lồ và sẽ có tác động to lớn tới môi trường và con người tới mức độ không thể đảo ngược được. Các công trình nghiên cứu về kênh đào chủ yếu mới mang tính một chiều, thiên về cái lợi.
Các dấu hiệu cho thấy dự án Kra sớm hay muộn cũng sẽ trở thành hiện thực với sự tham gia của Trung Quốc dù Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức xác nhận.
Theo Đất Việt