Việc cần thì phải làm ngay
Mới đây, ông Bùi Quang Vinh - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chỉ ra hai việc cần đồng thời thực hiện để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất, là mở rộng, sửa chữa, cải tạo sân bay, nhà ga, đường giao thông; Thứ hai, là quy trình vận hành quản lý sân bay.
Trước đề xuất trên, trao đổi với PV, ngày 15/8, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên trường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bến Tre cho biết: "Tôi thấy nếu tiến hành được cả hai công việc như nguyên Bộ trưởng Vinh nêu ra thì quá tốt.
Thực ra việc sửa chữa, cải tạo, phụ thuộc vào nhiều vấn đề như nguồn vốn, kế hoạch, cân đối, phối hợp các Bộ ngành, nguồn lực...đây là phương án dài hơi.
Còn việc cải tiến quy trình vận hành bay là việc cần làm ngay, hiện nay, hàng không đang áp dụng cho tuyến Việt Nam - Singapore, cải tiến để bảo đảm tránh việc chờ chuyến, bay chờ, chờ đợi lâu, hãy áp dụng thêm cho các chuyến bay khác.
Cần thay đổi ngay những việc có thể |
Nghĩa là phải kết hợp nhiều biện pháp, không phải chỉ chờ đợi mở rộng, xây dựng thêm nhà ga, đường băng".
Kể lại câu chuyện thực tế khi sang các nước khác, theo ông Nhưỡng, hiện nay các quốc gia trên thế giới họ check in toàn bằng hệ thống điện tử, như Kuala Lumpur khi chúng ta chưa check in điện tử thì họ đã hoàn thành posting card cho hành khách xong. Họ đã làm từ những năm 2008, còn chúng ta bây giờ mới làm là đi sau các nước cùng khu vực đến cả chục năm.
Khi sang các cảng hàng không quốc tế, ông Nhưỡng chưa bao giờ thấy cảnh xếp hàng, ùn tắc, nằm chờ dài ở sân bay như Việt Nam.
"Ở London, năm 2014, khi sang sân bay Heathrow, đứng ở sân bay thấy các máy bay ở sân bay cũng có hiện tượng quá tải, nhiều máy bay bay vòng trên trời, xếp hàng, không riêng gì Việt Nam có cảnh này.
Nhưng vấn đề quan trọng họ bố trí làm sao đảm bảo an toàn mà không gây ra hiện trạng hỗn loạn về hàng không đó là điểm quan trọng nhất.
Và tất cả cách làm này, hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, bây giờ chúng ta cũng check in bằng điện tử, check in trước rồi cầm hộ chiếu nhập cảnh là xong.
Nhưng trình độ của hành khách Việt Nam cũng chưa biết nhiều, nên cũng khó khăn hơn khi áp dụng các thủ tục hiện đại.
Để làm được cần sự thay đổi rất nhiều, về công tác tư tưởng, công tác cán bộ, tiến hành quy trình đó hết sức chặt chẽ, phải khẩn trương, không được chờ đợi, áp dụng từng phần, áp dụng cho một vài tuyến trước, khi thấy chắc tay thì áp dụng cho các chuyến khác.
Khi chúng ta làm check in điện tử được thì việc xếp hàng dài trong nhà ga là không còn, khi điều hành vận hành bay làm nhịp nhàng kéo thấp thời gian cất hạ cánh các chuyến bay xuống thì tự nhiên công suất sân bay sẽ tự được nâng lên", ông Nhưỡng phân tích rõ.
Và ông cũng chỉ thẳng, phải thấy việc nào làm được ngay thì phải triển khai, còn thu hồi sân golf, xây dựng thêm nhà ga, đường băng thì vẫn cứ xử lý, tạo điều kiện phát triển lâu dài trong tương lai.
Nên học hỏi các hãng hàng không thế giới
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, việc điều hành quản lý sân bay là việc của ngành hàng không, cần phải làm sao tinh giản ít người đi, mà làm tốt hơn, đó là việc quan trọng, rất nên học hỏi các hãng hàng không trên thế giới.
"Tôi đi rất nhiều các hãng bay trên thế giới, máy bay họ không tốt hơn chúng ta, nhưng thái độ phục vụ, dịch vụ của họ cũng làm tốt hơn rất nhiều.
Việt Nam mua toàn máy bay mới về nhưng dùng một thời gian là hỏng, vì hành khách trèo lên ghế cũng mặc kệ, nghĩa là chỉ làm chứ không có tinh thần bảo vệ. Kèm theo thái độ lại thiếu niềm nở, việc này liên quan đến chất lượng phục vụ, nguyên Bộ trưởng Vinh nói đúng.
Song song với đó phải là các phương án sửa chữa sân bay, nhưng tôi nghĩ, cần phải sửa trước mắt cho đảm bảo để khai thác, chúng ta có thể sửa dần dần đáp ứng nhu cầu nhất định, rồi lại làm tiếp khi có nguồn vốn, chứ không cần quá phức tạp mọi chuyện.
Tân Sơn Nhất phải hiện đại, tiếp tục phát triển, nếu làm theo đúng mục tiêu đó sân bay sẽ khác hẳn, không còn là bài toán mò mẫm, chúng ta có thể sửa dần dần đáp ứng nhu cầu nhất định, rồi lại làm tiếp khi có nguồn vốn", ông Hòa cho hay.
Riêng về check in điện tử, theo ông Hòa cũng khó áp dụng, vì dân trí chúng ta còn thấp, máy bay giá rẻ toàn người nhà quê đi, cần có hướng dẫn, khi ra nước ngoài bản thân ông Hòa cũng luống cuống, nhưng được hướng dẫn ngay.
Nên nếu có áp dụng check in điện tử thì cần có tiếp viên hàng không hướng dẫn cho người dân thì mới làm được.
Cùng với đó, điều hành bãi đỗ sân bay cần có trách nhiệm hơn, lúc tắc xe không thấy công an đâu, chứng tỏ năng lực hạ tầng của chúng ta có hạn, cần tăng lượng điều tiết, nếu làm tốt sẽ tăng được năng lực giao thông xung quanh sân bay.
Theo Đất Việt