Mạng lưới đồng minh bền chắc
Trong khi các chuyên gia và giới truyền thông đang “sôi nổi” về việc Mỹ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự ở Ukraine và Moldova, thì Nga có những động thái lặng lẽ nhằm đáp trả.
Điển hình là việc Nga tổ chức Hội thao quân sự quốc tế IAG 2017 để minh chứng khả năng kết hợp lợi ích quân sự chung của các nước đối tác và các đồng minh khác nhau.
Bên cạnh đó, Moscow cũng tích cực cùng Belarus chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Zapad 2017” (Phương Tây 2017) vào tháng 9 tới đây.
Mỹ đang tìm mọi cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ukraine |
Theo tờ Độc lập của Nga, nếu nói đến các hoạt động của Mỹ ở châu Âu và trong không gian hậu Xô Viết, cần lưu ý rằng có tới hơn 25.000 binh sĩ Ukraine và 14 quốc gia đối tác sẽ tham gia cuộc tập trận quốc tế mang tên “Rapid Trident 2017”.
Cuộc tập trận này sẽ diễn ra vào đầu tháng 9/2017 tại tỉnh Lvov (Ukraine) với lực lượng chính là các lực lượng của Mỹ. Ngoài ra, cũng tại địa điểm này, trong vài ngày tới cũng sẽ khai mạc trung tâm mô phỏng các trang thiết bị do Mỹ hỗ trợ có diện tích 35.000 m2.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak, đây sẽ là một trong những trung tâm hiện đại bậc nhất ở châu Âu. Trung tâm này được xây dựng nhằm huấn luyện lực lượng đặc nhiệm tại Ukraine.
Ngoài ra, một trung tâm tương tự cũng được Mỹ hỗ trợ thành lập ở Moldova. Còn ở Gruzia, trong thời gian tới, Lầu Năm Góc dự định ký kết với giới chính quyền Tbilisi “Chương trình quốc phòng sẵn sàng Gruzia”, bao gồm các chương trình huấn luyện binh sỹ Gruzia với mục đích “đẩy lùi Liên bang Nga” do các chuyên gia quân đội Mỹ đảm nhiệm.
Lính Mỹ bắn súng chống tăng hạng nhẹ AT4 trong cuộc tập trận chung Noble Partner 2016 tại Gruzia |
Theo bài viết, Ukraine và Gruzia sẽ tiếp tục cần đến các chuyên gia quân sự của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tăng cường khả năng quốc phòng của mình với mục đích chống lại Nga.
Đối với Moldova, việc này sẽ diễn ra khó khăn hơn bởi Tổng thống Igor Dodon có cái nhìn khác về Moscow và dự định trong tương lai sẽ hình thành một mô hình chính phủ tương tự như của Nga.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế, cho tới hiện nay, 3 quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết này vẫn đang nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ và NATO và tiến hành các hành động thù địch với Nga.
Trung tướng Yury Netkachev cho rằng Nga đáp trả không chỉ bằng việc củng cố biên giới của mình ở hướng chiến lược Tây Nam, mà còn gia tăng sự ảnh hưởng. Ví dụ như việc Nga mời Iran và Venezuela, các quốc gia bị Mỹ coi là mối đe dọa, tham gia Hội thao quân sự quốc tế IAG 2017. Nếu xét theo hướng này, Serbia cũng là đối tác của Nga.
Xe tăng của Azerbaijan tham gia IAG 2017 |
Trước đây, Azerbaijan đã gia nhập vào khối GUAM (gồm Gruzia, Ukraine, Azerbaijan và Moldova), nhưng hiện họ là bạn và đối tác của Nga. Chính vì vậy, ở Baku cũng đã diễn ra một phần của “Armi 2017”.
Vị chuyên gia quân sự Nga cũng cho biết ở giai đoạn cuối của “Armi 2017”, có sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng một loạt các quốc gia, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Aleksandr Vulina, người vừa mới nhậm chức chỉ hơn 1 tháng trước.
Mới đây, ông Vulina đã tuyên bố rằng Serbia “không gia nhập NATO, cho tới khi nào ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng và Aleksandr Vutrin còn là Tổng thống”.
Như vậy, với tuyên bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia đã mở ra triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Serbia. Ông Vilina tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung. Và tiếp tục có chính sách quân sự trung lập... Serbia được nhận món quà là 6 chiếc máy bay MiG-29, 30 xe tăng T-72B3 và nhiều xe chiến đấu bộ binh từ Nga”.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia không loại trừ khả năng quân đội Serbia sẽ điều các xe tăng này (T-72B3) để tham gia Hội thao xe tăng vào năm tới.
“Phương Tây” chống phương Tây
Đáng chú ý, vào nửa cuối tháng 9 tới sẽ diễn ra cuộc tập trận chung giữa lực lượng vũ trang Nga và lực lượng vũ trang Belarus mang tên “Phương Tây 2017”. Việc tổ chức cuộc tập trận được tiến hành theo quyết định của Tổng thống Nga và Belarus định kỳ 2 năm 1 lần.
Tờ The National Interest của Mỹ dẫn nhận định của ông Dmitry Gorenburg - làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu Davis thuộc trường Đại học Tổng hợp Harvard, đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học cao cấp của Sở Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân ở Virginia (Mỹ) - cho rằng:
Mục đích của các cuộc tập trận giữa lực lượng vũ trang Nga và lực lượng vũ trang Belarus nói chung và cuộc tập trận “Phương Tây 2017” nói riêng gần như không thay đổi trong vòng 10-15 năm qua.
Mỹ tiếp tục ồ ạt đổ quân và vũ khí đến sát biên giới Nga |
Thông qua việc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn như thế này, Nga theo đuổi cả các mục tiêu quân sự và chính trị. Về quân sự, Nga muốn khẳng định khả năng của mình trong việc tiến hành các chiến dịch chung quy mô lớn, huy động nhiều lực lượng vũ trang trong nước, di chuyển quân đội từ khu vực này của đất nước sang khu vực khác.
Cuộc tập trận “Phương Tây 2017” và các cuộc tập trận tương tự trước đây cũng theo đuổi mục đích phát triển hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus, bởi Belarus là một đồng minh quân sự lớn của Nga, đóng vai trò là vùng đệm quan trọng giữa Nga với các quốc gia NATO.
Về mặt chính trị, mục đích của các cuộc tập trận này là răn đe phương Tây bằng cách chứng minh tính sẵn sàng chiến đấu của Nga chống lại bất cứ hành động xâm lược nào của các quốc gia NATO hoặc của một quốc gia riêng lẻ nào nằm trong khối này.
Một bài báo trên tờ The New York Times hôm 31/7 có tiêu đề: "Các cuộc tập trận của Nga sát biên giới NATO làm gia tăng nỗ lo sợ xâm lược" |
Theo chuyên gia Mỹ, mặc dù phương Tây luôn coi Nga là một quốc gia “xâm lược”, nhưng trên thực tế Nga luôn cảm thấy yếu hơn khi so sánh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Chính vì vậy, Nga muốn khẳng định khả năng của mình trong việc chống lại các cuộc tấn công trực tiếp, cũng như chống lại nỗ lực đảo chính quốc gia.
Việc giới truyền thông phương Tây đưa ra dự báo về quy mô của cuộc tập trận “Phương Tây 2017” đang giúp cho Nga đạt được mục tiêu này của mình.
Theo Đất Việt