Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: Nói ăn gian chữ đường là sự xúc phạm

Thứ bảy, 19/08/2017, 19:44
Mối quan hệ giữa nhà máy với nông dân như môi với răng. Nói doanh nghiệp ăn gian chữ đường là một sự xúc phạm đối với ngành mía đường trong nước.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) khẳng định như thế khi nói về mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao năng suất mía đường.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC

PV: Giá thành sản xuất mía của TTC hiện nay ra sao?

Ông Đặng VănThành: Chúng tôi đầu tư 2 nhóm: Vừa cho nông dân vừa tự tổ chức các nông trường lớn. Với các nông trường, chi phí sản xuất khoảng 500.000 đồng/tấn mía nguyên liệu. Với bà con nông dân chưa liên kết, do cách thức canh tác truyền thống và nhỏ lẻ, chi phí canh tác so năng suất bình quân hiện nay vẫn còn cao.

Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, giá thành đường còn khoảng 10.500 đồng/kg, TTC tiết giảm chi phí sản xuất thế nào để đạt mục tiêu đó?

Để cạnh tranh bền vững bắt buộc phải nghĩ tới việc giảm giá thành sản xuất đường, phải giảm chi phí nguyên liệu và gia tăng hiệu quả trong quá trình sản xuất chế biến. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ nâng năng suất mía bình quân trên 7,5 tấn/ha. Chi phí mía từ nhà máy được tiết giảm được qua từng khâu để chi phí sản xuất mía bằng chi phí của Thái Lan.

Vùng nguyên liệu mía của TTC tại Long Thành (Đồng Nai)

Máy móc sẽ thu hoạch thay cho sức lao động, đồng thời tiết giảm chi phí vận chuyển. Máy cày lớn trên 200 mã lực, cày sâu 5 – 6 tấc giúp phát huy dinh dưỡng từ đất, giúp cây mía sinh trưởng tốt, rễ bám sâu chống đổ ngã. Phương pháp bón phân phù hợp yêu cầu theo từng giai đoạn cũng giúp tiết giảm giá thành.

Cùng với, năng suất có thể tăng ở mức 30 tấn/ha so với mô hình canh tác cổ điển trước đây. Phương pháp tưới mía đang áp dụng tại các mô hình liên kết với nông dân ở Tây Ninh, Gia Lai cũng cho lại hiệu quả tốt, tăng gấp đôi, gấp 3 lần so cách thức bà con tự tổ chức.

Quan điểm “nhà máy có lãi nông dân có lời” mà TTC thường nói được hiểu thế nào?

Tiết giảm chi phí trong khâu sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo được mục tiêu nhà máy có lãi, nông dân có lời. Giảm giá mía không có nghĩa chỉ tập trung cho một khâu mà phải làm sao giúp bà con đạt năng suất cao hơn với chi phí bỏ ra thấp hơn trên một đơn vị diện tích.

Vùng trồng mía phải liên kết trên cánh đồng mẫu lớn

Cụ thể, thay vì trước đây trồng mía tơ với chi phí 40 triệu đồng/ha thì sẽ kéo giảm xuống còn 30 – 35 triệu đồng/ha. Thu hoạch mía bằng thủ công, lúc cao điểm có thể tốn 200.000 đồng/tấn thì chúng tôi thu hoạch bằng máy chỉ tốn 120.000 – 140.000 đồng/tấn. Như thế sẽ giảm được chi phí cấu thành cho nông dân.

Chúng tôi coi các hộ đầu tư là đối tác, là khách hàng để phục vụ. Mối quan hệ này hài hòa lợi ích giữa hai bên. Trong cơ cấu sản xuất, công ty tập trung quy hoạch giống mía phù hợp; quy hoạch cả thời gian trồng để mùa vụ thu hoạch được bố trí hợp lý. Như vậy sẽ tối ưu được thời gian thu hoạch ở giai đoạn sinh trưởng giữa các vùng nguyên liệu.

Chữ đường tại các vùng nguyên liệu mía của TTC?

Chữ đường phụ thuộc thổ nhưỡng và chênh lệch nhiệt độ. Tuy nhiên kỹ thuật canh tác cũng góp phần làm gia tăng chữ đường. Chữ đường của TTC hiện trên 10 CCS, cao hơn so trung bình nhiều vùng.

Áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng

Nhiều ý kiến cho rằng vẫn có việc nhà máy ăn gian chữ đường của nông dân?

Có thể thông tin không kết hợp đủ hai chiều nên mới có chuyện cân đo chữ đường không trung thực. Tôi cho rằng đây là đánh giá hết sức xúc phạm tới ngành mía đường trong nước.

Mối quan hệ giữa nông dân và nhà máy như môi với răng. Trong nỗ lực chung nâng cao năng suất và tỷ lệ phân chia, tôi nghĩ rằng đã là doanh nghiệp không thể làm chuyện đó.

Hiệp hội mía đường hoặc cơ quan nhà nước có thể lập đơn vị để kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả phí kiểm tra. Vì trách nhiệm chung với ngành đường. “Một con sâu làm rầu nồi canh”, nếu có, không được phép tồn tại.

GS Võ Tòng Xuân.

Năng suất trong nước tuy có thể đạt 85 tấn/ha nhưng chữ đường bình quân cả nước còn thấp. Một số nhà máy chế biến đường cũng chưa đạt hiệu quả cao. Đường của Thái nhập lậu vào chỉ khoảng 8.000 đồng/kg trong khi giá đường của chúng ta ra khỏi nhà máy đã 12.600 đồng/kg. Giá thành sản xuất mía hiện nay tại Braxil khoảng 16 USD, Úc khoảng 18 USD, Thái Lan khoảng 30 USD, tại Việt Nam khoảng trên 40 USD.

Phương pháp canh tác, cụ thể là việc bón phân vô tội vạ của một số nông dân cũng là nguyên nhân làm tăng giá thành. Nông dân chỉ nhìn thấy bên ngoài cây mía mà không thấy cái bên trong. Nhiều người cứ nghĩ cây mía lên xanh tốt mà sao NMĐ đo chữ đường quá thấp trong khi máy móc đo đều theo tiêu chuẩn.

Về nguyên tắc, trong chu trình phát triển 360 ngày thì 150 ngày đầu cây mía đã chuyển sang giai đoạn làm đường từ những gì đã tích trữ. Sau giai đoạn nửa đầu này, nếu còn tiếp tục bón phân đạm, nguồn dinh dưỡng không được cây tích lũy để tạo đường mà dành ra một phần để phát triển các chồi non vô hiệu. Các chồi vô hiệu này không thể tính ra đường được.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn