Tờ Die Presse của Áo cho rằng, biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại trong việc không thể dẫn đến sự thay đổi chính sách ở Nga.
Đối với công dân Nga, uy tín của nhà nước hóa ra quan trọng hơn so với mức sống, và "cuộc chiến đang chờ đợi giữa tivi và tủ lạnh" đã không xảy ra. Trái lại, người dân Nga nhìn thấy chất lượng sản phẩm nội địa tăng lên, và tin rằng chính phương Tây chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt mà họ tự đưa ra.
Tờ báo lưu ý, mức hài lòng của người dân với sản phẩm Made in Russia (Sản xuất tại Nga) đang gia tăng. Xu hướng này thể hiện rõ trong các sản phẩm thịt và sữa.
Người dân Nga đã thích nghi với điều kiện mới. Ảnh: Reuters |
Nền kinh tế Nga đang hồi phục, Die Presse nhận xét. Dù sao đi chăng nữa Nga đã có thể thích nghi với điều kiện mới, và sự thay đổi của quá trình chính trị đã không xảy ra, tờ báo kết luận.
Hiện giờ, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể làm phức tạp thêm trong việc hợp tác.
"Với lệnh trừng phạt, có thể sống, nhưng không thể phát triển", một nhà kinh tế Nga nhận xét.
Trong khi đó, Sputnik dẫn lời ông Dietmar Bartsch, Chủ tịch phe Đảng cánh tả trong Quốc hội Đức cho hay, một người biết nước Nga tin tưởng chắc chắn rằng khi phải viện tới chính sách trừng phạt, thì không thể đạt được bất cứ điều gì.
"Tôi nghĩ chính sách của chính phủ liên bang là sai lầm khi dự tính thông qua biện pháp trừng phạt có thể đạt được một cái gì đó. Đó là vô lý. Người nào biết sự kiện lịch sử nước Nga trong Thế chiến II, hàng triệu người dân ở đó chết vì đói và khát, thì người đó không thể nghiêm túc nghĩ rằng những hình phạt ngu ngốc này có thể buộc nước Nga phải quỳ gối", ông Bartsch nói, trả lời câu hỏi từ cuộc phỏng vấn của nhà văn Vladimir Kaminer, được công bố trên trang trực tuyến của tờ báo Bild.
Trước đó, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tuyên bố, các biện pháp chế tài của châu Âu và Mỹ đối với Nga thực hiện chức năng "chỉ là điều kiện cho có".
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng kết luận, nền kinh tế Nga đã đối phó tốt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm.
Báo này dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho biết, trong quý II năm nay, chỉ tiêu kinh tế tăng 2,5% so với năm vừa qua. Đây là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ quý III năm 2012.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, những con số này chứng tỏ sự bình ổn hóa tình hình kinh tế trong nước.
Hồi tháng 6 năm nay, tại chương trình đối thoại kéo dài 4 giờ đồng hồ, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định kinh tế Nga đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ khiến nước này mạnh mẽ hơn.
Người đứng đầu nước Nga cho biết, thời gian qua Nga đã huy động trí tuệ tập thể, kết nối “những bộ não, những người có tài”, tập trung vào đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, để khắc phục hậu quả cấm vận.
Theo ông Putin, cấm vận thậm chí giúp nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Ngược lại, ông cảnh báo về những biện pháp trừng phạt “vô tận” của phương Tây có thể là con dao hai lưỡi, cho rằng những nước áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga bị hứng chịu nhiều thiệt hại hơn.
Theo Tổng thống Putin, Matxcơva chỉ thiệt hại khoảng 50 - 52 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi đó những nước áp đặt bị thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.
Theo Đất Việt