Học giả hiện là Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự VHL KH Nga về vấn đề đang nóng hiện nay – vấn đề Bắc Triều Tiên. Bài đăng trên tuần báo chuyên ngành “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 18/8/2017. Ảnh trong bài là của tác giả.
Tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên làm Mỹ khiếp sợ. Ảnh: Reuters |
Tình hình quanh vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) đã thể hiện tính chất siêu hiện thực rất rõ. Ngày càng có nhiều người muốn biết tại sao nước này lại phải chịu sức ép quốc tế cứng rắn đến như vậy. Có vẻ như tất cả những tiêu chuẩn kép – vốn là nền móng của nền chính trị thế giới đương đại, ngày càng được “kết tinh” và thể hiện rõ trong vấn đề này.
Câu lạc bộ những kẻ được lựa chọn
Bình Nhưỡng phải hứng chịu sự trừng phạt vì chương trình hạt nhân của mình ư, nhưng tại sao?
Ai cũng biết là giữ bí mật một công nghệ đã có 70 năm tuổi đời là điều không thể. Tuy nhiên, không hiểu tại sao chỉ có 5 nước (các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ - HĐBALHQ) mới có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngay riêng chuyện này cũng đã là tiêu chuẩn kép rồi.
Nhưng mọi sự càng trở nên tệ hơn: hóa ra là, có thể áp dụng thành công nguyên tắc “kẻ nào dám thì kẻ đó có ăn”. Nguyên tắc này đã được (nếu như trừ Nam Phi tự nguyện giải trừ vũ khí hạt nhân) Israel, Ấn Độ và Pakistan áp dụng.
Thế nhưng tuyệt đối đã không có chuyện gì xảy ra với các nước đó, mà ngược lại, chỉ làm cho vị thế quốc tế của họ được nâng cao, và một điều cực kỳ quan trọng nữa, an ninh quân sự của họ được bảo đảm. Khả năng tấn công xâm lược một trong số các nước đó xuống thấp gần như bằng không. Tại sao CHDCNDTT lại không có quyền tham gia vào nhóm này?
Đấy không còn là tiêu chuẩn kép nữa, mà đã là tiêu chuẩn “kẹp ba”. Thậm chí cả trong trường hợp cứ cho là bỏ ngoài tai luận cứ cho rằng Israel và Ấn Độ là các nước dân chủ, thì cũng không một ai dám mạo hiểm phủ nhận mối nguy hiểm chết người của kho vũ khí tên lửa – hạt nhân của Pakistan đối với toàn thể loài người.
Nhưng không hiểu tại sao chính “những kẻ không dám” đó (phủ nhận mối nguy hiểm của kho vũ khí tên lửa – hạt nhân Pakistan”) lại không bóp nghẹt Islamabat bằng các biện pháp cấm vận, mà ngược lại, còn phỉnh nịnh, cung cấp (cho Pakistan-ND) rất nhiều tiền bạc và vũ khí.
Trong khi đó, tất cả các nước hạt nhân “mới” vừa liệt kê ở trên đều phát triển các chương trình tên lửa (trong đó, Ấn Độ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu tác chiến hạt nhân, Israel và Ấn Độ phóng các vệ tinh nhân tạo của Trái Đất), nhưng tuyệt nhiên không có ai áp dụng các biện pháp cấm vận chống lại họ, ngay cả chuyện chỉ lên tiếng đòi cấm vận cũng không.
Bình Nhưỡng bị trừng phạt vì chính chương trình tên lửa của mình? Ở đây thì tiêu chuẩn không phải là kép, không phải là kẹp ba nữa, mà nói chung là không rõ tiêu chuẩn này có bao nhiêu cách hiểu và cách áp dụng nữa. Tất cả các nước trên thế giới đều có thể thực hiện các chương trình tên lửa, kể cả tên lửa vũ trụ lẫn tên lửa quân sự, riêng chỉ mỗi mình CHDCNDTT là không được phép. Nước này đã làm cái gì sai?
Bình Nhưỡng bị trừng phạt vì chế độ toàn trị trong nước? Tại sao không ai nói điều đó? Hơn nữa, để khỏi phải áp dụng một tiêu chuẩn kép nữa, nếu vì vi phạm tất cả các quyền của công dân nước mình mà cần phải trừng phạt, thì hãy trừng phạt, ví dụ, tất cả các Vương quốc Vùng Vịnh, mà trước hết là Arập Saudi.
Cũng cần phải áp dụng các biện pháp cấm vận chống lại các nước này, trong đó có cấm bán dầu và khí đốt, cấm mua vũ khí và các đồ dùng xa xỉ. Nhưng không có ai đề xuất làm điều đó, mà ngược lại, mua dầu mỏ và khi đốt của họ (các nước đó), bán cho họ một khối lượng rất lớn vũ khí tối tân nhất và đồ xa xỉ.
Nói chung, lập luận này cũng không ổn lắm với quyền con người ở quốc gia “dám làm và được ăn” vũ khí hạt nhân là Pakistan như vừa nói ở trên, ở một nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và cả ở siêu cường mới là Trung Quốc. Nhưng không một ai mở miệng về bất cứ một biện pháp cấm vận nào đối với các nước đó.
Bình Nhưỡng bị trừng phạt vì hành động xâm lược chống Cộng hòa Triều Tiên (Nam Triều Tiên) trong năm 1950? Nhưng tại sao cũng không ai nói ra điều đó? Và liệu như vậy có là hơi quá không? Bởi vì đối với bản thân sự kiện Triều Tiên bị chia cắt thì kẻ chịu trách nhiệm phải là Matxcova và Washington, chứ không phải là người Triều Tiên.
Tình huống này còn hơn cả sự lạ lùng và khó hiểu. Tại Châu Âu thì sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quốc gia xâm lược là nước Đức bị chia thành các khu vực chiếm đóng một cách lôgich.
Nhưng còn tại Châu Á thì nước xâm lược (Nhật Bản) không hiểu sao lại được giao lại nguyên vẹn cho Mỹ, còn một trong những nạn nhân của nó (Nhật Bản) là Triều Tiên thì lại bị chia cắt làm hai miền (trong khi đó thì những nạn nhân khác của Nhật Bản như Trung Quốc, Myanma, Indonexia, Philipines và v..v... lại không bị phân chia).
Năm 1950, không miền nào của Triều Tiên là thành viên Liên Hợp Quốc, miền nào cũng coi phần còn lại của Triều Tiên “là một bộ phận của mình”, chính vì vậy mà quả thực sẽ là rất phức tạp khi phải bàn về chuyện ai xâm lược ai trong trường hợp này nếu xét từ góc độ pháp lý. Nhưng giả dụ cứ cho là nếu xét từ mặt hình thức thì CHDCNDTT quả thực đã là kẻ xâm lược.
Chuyện này đã xảy ra từ 67 năm trước đây, còn từ đó đến nay nước này không hề tấn công ai.
Và trong cuộc xâm lược từ 67 năm trước (cứ cho là như vậy) thì Bắc Triều Tiên cũng đã không đạt được mục tiêu của mình. Vấn đề nằm ở đâu? Nếu thế thì để tránh phải áp dụng thêm một số các tiêu chuẩn kép (tiêu chuẩn kẹp ba, thậm chí còn hơn nữa) chúng ta lại hãy tiếp tục trừng phạt nước Đức, nước Ý, nước Nhật vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi.
Hay là hãy tiếp tục trừng phạt Israel và các nước A rập láng giềng – vì rất nhiều các cuộc xâm lược lẫn nhau của họ trong những năm 1948 -1982. Và Iraq – vì cuộc xâm lược chống Iran năm 1980 và Kuwait năm 1990.
Nam Phi – vì nhiều cuộc tấn công xâm lược chống các nước láng giềng Châu Phi trong những năm 1970- 1980 thế kỷ XX (kể cả tại Iraq và Nam Phi từ đó đến giờ chế độ chính trị đã thay đổi?). Somalia – vì cuộc xâm lược chống Etiophia năm 1977 (kể cả Somalia bây giờ chỉ còn tồn tại trên giấy?); Salvador – vì chiến tranh xâm lược Gonduras năm 1969.
Trung Quốc – vì các cuộc xâm lược chống Ấn Độ, Liên Xô và Việt Nam trong những năm từ 1962 đến 1979. Và tất nhiên, chúng ta sẽ không quên (trừng phạt) nước Mỹ, nước từ năm 1945 đến nay đã tiến hành số các cuộc xâm lược còn nhiều hơn tổng số các cuộc xâm lược mà các nước còn lại trên thế giới đã tiến hành. Hay là tất cả các nước muốn làm gì cũng được, chỉ riêng CHDCNDTT thì không ?
