|
Cờ Mỹ và Trung Quốc trên đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington - Ảnh: AFP |
“Do hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Mỹ của Trung Quốc đang bị siết chặt, dòng tiền này đã giảm đến 65% trong năm 2017. Để so sánh, giá trị các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc đạt 65,2 tỉ USD năm ngoái, bao gồm một số vụ đình đám như Tập đoàn HNA mua lại 25% cổ phần của Hilton Worldwide” - hai chuyên gia Nicholas Farfan và Karl But của Dealogic bình luận.
Theo đài CNBC của Mỹ, áp lực và tính bất ổn xuất phát từ cả hai nước. Về phía Trung Quốc, nhà chức trách được cho là đang cố gắng kiểm soát không để dòng vốn chảy ra nước ngoài, góp phần làm suy yếu đồng nhân dân tệ.
Về phía Mỹ, các báo cáo cho thấy Ủy ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ viện dẫn các quan ngại về an ninh quốc gia để ngăn người Trung Quốc thâu tóm công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Chuyên gia Gregory Husisian thuộc công ty luật Foley & Lardner (Mỹ) lưu ý rằng ngày càng có nhiều khách hàng của hãng ngại làm việc với người Trung Quốc do khả năng can thiệp của các cơ quan quản lý khá cao.
Trong bối cảnh này, ngành môi giới thương mại cũng chịu một số tổn thất. Các chuyên gia của Dealogic ước tính khoảng 9,7 tỉ USD tiền của các doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào công ty Mỹ có thể bị thanh tra, khả năng sẽ khiến bên môi giới mất 75 triệu USD.
Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định ngoài một số lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ, đầu tư của Trung Quốc và bất động sản Mỹ và các ngành công nghiệp khác không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách của ông Trump.
Thật ra, rào cản thương mại tăng cao có thể khuyến khích các công ty Trung Quốc đặt nhà máy trực tiếp tại Mỹ, theo một số nhà phân tích
Trước mắt, việc Mỹ chưa công bố chính sách thương mại cụ thể với Trung Quốc càng làm tính bất ổn tăng cao.
“Hiện tại đang có rất nhiều băn khoăn. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng” - ông Siva Yam, chủ tịch Phòng thương mại Mỹ - Trung (Chicago), nhận xét.
Theo TTO