|
Tàu dài 18m, công suất 660 mã lực, được thiết kế màu vàng - trắng, với sức chứa tối đa 80 hành khách. Đây là một trong năm tàu được đóng cho tuyến buýt sông này (gồm bốn tàu hoạt động và một tàu dự bị).
|
Hai hàng ghế nhựa được bố trí trong phòng khách. Hai bên hông tàu có lịch trình 12 bến. Đèn tín hiệu sẽ nhấp nháy khi tới bến.
|
Dưới ghế ngồi được trang bị áo phao để phòng trường hợp xảy ra sự cố.
|
"Các trang thiết bị trong khoang lái đều hiện đại nên việc vận hành tàu khá thuận tiện", thuyền trưởng Trịnh Công Sơn, người có 8 năm kinh nghiệm lái tàu, nói. Cũng theo ông Sơn, trên tàu có 5 nhân viên phục vụ hành khách và điều hành tàu.
|
Các cửa kính được thiết kế rộng, giúp hành khách có thể ngắm cảnh hai bên bờ sông trong lúc di chuyển.
|
Quầy bar được bố trí phía cuối tàu. "Tại quầy bar sẽ trưng bày các loại đồ ăn, thức uống để phục vụ du khách", anh Nghĩa, nhân viên trên tàu nói.
|
Các cửa trên tàu là cửa lùa để giúp hành khách sử dụng thuận tiện khi ra vào, vừa tiết kiệm diện tích.
|
Hệ thống chuông báo cháy.
|
Trên mái tàu đặt hai bè cứu hộ lớn để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.
|
Hệ thống đèn pha, đèn hành trình phục vụ cho việc di chuyển của tàu buýt. Toàn bộ phương tiện trên tàu đều có số đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm.
|
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án) cho biết tuyến buýt sông sẽ chạy thử nghiệm trong thời gian một tháng. "Dự kiến tháng 10, tàu sẽ phục vụ khách. Theo tính toán, với khoảng cách gần 11km, thời gian di chuyển là 30 phút mỗi chuyến. Giá vé mỗi lượt đi là 15.000 đồng một người", ông Toản nói.
|
Lộ trình của tàu buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức) đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tàu chở khách theo lộ trình và giờ cố định, đồng thời đón khách ở 7 trạm dừng như xe buýt đường bộ.
Ngoài tuyến buýt đường sông số 1, đơn vị đầu tư đang nghiên cứu xây dựng tuyến số 2 từ Bạch Đằng đi Lò Gốm với chiều dài 10,3km.
Theo VNE