Tìm mọi cách bẻ gãy tinh thần dân tộc
Từ tất cả những gì vừa liệt kê ở trên, chúng ta có cảm giác là CHDCNDTT bị trừng phạt vì đã lựa chọn con đường phát triển riêng của mình (dù con đường đó có nguy hiểm hàng trăm lần đi nữa, nhưng đó vẫn là sự lựa chọn của họ), chứ không phải vì bất cứ một cái gì khác: một đất nước nhỏ bé như vậy không dược phép tự chủ.
Tính tự chủ của Bình Nhưỡng đã trở nên tuyệt đối không thể chấp nhận được không chỉ đối với Washington (trong trường hợp này không cần phải giải thích ), mà đối với cả Bắc Kinh.
Đối với Bắc Kinh, CHDCNDTT chỉ đáng được quan tâm với tư cách là một vùng đệm và chỉ khi là một bù nhìn câm lặng. Chính vì thế mà trong những năm trở lại đây quan hệ giữa Trung Quốc và CHDCNDTT ngày càng xấu đi nhanh chóng.
Bắc Kinh gần như đã công khai thành lập trên lãnh thổ nước mình các cơ quan quyền lực và Quân đội Bắc Triều Tiên “thay thế” (hiểu nôm na là lưu vong –ND ) với thành phần là những kẻ đào tẩu từ CHDCNDTT.
Trên thực tế, hiện nay đã có một âm mưu cấu kết giữa Washington và Bắc Kinh nhằm lật đổ chế độ Bình Nhưỡng bằng cách làm sụp đổ nền kinh tế của Bắc Triều Tiên (bởi vì nếu liều lĩnh can thiệp quân sự trực tiếp vào CHDCNDTT thì kể cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ đều phải trả một giá đắt không thể hình dung được, xét từ bất cứ góc độ nào cũng vậy).
Nhưng cùng với đó, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều hy vọng là sau này sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát hoàn toàn Bắc Triều Tiên. Có nghĩa là, sau khi lật đổ Kim Jong-un , các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc sẽ mâu thuẫn nhau, còn cho đến thời điểm đó thì chúng (các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc) vẫn đang trùng hợp nhau.
Lập trường của Matxcơva trong vấn đề này đang cũng dần thay đổi, nhưng rất tiếc, lại từ thờ ơ một cách đáng thất vọng và thiển cận đến chỗ bất nhã công khai.
Nga là đất nước duy nhất trong số những nước lôi kéo vào cuộc xung đột liên Triều quan tâm (ủng hộ) đến việc thống nhất Triều Tiên (điều mà cả hai miền Triều Tiên đều hướng đến).
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản muốn Triều Tiên tiếp tục bị chia cắt. Nước Nga là nước lớn duy nhất có khả năng đứng ra làm trung gian giữa các miền Triều Tiên trong các cuộc đàm phán thống nhất đất nước vì có mối quan hệ tốt cả với Bình Nhưỡng lẫn Seuol.
Nhưng hỡi ôi, Matxcơva thậm chí còn không nghĩ cách tận dụng khả năng đó, và cho rằng vấn đề Triều Tiên là vấn đề ngoại vi và không liên quan nhiều đến mình. Đó vừa là sự dửng dưng đáng khóc, và còn là sự thiển cận chính trị ở mức độ xưa nay chưa từng có, nếu như tính tới vai trò cực kỳ quan trọng của vấn đề Triều Tiên đối với tình hình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, và cả thế giới nói chung.
Một nước Triều Tiên thống nhất sẽ có thể trở thành một siêu cường hoàn chỉnh–một siêu cường mà chúng ta (Nga) có thể yên tâm xác định là một đồng minh gần gũi nhất và mạnh nhất của mình xét từ tất cả các góc độ.
Nhưng, rất đáng tiếc, tại Matxcơva, có vẻ như có không ai (ngoài một số nhà khoa học mà quan điểm của họ thường không có ai thèm nghe) có khả năng ngộ ra được điều đó.
Còn lập trường của Nga trở nên không đẹp sau hai lần bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cấm vận chống CHDCNDTT (trong năm ngoái và năm nay).
