|
Đường sắt tới Janakpur đã ngừng hoạt động. |
Ba năm sau chuyến tàu cuối cùng đến vùng biên giới Janakpur, Nepal, đất nước bốn bề không có biển, nay đang xây dựng tuyến đường sắt mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự án này được thúc đẩy bởi cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng đối với thị trấn nhỏ bé vùng biên Janakpur, giúp vận chuyện mọi thứ từ bánh kẹo đến quần áo hay mỹ phẩm để bảo đảm các hoạt động kinh tế ở đây. Nhưng sau nhiều năm sử dụng mà không được bảo trì, sửa chữa, đoàn tàu đã đứng im từ năm 2014, những khoang tàu rỉ sét trở thành chỗ chơi cho trẻ con địa phương, còn nền kinh tế Janakpur trở nên èo uột.
“Khi đoàn tàu còn chạy, chúng tôi có nhiều hoạt động buôn bán. Tôi có thể dễ dàng gửi đồ cho gia đình”, anh Shyam Sah, chủ một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ, cho biết. Tiền lãi thu được từ cửa hàng nhà anh đã giảm đến 80% từ khi đoàn tàu ngừng hoạt động. Giờ đây, tuyến đường sắt đang được xây dựng lại với sự hỗ trợ của Ấn Độ. Đây là một trong ba tuyến đường sắt sẽ được xây dựng, hai tuyến còn lại gồm một tuyến do Trung Quốc tài trợ và tuyến kia do Nepal tự đầu tư. Nepal hy vọng những dự án này sẽ giúp thúc đẩy giao thương quốc tế.
Nepal gần như vẫn biệt lập với nền kinh tế toàn cầu, phụ thuộc vào viện trợ và kiều hối. Tăng trưởng kinh tế giảm mạnh sau trận động đất khốc liệt năm 2015 nhưng dự kiến sẽ trở về mức 5% từ năm 2018 - mức thấp nhất ở khu vực Nam Á theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Những năm gần đây, Nepal tranh thủ đầu tư từ hai nước láng giềng lớn nhằm phát triển hệ thống đường sắt nhằm kết nối vùng Đông Á với châu Âu.
|
Chiến trường cạnh tranh |
Vùng núi Himalaya tạo nên biên giới tự nhiên giữa Nepal và Ấn Độ khiến Nepal phụ thuộc rất lớn vào Ấn Độ khi hai nước có chung 1.400km biên giới và cũng là nơi diễn ra phần lớn hoạt động xuất nhập khẩu. Những năm gần đây, Nepal nghiêng về Trung Quốc nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Ấn Độ. Và Trung Quốc đáp lại bằng việc tăng cường quan hệ với Nepal, chủ yếu thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Năm 2017, Bắc Kinh cam kết cho vay 8,3 tỷ USD để xây dựng các tuyến đường và nhà máy thủy điện ở Nepal, bỏ xa mức cam kết 317 triệu USD của Ấn Độ. Các nghiên cứu khả thi đang được tiến hành nhằm chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt do Trung Quốc hỗ trợ để kết nối thủ đô Kathmandu của Nepal xuyên qua dãy Himalaya đến Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng của Trung Quốc, với chi phí ước tính 8 tỷ USD. Nhà báo Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của tạp chí Diplomat, cho rằng, dự án này có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với quốc gia Nepal nhỏ bé, và đã khiến quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang đối đầu nhau trong đợt căng thẳng trên vùng cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalaya mà nguyên nhân là do Trung Quốc làm một con đường mới ở khu vực chưa phân định với Nepal. “Trung Quốc biết rằng, chính sách ngoại giao bằng tiền với các nước nhỏ ở châu Á sẽ là nỗi đau với Ấn Độ, vì Ấn Độ không thể cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách này”, ông Panda nhận xét.
Dự án đường sắt nói trên là một phần trong sáng kiến “Vành đai - Con đường”, một chương trình hạ tầng toàn cầu quy mô lớn mà Trung Quốc khởi xướng nhằm kết nối các công ty của Trung Quốc với thị trường mới khắp thế giới. Nhưng giới phân tích cho rằng, đây là cách Trung Quốc giành ưu thế về địa chính trị. Ấn Độ không tham dự một hội nghị lớn về sáng kiến này diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm nay.
Hôm qua, Nepal và Trung Quốc ký 3 văn bản thỏa thuận về gói viện trợ nhân đạo trị giá 1 triệu USD và thỏa thuận khai thác nguồn dầu khí tự nhiên nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đến Nepal trong tuần này. “Trung Quốc sẵn sàng giúp Nepal tăng cường tự túc về năng lượng”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Uông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đồng ý giúp Nepal làm lại các cây cầu biên giới và cơ sở hạ tầng ở cảng Tatopani, dự án liên doanh giữa hai nước, bị hỏng sau trận động đất năm 2015. Trong chuyến thăm, ông Uông nói rằng, Trung Quốc và Nepal là những “người bạn và đối tác đáng tin cậy”. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự hợp tác của Nepal trong sáng kiến “Vành đai-Con đường”.
Trước khi đến Kathmandu, ông Uông dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pakistan và tuyên bố sẽ thúc đẩy phát triển Vành đai kinh tế Trung Quốc - Pakistan, trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ - Pakistan không tốt đẹp.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến Nepal rơi vào hoàn cảnh khó xử và luôn tìm cách duy trì quan điểm trung lập. Theo bài viết gần đây của báo Ấn Độ The Times of India, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nepal Krishna Bahadur Mahara nói rằng, nước này “sẽ không đứng về bên nào”.
Một số chuyên gia cảnh báo Nepal đang trở thành chiến trường thực tế của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc mà Nepal phải xử lý cẩn thận. “Không quốc gia nào muốn trở thành nước vệ tinh. Nhưng khi trở thành nơi cả Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh với nhau thì Nepal có thể trở thành chiến trường, nhưng mặt khác Nepal đang khiến hai nước chống lại nhau”, ông Michael Auslin, nhà nghiên cứu về châu Á tại Viện Hoover (Mỹ), nhận định.
Các nguồn tin từ Ấn Độ hôm qua cho biết, hôm 15/8 xảy ra vụ ẩu đả giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng phía Tây dãy Himalaya. Phía Ấn Độ nói rằng, họ phát hiện một nhóm lính Trung Quốc mang theo gậy sắt và đá đi vào lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh. Binh sĩ hai bên xảy ra ẩu đả và đều bị thương nhẹ. Ấn Độ và Trung Quốc thường cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ nhưng hiếm khi xảy ra xung đột. Quân đội Ấn Độ từ chối bình luận về vụ việc này, Reuters đưa tin. |
Theo Tiền Phong