Nan giải ùn tắc tại Hà Nội, TP.HCM

Thứ năm, 17/08/2017, 09:31
Vấn đề được đa số đại biểu (ĐB) quan tâm là tình trạng quy hoạch đô thị bị phá vỡ, các chung cư mọc lên dầy đặc, hạ tầng không đồng bộ kéo theo hệ luỵ ùn tắc tại các thành phố lớn.

Theo một số chuyên gia, để giải quyết vấn đề ùn tắc tại các đô thị lớn cần siết nhập cư, hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh giao thông công cộng.

Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Vấn đề được đa số đại biểu (ĐB) quan tâm là tình trạng quy hoạch đô thị bị phá vỡ, các chung cư mọc lên dầy đặc, hạ tầng không đồng bộ kéo theo hệ luỵ ùn tắc tại các thành phố lớn.

Thúc xử lý các công trình vi phạm nổi cộm

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến tình trạng ùn tắc giao thông, gây thiệt hại 3% GDP mỗi năm. Đề nghị làm rõ thực trạng này, bởi theo ông Nhưỡng, nguyên nhân chủ yếu do việc cấp phép la liệt các khu đô thị với mật độ lớn.

Nhắc lại nội dung đã từng chất vấn trước đây, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) đề nghị làm rõ nguyên nhân chung cư mọc lên nhiều tại các tuyến đường do đâu, có sự buông lỏng quản lý hay lợi ích nhóm không? Việc xử lý vi phạm, điển hình như tại toà nhà 8B Lê Trực, đã xử lý ra sao? “Liệu có chấm dứt được tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không?”, ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) nêu câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận có hiện tượng cấp phép xây dựng nhiều khu đô thị, khu chung cư ở trung tâm cũng như ngoại ô đô thị, gây quá tải hạ tầng. Theo ông Hà, nếu tuân thủ đúng quy hoạch, thiết kế đô thị và giấy phép xây dựng sẽ đảm bảo đồng bộ, không dẫn tới hệ lụy ùn tắc như vừa qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều khu chung cư, khu đô thị xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt, không đồng bộ. Điều này thuộc trách nhiệm các địa phương, cơ quan thẩm định, tư vấn và chủ đầu tư. Về câu hỏi có chấm dứt được tình trạng xây dựng không phép, sai phép, theo ông Hà, việc này cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương. “Bộ cũng sẽ tập trung xử lý thanh tra cụ thể một số điểm vi phạm”, ông Hà khẳng định.

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận có tình trạng chủ đầu tư vi phạm về mật độ và chiều cao công trình, khiến hạ tầng quá tải, dẫn đến ùn tắc. Theo ông Chung, trách nhiệm trước tiên thuộc thành phố Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, kiểm tra, đặc biệt với lực lượng thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan của chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm. Trong đó đã xử lý 18 cán bộ là lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và cả lực lượng thanh tra.

Về công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch thành phố thẳng thắn nhận trách nhiệm liên quan đến việc chậm xử lý vi phạm. Với trách nhiệm cá nhân, ông Chung hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xử lý, trên cơ sở đảm bảo an toàn cho công trình.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói thêm, theo quy định thuộc trách nhiệm của Hà Nội, nhưng nhận thấy đây là vấn đề lớn nên Bộ đã phối hợp, mời cơ quan chuyên môn thẩm định, đảm bảo an toàn khi xử lý phần vi phạm. Theo ông Hà, trong tháng 8 sẽ có ý kiến chính thức với Hà Nội về việc này.

Trụ sở chậm di dời, do đâu?

Về việc di dời trụ sở các bộ, ngành, ĐB Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi, chủ trương chuyển trụ sở các bộ ngành, bệnh viện, trường học ra ngoại thành Hà Nội đã và đang được xử lý ra sao, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lý giải, quy hoạch chung có quy định nội dung phải di dời một số trụ sở, cơ sở sản xuất, cơ sở giáo dục, y tế. Riêng Hà Nội đã có quy định chi tiết, quy định mục tiêu, nguyên tắc cũng như trách nhiệm các bộ, ngành trong việc di dời. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện rất chậm.

Nguyên nhân, theo ông Hà, do việc bố trí đất quy hoạch để di dời không đơn giản, phải dành đủ quỹ đất mới di dời được. Các bộ, ngành liên quan cũng chưa có đề án cụ thể. Đặc biệt, nguồn lực di dời rất thiếu, trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời.

Theo ông Hà, qua rà soát, Hà Nội có 13 cơ quan phải di dời ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây. Hiện mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực đang rất khó. Bộ Xây dựng tiếp tục trao đổi với Hà Nội, báo cáo Chính phủ phương án địa điểm mới, đảm bảo đủ điều kiện, nhưng cũng không cần ở vị trí có điều kiện sinh lợi quá cao.

Nan giải ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM

Đề cập đến vấn đề ùn tắc do hạ tầng quá tải, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố hiện có 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ôtô và mỗi năm có khoảng 30 nghìn phương tiện đăng ký mới. Trong khi đó, diện tích đường không tăng. Thậm chí ông Phong còn cho rằng, dù có tăng cỡ nào cũng không đáp ứng hết được nhu cầu với tốc độ tăng dân số “khủng khiếp” hiện nay.

Khắc phục tình trạng này, theo ông Phong, chỉ có thể giải quyết bằng quản lý chặt chẽ vấn đề quy hoạch, không “mềm lòng” trong việc nhập cư, làm sao để dân số, đô thị đồng bộ với giao thông công cộng. Đồng thời sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhưng cái khó vẫn là nguồn lực. Thành phố đang phát triển 8 tuyến metro, nhưng vốn ngân sách không đủ khả năng, chủ yếu dựa vào vốn ODA, song riêng tuyến Metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật Bản cũng đang tắc.

Tại phiên chất vấn, giải pháp được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đưa ra vẫn là việc phải huy động nguồn lực, trên cơ sở khai thác các quỹ đất hành lang, đấu giá đất lấy tiền. Ngoài ra cần thúc đẩy việc di dời các cơ sở ra ngoại thành, xây dựng kết cấu hạ tầng, để phát triển không gian ngầm. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị vẫn được coi là mấu chốt cho giao thông đô thị.

Ngập lụt khó... xử lý triệt để

Tình trạng ngập lụt tại các thành phố lớn cũng được ĐB chất vấn và giải đáp tại buổi làm việc. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, mưa lớn, ngoài ra còn do việc quản lý yếu kém và ý thức một bộ phận người dân. TP.HCM đã triển khai khắc phục tình trạng này, nhưng cần có lộ trình, không thể xử lý triệt để ngay.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thừa nhận, đây là vấn đề còn rất nan giải. Để chống ngập cho các quận nội thành, Hà Nội đã xây dựng 2 dự án thoát nước. Tuy nhiên ngay cả khi hoàn thành 2 dự án thì các quận cũ và một phần quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ cũng chỉ chịu được lượng mưa 120mm. Nếu lớn hơn, vẫn xảy ra ngập úng.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn