Nhật Bản bất ngờ ủng hộ Ấn Độ
Tờ Times of India (TOI) dẫn lời Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu trong buổi trả lời báo chí hôm 17/8 bày tỏ ủng hộ New Delhi trong căng thẳng biên giới kéo dài 2 tháng qua với quốc gia láng giềng Trung Quốc ở cao nguyên Doklam.
Theo ông Kenji Hiramatsu, Nhật Bản hiểu rằng khu vực Doklam là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, đồng thời cả hai đã công nhận sự tồn tại của một cuộc tranh chấp.
Đại sứ Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại cao nguyên Doklam |
Tuy nhiên, vị Đại sứ Nhật Bản khẳng định, điều quan trọng ở các khu vực tranh chấp là các bên liên quan không được có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
“Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình hình vì nó có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn khu vực”, ông Hiramatsu khẳng định.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ cũng nhấn mạnh, Tokyo hiểu được Ấn Độ dính vào vấn đề này do có các thỏa thuận song phương với Bhutan.
Hơn nữa, Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã tuyên bố nước này sẽ tiếp tục theo đuổi đối thoại thông qua các kênh ngoại giao để tìm ra một giải pháp có thể cùng chấp nhận.
“Chúng tôi đánh giá thái độ tìm tới giải pháp hòa bình này là quan trọng”, ông Hiramatsu nói thêm.
Cùng ngày, hãng ANI News đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm Ấn Độ trong tháng 9 tới để tham dự lễ khởi công tuyến đường sắt cao tốc chạy từ thành phố Mumbai tới Ahmedabad sử dụng công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi và dự kiến giới thiệu cho New Delhi sử dụng công nghệ tàu Shinkansen trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang nỗ lực giành những hợp đồng từ các dự án đường sắt của Ấn Độ.
Trung Quốc nổi giận
Động thái trên của Nhật Bản ngay lập tức vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía chính quyền Bắc Kinh.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản không nên có những bình luận tùy tiện về cuộc đối đầu ở biên giới giữa nước này với Ấn Độ.
“Tôi thấy Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ thực sự muốn ủng hộ Ấn Độ. Tôi muốn nhắc nhở ông ấy rằng không nên có những bình luận tùy tiện trước khi làm rõ những sự thật liên quan”, bà Oánh nhấn mạnh.
Trung Quốc nổi giận trước việc Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ tuyên bố của ông Hiramatsu khi cho rằng Doklam là khu vực tranh chấp và không nước nào được thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng vũ lực.
Theo bà Oánh, khu vực Doklam không có tranh chấp lãnh thổ. Đường biên giới đã được hai bên phân định và thừa nhận.
“Nỗ lực làm thay đổi hiện trạng bằng cách đưa quân qua biên giới là ở phía Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc”, bà Oánh khẳng định.
Bà Hoa Xuân Oanh một lần nữa yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi Doklam để tạo cơ sở cho các cuộc đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa 2 nước thời gian vừa qua.
Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực cao nguyên Dokalam bắt đầu nổ ra vào tháng 6/2017. Từ đó đến nay, các bên thường xuyên đưa ra những lập luận để tố cáo hành động của đối phương.
Mới đây, hôm 15/8, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra một cuộc đụng độ ngắn ở khu vực biên giới, phía Bắc hồ Pangong ở Ladakh.
Theo đó, binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã đi vào 2 khu vực Finger 4 và Finger 5 từ khoảng 6h và 9h sáng ngày 15/8, nhưng họ nhanh chóng bị quân đội Ấn Độ chặn lại.
Các binh sĩ Trung Quốc sau khi bị chặn lại đã nhanh chóng thành lập nên một hàng dài và ném đá về phía lính Ấn Độ buộc họ phải trả đũa.
Binh sĩ hai bên đã bị chấn thương nhẹ và tình huống xung đột đã nhanh chóng được kiểm soát, binh sĩ hai bên ổn định lại đội hình và mang biểu ngữ của mình trở lại vị trí của mình.
Theo Đất Việt