Tuyệt đối không được phép bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết đó đơn giản chỉ bởi vì tự Nga cũng đang trong tình trạng bị áp đặt các biện pháp cấm vận bất hợp pháp. Và Matxcơva cũng thường xuyên tuyên bố rằng mọi biện pháp cấm vận đều phản xây dựng.
Đối với vấn đề Triều Tiên thì lập luận trên lại càng đúng, chỉ không hiểu tại sao trong trường hợp này Matxcơva lại quên các tuyên bố của chính mình. Điều đó thấy rất rõ trong trường hợp bỏ phiếu hồi tháng 8 năm nay.
Mỹ vừa mới áp dụng “một gói” các biện pháp trừng phạt chống Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Và ngay sau đó thì chúng ta (Nga) lại cùng với Mỹ biểu quyết ủng hộ các biện pháp cấm vận chống CHDCNDTT!!! Không thể sử dụng có bất kỳ một từ nào khác, ngoài từ “khiếm nhã” (cũng có những từ khác nặng hơn nhưng thường không được đưa lên mặt báo –TG) trong trường hợp này.
Lẽ ra phải rút ra từ tất cả những biện pháp cấm vận gần đây nhất của Mỹ một kết luận duy nhất: Cho đến khi tất cả các biện pháp cấm vận của Mỹ được tự động hủy bỏ.
Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình tại HĐBALHQ mà không cần phải tham khảo với bất kỳ ai đối với bất cứ biện pháp cấm vận (trừng phạt) nào chống Iran và Bắc Triều Tiên (nếu như những nước này không tiến hành các cuộc xâm lược trực tiếp phi pháp chống lại các nước khác).
Một đất nước có chủ quyền và có lòng tự trọng thì không có quyền xử sự khác được, điều này thì ngay cả đến học sinh phổ thông cũng phải biết.
Có lẽ, trong trường hợp này Matxcơva đã hành động như đã làm để “giãi bày” không phải trước Washington, mà là trước Bắc Kinh. Như đã nói ở trên, các mục tiêu của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng hiện tại cũng giống như các mục tiêu của Washington.
Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng giữa Matxcơva và Bắc Kinh có một thỏa thuận không được công bố nào đó về việc Trung Quốc sẽ không gây khó cho Nga ở Châu Âu và ở Trung Đông, còn Nga sẽ không cản trở Trung Quốc hành động ở Viễn Đông.
Và đây, Matxcơva đã thực hiện thỏa thuận trên với một sự nhất quán và cẩn thận đáng khuyến khích. Tuy nhiên, dù có như vậy thì sự “bất nhã” của Matxcơva cũng không thể giấu đi đâu được.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp không tính tới các biện pháp trừng phạt thì chúng ta (Nga) cũng có những lợi ích của mình tại Triều Tiên và những lợi ích này hoàn toàn không trùng hợp với những lợi ích của Trung Quốc, thêm nữa, những lợi ích đó rất quan trọng. Rất muốn (lãnh đạo Nga) nhớ đến những lợi ích trên được.
Do có những biện pháp trừng phạt, như những gì đã nói ở trên, chúng ta không thể tiếp tục ngu ngốc thực hiện thỏa thuận nói trên (với Trung Quốc), kể cả trong trường hợp nó (thỏa thuận đó) là có thật, là tồn tại trên thực tế.
Đặc biệt, nếu tính tới việc Trung Quốc cho đến thời điểm này đã không hề làm một điều gì đáng giá cho chúng ta, dù chúng ta đã rất cố gắng để đưa Bắc Kinh vào hàng ngũ “các đối tác chiến lược” và đi khoe với toàn thế giới cái gọi là “quan hệ đối tác chiến lược” hoang tưởng đó.
Đấy, Trung Quốc lại vừa mới theo thói quen và vui vẻ “xỏ mũi” chúng ta một lần nữa. Cụ thể: Matxcơva vừa mới hỉ hả coi sự tham gia của các tàu chiến Trung Quốc trong các cuộc tập trận chung ở Baltic (có nghĩa là tại khu vực ngay trên “đầu NATO”), và sau đó trong cuộc duyệt binh chào mừng Ngày Hải quân Nga tại Kronshtadt (Sant Peterburg) là “khúc khải hoàn ca” chính trị của mình. Nhưng sau đó, các tàu Trung Quốc đã ngay lập tức có các chuyến thăm hữu nghị, đầu tiên là vào Helsinki trung lập, và sau đó là Riga của NATO.
Để các nước láng giềng của Nga không phải nghi ngờ gì–(để chứng minh rằng) đã và sẽ không có bất kỳ một liên minh nào giữa Bắc Kinh và Matxcơva chống lại họ (NATO), Bắc Kinh cũng yêu người Châu Âu không kém gì người Nga. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh phải yêu chính mình hơn cả.
Theo giới phân tích, Nga ở vị thế có thể đóng vai trò mang tính xây dựng giúp giảm căng thẳng |
Không được phép lặp lại sai lầm chính trị một lần nữa
Có thể tự vỗ vào ngực mình rất lâu, kể lể cho chính bản thân mình và cả thế giới còn lại về việc chúng ta bây giờ đã mạnh, đã có chủ quyền và đã đứng thẳng. Có thể thậm chí đạt được những thành tích đối ngoại và quân sự hoàn toàn thực tế. Nhưng tất cả những cái đó (thành tựu) có thể bị sổ toẹt chỉ bằng một sai lầm chính trị ngu ngốc.
Đó chính là sai lầm mà Matxcơva vừa mắc phải (và đừng có hy vọng là người ta không nhận ra cái sai lầm đó – tất cả đều nhận thấy, ngay lập tức và với sự hài long “sâu sắc”). Việc Nga bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên là một hành động vô đạo đức: chính chúng ta đã áp dụng những tiêu chuẩn kép (điều mà chúng ta thường xuyên lên án Phương Tây – và làm như vậy (lên án) là đúng).
Nhưng lần bỏ phiếu thông qua này cũng vẫn là một sai lầm không kém phần nghiêm trọng trong cả trường hợp, nếu suy nghĩ theo khuôn khổ một nền chính trị thực dụng thô thiển và trơ tráo, tức một kiểu chính trị mà mọi đạo đức đều là một khái niệm xa lạ, trong khi việc áp dụng tiêu chuẩn kép lại là một chuẩn mực.
Ngay trong khuôn khổ kiểu tư duy chính trị thực dụng thì (hành động bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cấm vận vừa rồi–ND) nước Nga cũng đã cho thấy sự yếu kém, hoàn toàn không quan trọng là trước ai–Washington hay Bắc Kinh, hay là cả hai.
Sự hèn trong bất kỳ trường hợp nào cũng vẫn là hèn, dù sau đó có vỗ ngực và kể về sức mạnh và sự tự chủ của mình nhiều đến mấy đi nữa.
Sự biết ơn của Trump đối với Nga và Trung Quốc vì đã bỏ phiếu (ủng hộ cấm vận BTT) tại HĐBALHQ trong tình huống hiện nay có thể được coi là sự sỉ nhục nặng nề nhất đối với Nga (còn Trung Quốc nghĩ gì về vấn đề này–đó là việc của họ).
Có vẻ như chúng ta xứng đáng với điều đó (sự sỉ nhục). Rất muốn biết, khi nào thì Điện Kremlin mới chịu hiểu một cách dứt khoát rằng chúng ta sẽ sẽ không bao giờ có được bất kỳ một sự thỏa hiệp nào với Phương Tây và dù chúng ta có nhượng bộ đến đâu chăng nữa thì Phương Tây cũng sẽ không bao giờ nhún nhường và sẽ tìm mọi cách buộc chúng ta (Nga) phải đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện trong tất cả mọi vấn đề?
Và rằng, chúng ta càng nhượng bộ, Phương Tây sẽ càng cứng rắn và “quyết liệt” hơn, đòi chúng ta phải đầu hàng? Còn cần phải có thêm điều gì đó nữa xảy ra để tất cả mọi ảo tưởng về vấn đề này cuối cùng mới không còn tồn tại?
Còn phải giải thích đến như thế nào nữa để hiểu rằng Phương Tây sẽ không bao giờ chấp nhận chúng ta vào “cộng đồng Phương Tây”, trong bất cứ hoàn cảnh nào và dưới bất kỳ hình thức nào? Và khuyến cáo là dù sao cũng phải thể hiện chủ quyền một cách thực sự và ngẩng cao đầu, không phải trên những lời nói, mà là bằng các việc làm thực tế.
Theo Đất Việt