|
Tình hình kẹt xe đang có dấu hiệu lan rộng ở TP.HCM do áp lực về hạ tầng ngày càng tăng, trong khi nguồn lực đầu tư ngày càng giảm. |
Và Bí thư Thành ủy TP.HCM tự trả lời bằng bài toán dân số. Dân số TP.HCM sau giải phóng là 3,4 triệu người, đến năm 2016 vọt lên 8,9 triệu người. Và đến năm 2020, 2030 dân số TP.HCM sẽ là bao nhiêu trong khi chưa thấy giải pháp nào ngăn chặn tốc độ tăng dân số cứ mỗi năm tăng thêm 200 nghìn người.
Áp lực tăng
“Dân số TP.HCM sẽ là 10 triệu, hơn 10 triệu người chỉ trong 1-2 năm nữa thôi. Cả nước hơn 93 triệu dân, chia cho 63 tỉnh thành thì mỗi tỉnh thành bình quân 1,5 triệu dân. TP.HCM hiện nay bằng 6 lần bình quân cả nước. Đặc thù là có nhiều người dân đến làm việc, nhưng cũng phải lo cho nhiều người.
Dân số TP.HCM hiện nay chiếm 9,1% dân số cả nước (kể cả vãng lai là 9,6%), dân số ngày càng tăng nhưng đất thì không tăng, mật độ dân số rất cao. Bình quân cả nước là 280 người/km², còn TP.HCM là 4.000 người/km². Mật độ của TP.HCM gấp 15 lần cả nước và còn tăng mạnh trong những năm tới”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng chỉ ra rằng dân số gấp 15 lần, chất thải cũng gấp 15 lần, cường độ xả rác thải gấp gần 20 lần cả nước. Tỷ lệ ngân sách được trích lại ngày càng giảm, dẫn đến phát triển hạ tầng giao thông chậm. Năm 2005 mật độ giao thông TP.HCM là 1,45 km đường/1km², đến năm 2016 là 1,98 km đường/1km². Để đạt chuẩn 13km đường/1km² thì phải mất 167 năm nữa. Muốn đạt chuẩn trong 25 năm tới, tốc độ xây đường phải gấp 7 lần thời gian qua.
Ngoài ra, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, địa hình cuối sông, gần cửa biển, đất bằng phẳng, thoát nước chậm, cao độ dưới 2m chiếm 61% diện tích. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên Môi trường, TP.HCM đang lún từ 1-4cm mỗi năm. Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng lên từ 0,5-1cm/năm, sau 30 năm sẽ dâng lên 15-20cm, cộng với mặt đất sụt xuống làm hệ thống cống thoát nước tê liệt vì dưới mực nước biển và để tránh “đại hồng thuỷ”, chỉ còn cách làm đê biển, đê sông.
“Tiền đâu xây đê biển, đê sông? Dễ nhất là xin trung ương, nhưng điều này là khó. Chỉ có đi vay thôi. Vay thì ai trả? Chính chúng ta trả. TP.HCM phải đi vay và làm ra cho mình chứ không ai cho cả. Đây là thách thức vô cùng lớn mà 15 năm trước không xuất hiện”, ông Nhân nói.
Động lực giảm
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kinh tế TP.HCM năm 1996 đóng góp 16,7% và đến năm 2016 đóng góp cho ngân sách 21,6%. Cả nước, bình quân mỗi km² tạo ra 13,6 tỷ đồng, còn TP.HCM tạo ra 463 tỷ đồng, tức gấp 34 lần. TP.HCM làm 3 năm bằng cả nước làm 100 năm nhờ nhiều năm giữ được ổn định cơ cấu công nghiệp dịch vụ, thu hút vốn đầu tư xã hội rất lớn cho phát triển.
Cơ cấu công nghiệp của TP.HCM những năm qua có xu hướng giảm dần, trong khi cơ cấu dịch vụ vẫn giữ nguyên với gần 60%. Sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của TP.HCM đang tụt giảm, nếu như năm 1997 cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 38% thì hiện nay chỉ còn 15%.
“Có nhiều lý do của tình trạng tụt dốc này, trong đó có đất đai, giao thông, hạ tầng… Đầu tư nước ngoài thấp, dẫn đến xuất khẩu cũng thụt lùi. Nếu chúng ta huy động vốn, quy hoạch như vừa qua thì tắc nghẽn về giao thông còn kéo dài hàng chục năm nữa. Phải có cách gì cho đột phá giao thông. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả các đột phá. Giao thông mà không xong sẽ kéo theo ách tắc toàn diện, từ kinh tế, di chuyển và lòng dân”, ông Nhân nói.
Theo Bí thư Thành ủy, TP.HCM rất cần cơ chế đột phá vì dư địa kinh tế- xã hội vẫn còn rất lớn. Đó là nguồn lực lao động chất lượng cao hơn so với cả nước với tỷ lệ 27% có trình độ đại học. Năng suất lao động của TP.HCM cũng cao hơn cả nước. Lợi thế về số lượng doanh nghiệp (DN) của TP.HCM hiện nay cũng cao nhất nước với hơn 160 ngàn DN (cả nước có 477 ngàn DN) đóng thuế thường xuyên. Dân số TP.HCM chiếm 9,1% nhưng số DN đóng góp ngân sách chiếm tới 33,6% cả nước.
Ông Nhân cũng chỉ ra lối thoát. Đó là đất đai dành cho nông nghiệp hiện nay của TP.HCM chiếm 55%, nhưng chỉ tạo ra 0,8% GDP. Công nghiệp, dịch vụ sử dụng 6,8% đất đai nhưng tạo ra 99% GDP. Nếu TP.HCM được phép dành quỹ đất cho công nghiệp, dịch vụ lớn hơn nữa thì GDP sẽ tăng cao hơn.
Ngoài ra, TP.HCM thu hút 30% vốn của cả nước. Kiều hối năm 2016 chiếm 52% cả nước với 4 tỷ USD, lớn hơn giá trị đầu tư nước ngoài (3,6 tỷ USD). TP.HCM cần có cách khai thác nguồn lực quan trọng này.
“TP.HCM là một địa phương đứng trước các thách thức kinh tế là rất lớn. Về chi ngân sách, năm 2016 TP.HCM được giữ lại để chi là 64 nghìn tỷ đồng còn cả nước là 1 triệu 360 nghìn tỷ đồng, so với khoản đóng góp cho ngân sách thì TP.HCM chỉ được chi 4,8%. Năm 2005, TP.HCM được để lại 30%, còn bây giờ là 18%. Thực tế này không tạo nguồn lực phát triển, mà không phát triển, hoặc phát triển chậm so với tiềm năng thì nguồn đóng góp cũng sẽ giảm”, ông Nhân nói.
Theo Tiền Phong