Bất cập tại các trạm BOT: Dân phản ứng thì hỏa tốc miễn giảm

Thứ bảy, 19/08/2017, 11:08
Không phải đến khi tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm Cai Lậy (Tiền Giang), “quả bom” Cai Lậy mới nổ ra, mà trước đó nhiều trạm thu phí BOT trên toàn quốc khi hoạt động đã gặp phản ứng từ người dân.

Trạm BOT Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) từng bị người dân phản ứng khi mới hoạt động tháng 8-2016, ngay sau đó chủ đầu tư đã giảm 20% phí cho người dân trong địa bàn

Lý do là người dân không nhận được tham vấn cộng đồng về dự án.

Để hài hòa quyền lợi giữa các bên, nhiều chủ đầu tư BOT đã nhanh chóng tìm cách giảm phí qua trạm, thậm chí có nơi như ở Biên Hòa, Tổng cục Đường bộ VN còn gửi công văn “hỏa tốc” đề nghị địa phương xác nhận để có phương án giảm phí.

“Nếu hỏi, chúng tôi 
đã phản đối”

Liên quan đến việc trạm thu phí tuyến tránh TP.Biên Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đặt không đúng chỗ khiến giới tài xế phản ứng trong một thời gian dài, chiều 18-8 ông Trần Phước Anh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai - cho rằng: “Khi đặt trạm, các cơ quan chức năng không tham vấn ý kiến. Khi ấy nếu họ hỏi thì hiệp hội chúng tôi đã phản đối vị trí đặt trạm”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga - chủ tịch HĐND huyện Trảng Bom - cũng xác nhận: “Khi đặt trạm thu phí họ không tham vấn ý kiến cộng đồng người dân ở quanh vị trí đặt trạm nên mới xảy ra sự phản ứng của dân”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mạnh - chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), huyện không hề được hỏi ý kiến về việc nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bắc Hải Vân (đã ngưng thu phí trước đó) để thu phí cho dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, do vậy khi trạm này vào hoạt động, lập tức người dân thị trấn Lăng Cô đã phản ứng dữ dội.

Hay như ngay khi đưa vào khai thác (1-6-2017), trạm thu phí Sóc Trăng cũng đã gặp phải sự phản ứng vì đặt sai chỗ. Rất nhiều doanh nghiệp vận tải khi được hỏi “có nhận được sự tham vấn cộng đồng về dự án không?” thì đều lắc đầu.

Hỏa tốc xác nhận… miễn, giảm

Theo đại diện Sở GTVT Đồng Nai, trước những bất hợp lý về trạm thu phí của tuyến tránh TP.Biên Hòa, từ tháng 6-2017 tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị gửi Bộ GTVT xem xét giảm giá thu phí, như giảm giá cho các hộ dân sống quanh trạm.

“Đến chiều 
18-8, địa phương đã nhận được văn bản hỏa tốc của Tổng cục Đường bộ đề nghị xác nhận miễn, giảm mức thu phí cho các hộ dân quanh trạm thu phí TP.Biên Hòa theo hướng địa phương xác nhận và gửi nhanh danh sách đề nghị miễn, giảm phí do nhà đầu tư cung cấp” - vị đại diện Sở GTVT Đồng Nai cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khang, tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, cho biết: qua rà soát thấy vẫn còn một số bất cập trong thu phí tại trạm thu phí T1 và T2 (đặt trên quốc lộ 91) nên ngày 17-8 đơn vị đã chính thức miễn giảm 100% phí cho 284 phương tiện của ba địa phương Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang không di chuyển hoặc di chuyển đoạn ngắn trên quốc lộ 91.

“Việc miễn giảm 100% phí cho một số phương tiện đã thể hiện tinh thần cầu thị, biết lắng nghe của nhà đầu tư” - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân nói. Còn ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đang cùng Bộ GTVT tính toán lại việc thu phí tại các trạm BOT trên địa bàn.

Theo ông Phương, có thể sẽ xây thêm một trạm để thu phí riêng cho hai hầm Phước Tượng - Phú Gia, còn trạm Bắc Hải Vân (đang sử dụng để thu phí cho hai hầm Phước Tượng - Phú Gia) sẽ dùng để thu phí hầm Hải Vân 2 đang thi công chứ không thể thu chồng chéo như hiện tại.

Sẽ phạt nếu để xảy ra kẹt xe 
ở trạm Cai Lậy

Chiều 18-8, ông Nguyễn Văn Bảy - chánh thanh tra Sở GTVT Tiền Giang - nói: “Nếu nhà đầu tư để kẹt xe ở trạm mà không biết lý do gì thì sẽ bị xử phạt. Còn khi xả cửa mà tài xế không thực hiện thì công an sẽ xử lý”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hiệp - giám đốc trạm BOT Cai Lậy - cho biết chưa thể xác định được ngày thu phí trở lại. Hiện trạm sẽ soạn thảo quy chế thu phí để phát cho tài xế. “Ví dụ khi tài xế đưa tiền lẻ thì sau 30 giây xe phải rời khỏi buồng thu phí để di chuyển vào làn chờ. Sau khi kiểm đếm tiền xong sẽ cho tài xế đi”.

Chấp nhận nếu nhà đầu tư kiện

Chiều 18-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vẫn một mực khẳng định: “Bộ không thể mua lại trạm Cai Lậy được vì không đủ kinh phí. Trong trường hợp Chính phủ, Quốc hội có cơ chế tài chính khác đặc thù đột xuất thì việc mua lại trạm hay không còn phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thấu đáo”.

Phản hồi trước việc nhà đầu tư trạm Cai Lậy “dọa” sẽ kiện Bộ GTVT ra tòa nếu bộ này buộc di dời hoặc loại bỏ trạm, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng kiêm người phát ngôn Bộ GTVT, nói: “Đó là việc bộ không mong muốn nhưng có thì phải chấp nhận”.

Được biết, trong một vụ việc khác, hiện Bộ GTVT cũng đang tính tới phương án theo kiện với nhà đầu tư trạm thu phí Tào Xuyên (TP Thanh Hóa). Trước đó, từ ngày 10-8-2017, trạm Tào Xuyên đã bị dừng thu phí. Bộ GTVT đưa ra quyết định này sau khi các bộ liên quan không thống nhất được việc giảm lùi số năm tạo lợi nhuận của dự án.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích