Cục trưởng Chăn nuôi im lặng trước cơn biến động chóng mặt giá lợn

Thứ năm, 13/07/2017, 12:22
Chỉ chưa đầy 1 tuần trở lại đây, giá lợn đã đảo chiều từ 18.000-20.000 đồng/kg tăng lên chóng mặt tới 35.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tới 40.000 đồng/kg. Vì sao có mức giá này, người dân có nên tiếp tục tái đàn... là hàng loạt những câu hỏi đang đợi cơ quan chuyên môn là Cục Chăn nuôi trả lời. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan này vẫn lặng im không có phản ứng gì.

Giá thịt lợn đã giảm suốt 8- 9 tháng qua.

Nghi ngờ con số thống kê

Đà giảm giá lợn thực tế đã kéo dài suốt 8-9 tháng qua, bắt đầu từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Cục Chăn nuôi chỉ ra vỏn vẹn một văn bản khuyến cáo rồi... để đấy. Rất nhiều người nuôi lợn cho biết, thực tế Cục Chăn nuôi hầu như không có phản ứng gì cụ thể sau công văn đó, cũng như không biết số đầu lợn thực tế là bao nhiêu.

Ông Nguyễn Văn H. (ở Hà Nam) cho biết: "Tôi nuôi lợn cả 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy ai đến thống kê số đầu lợn, thì làm sao họ biết được số lợn bao nhiêu mà bảo hiện có 4,2 triệu con lợn nái". Theo ông H., có thể bên thống kê chỉ lấy số liệu của các nhà máy thức ăn chăn nuôi rồi chia ra sản lượng bình quân để tính tổng đầu lợn. Chẳng hạn, mỗi năm các nhà máy thức ăn chăn nuôi tiêu thụ hết 15 triệu tấn thức ăn, rồi họ tính dựa trên cơ sở cứ 2,8-3kg thức ăn sẽ tạo ra 1kg thịt lợn để tính toán. Điều này là không chính xác.

Một lãnh đạo của Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, hiện ngành chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cung cấp, mà bên thống kê hàng năm chỉ đi thống kê 2 lần, nên để nói chính xác con số bao nhiêu đầu lợn tại từng thời điểm là rất khó.

Tại cuộc họp sơ kết ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm vào cuối tháng 6 vừa qua, Cục Chăn nuôi công bố số liệu: Hiện nay đàn lợn có 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 1,6 triệu con so với 1.4.2017 do người nuôi không tái đàn.

Đánh giá về tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017, ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: “Ngành chăn nuôi đang... phát triển tốt, có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 3%. Tuy nhiên sức tăng trưởng của ngành hiện nay hết sức mong manh, có nhiều dấu hiệu không tốt, việc tái đàn lợn diễn ra chậm, đầu tư trong phát triển chăn nuôi lợn chững lại, một số DN sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến nâng lên 1 triệu tấn thức ăn nhưng có dấu hiệu chững lại. Từ nay đến cuối năm có khả năng dư thừa sản phẩm chăn nuôi dù tái đang đang chậm”.

Ông Vân cũng cho biết, hiện ngành chăn nuôi đang rà soát lại 3 khu vực chăn nuôi chính là: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, các khu vực chăn nuôi tập trung và các nông hộ nhỏ. Từ đó, sẽ có công bố quy hoạch, cũng như đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo chính quyền các địa phương định hướng sản xuất cho phù hợp.

Một xe chở lợn đi xuất khẩu.

Lúc dân cần khuyên nhất, Cục lại im lặng

Trên các diễn đàn chuyên ngành về chăn nuôi mấy ngày qua như lên cơn sốt bởi giá lợn đảo chiều chóng mặt, đã có những thông tin giá lợn có thể lên 45.000-50.000 đồng, thậm chí 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang bị lụt lội nặng ở các tỉnh phía nam.

Để xác nhận các thông tin trên, PV đã nhiều lần liên hệ với Cục Chăn nuôi, song các Cục phó của Cục này cho biết, hiện tất cả các phát ngôn về giá cả lợn đều do Cục trưởng phát ngôn. Trong 2 ngày liên tục, chúng tôi đã gọi vào số của ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi, điện thoại có đổ chuông, nhưng ông Vân không hề nghe máy.

Chúng tôi truy cập vào trang web chính thức của Cục Chăn nuôi. Tuy nhiên, trên trang thông tin này cũng không hề có một thông tin hay văn bản chỉ đạo nào liên quan đến giá lợn hiện nay.

Trang web của Cục Chăn nuôi ngày 13.7 không có một thông tin nào về giá lợn.

Trao đổi với PV, giám đốc một công ty chăn nuôi cho biết: Giá lợn hiện nay đã đứng được ở mốc 35.500 đồng/kg. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang mở cửa cho lợn của chúng ta sang. Tuy nhiên, có một lý do khác là, hiện phía công ty C.P đã nâng giá lợn lên 35.000 đồng/kg, mà số lượng của đơn vị này nhiều, nên bà con chăn nuôi có tâm lý cứ nhìn vào mức giá đó để tính toán. "Nhiều trại do thua lỗ nặng, nên hiện cũng có tâm lý giữ lại lợn đợi giá tăng cao nữa, mà không bán. Đây cũng là yếu tố khiến giá lợn tiếp tục tăng"- giám đốc này nhận định.

Tuy nhiên, theo ông này, đợt tăng giá này chỉ có yếu tố ngắn hạn và không biết chừng bà con lại ồ ạt tái đàn tiếp, thì lại xảy ra dư thừa thịt lợn. "Chúng ta phải hết sức bình tĩnh nghe ngóng. Bởi đợt vừa rồi dư thừa lợn quá lớn, nên việc giảm đàn khó có thể thực hiện được ngay"- ông này khuyên.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn