|
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp tại Nhà Trắng hồi tháng 1-2017. Bên cạnh ông Trump từ trái sang là Reince Priebus, Mike Pence, Steve Bannon (đứng sau), Sean Spicer và Michael Flynn - Ảnh: Reuters |
Những ngày qua, tấm ảnh chụp cảnh ông Trump thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin tại Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay trở thành tâm điểm dư luận.
Bức ảnh ấy có ông Trump, chánh văn phòng Reince Priebus, Phó Tổng thống Mike Pence, thư ký báo chí Sean Spicer, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và chiến lược gia trưởng Steve Bannon.
Hơn 6 tháng sau, giờ đây, đội hình này ngoài ông Trump chỉ còn duy nhất ông Pence ở lại.
Sa thải ông Bannon là tất yếu
Quyết định sa thải ông Bannon được đưa ra ngày 18-8 là một “quả bom” thực sự. Nó được dự báo trước, nhưng diễn ra một cách ồn ào trên mức cần thiết.
Tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm 2016, ông Bannon được xem là đồng minh thân cận nhất của ông Trump.
Tuy nhiên, khi bước vào Nhà Trắng, ông Bannon lại bị coi là kẻ gây chia rẽ, xáo trộn với quan điểm nghiêng hẳn về dân da trắng, bảo thủ.
Ông Bannon cũng có quá nhiều kẻ thù nội bộ, từ chánh văn phòng Priebus trước kia cho tới con gái Ivanka và con rể Jared Kushner - cố vấn cấp cao của ông Trump.
Vào cái ngày lệnh hạn chế nhập cư Mỹ áp lên 6 nước Hồi giáo bị ngăn cản, giới quan sát Mỹ đã mơ hồ đoán định kết cục của ông Bannon - người đứng sau quyết định ấy.
Đỉnh điểm là vụ va chạm có chết người giữa hai phe biểu tình “thượng tôn da trắng” và phe chống biểu tình nổ ra ở Charlottesville, đã có một cuộc vận động đòi cho ông Bannon thôi việc.
Hứa hẹn kịch tính
Toàn bộ câu chuyện trên diễn tả một bối cảnh dễ hình dung: ông Trump và ông Bannon xuất hiện hiềm khích và không thể làm việc chung.
Nhưng lạ ở chỗ sau khi “chia tay”, hai người này dành những lời lẽ tốt đẹp cho nhau. Đáp lại lời cảm ơn của ông Trump trên Twitter, ông Bannon đính chính những phát biểu có vẻ giận dữ của mình trước đó.
Hôm 18-8, báo chí giật tít nói ông Bannon khẳng định “nhiệm kỳ Tổng thống của Trump đã chấm dứt”, và ông Bannon sẽ “khởi động một cuộc chiến, với vũ khí đã trở về bên tay”.
Nhưng trả lời Bloomberg một ngày sau, ông Bannon nói: “Nếu có nhầm lẫn gì ở đây, để tôi làm rõ: Tôi sẽ rời Nhà Trắng và sẽ chiến đấu vì ông Trump để chống lại đối thủ của ông ấy - ở Đồi Capitol, trong lĩnh vực truyền thông, và nước Mỹ”.
Gần như ngay lập tức, ông Bannon đã trở về dự buổi họp của trang tin cực hữu Breitbart mà mình đứng đầu.
Breitbart chắc chắn sẽ là đối thủ của những đầu báo lớn đang chống đối ông Trump ở Mỹ. Chưa ai biết ông Bannon sẽ “không chịu giữ im lặng” về điều gì như tuyên bố của mình.
Nhưng nhiều ý kiến đã xuất hiện cho rằng việc ông rời Nhà Trắng sẽ giúp cựu chiến lược gia trưởng này hữu ích hơn cho ông Trump, vì giờ đây ông được hoạt động tự do hơn.
Trong một phân tích đáng chú ý ngày 18-8, trang Vox mô tả rằng cả ông Bannon và ông Trump đều thực hiện một chiến lược rõ ràng để vượt mặt phe Dân chủ.
Họ cố gắng đẩy mâu thuẫn sắc tộc lên đỉnh điểm để đánh lạc hướng phe Dân chủ - những người vẫn nỗ lực lao vào việc chỉ trích thái độ của ông Trump với các nhóm cực đoan da trắng.
Từ đó, liên minh Bannon - Trump sẽ an tâm lo về “nền kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc”, như chính ông Bannon tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với trang American Prospect.
Chưa ai biết ông Bannon có xài tiếp chiến thuật cũ hay không. Nhưng màn chia ly này hứa hẹn một Nhà Trắng hoàn toàn tươi mới và khai mào một cuộc chiến mới còn chờ đợi phía trước.
Không thể là người hùng Không một ai trong chính quyền Tổng thống Donald Trump được xuất hiện như một người hùng của công chúng cả. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley từng bị nhắc nhở với các tuyên bố về Syria. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey bị sa thải vì lên báo đài nói quá nhiều. Hồi tháng 2 năm nay, ông Bannon lên bìa tạp chí Time với tên gọi “Kẻ thao túng vĩ đại” và đây là một dấu hiệu không mấy tốt đẹp cho tương lai của chiếc ghế chiến lược gia trưởng. |
Theo TTO