Được cơ chế đặc thù, TP.HCM vẫn nợ vài câu trả lời

Thứ bảy, 25/11/2017, 10:36
Ngày 24/11, dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Quốc hội thông qua.

Được vượt rào nhiều quy định

Dù một số cơ chế Chính phủ đề xuất đã bị rút, như thí điểm thuế tài sản, song với nghị quyết này TP.HCM vẫn được cho phép "vượt rào" khá nhiều quy định trong quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế uỷ quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của các bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.

Theo Nghị quyết, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

HĐND TP cũng được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của Luật Đầu tư công.

HĐND TP cũng được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Nghị quyết cũng cho phép ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.

TP thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP được quyết định.

TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

TP.HCM được hưởng nhiều cơ chế đặc thù.

Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

HĐND TP quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP.

Những câu hỏi chờ TP.HCM trả lời

Nghị quyết đã được thông qua, tuy nhiên, ba câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra trước đó vẫn chưa được trình bày rõ ràng trong bản nghị quyết này.

Thứ nhất, cơ chế đặc thù mang lại cho TP.HCM nguồn lực lớn thế nào? Cho đến nay vẫn không một con số khái toán nào được đưa ra nhằm giúp ai quan tâm ước lượng TP.HCM sẽ nhận bao nhiêu ngàn tỷ đồng từ cơ chế đó. Điều này đồng thời làm giảm khả năng giám sát của dư luận, thậm chí, của cơ quan giám sát cao nhất về cách thức TP.HCM sử dụng nguồn lực trên.

Thứ hai, TP.HCM sẽ dùng ngân sách được giữ lại để làm gì? Những mục tiêu chung chung như đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công hay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thể là lời giải trình thuyết phục người dân mà từng đồng ngân sách đều thuộc về quyền sở hữu của họ. Người ta nhìn ngay sang những lời khẳng định của các đặc khu kinh tế về mức sống, mức thu nhập tương lai. Dù thế nào, đó vẫn là cái đích để hướng đến, đồng thời, là căn cứ để quy trách nhiệm.

Thứ ba, TP.HCM sẽ kéo các toa tàu khác như thế nào? Dễ thấy, với mức ngân sách được giữ lại, TP.HCM sẽ có nguồn lực dư dả để đầu tư các công trình hạ tầng, cơ sở. Chỉ có điều, dù hiệu quả hay không thì việc mạnh tay chi tiêu đó cũng sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của TP.HCM. Nếu chỉ đặt mục tiêu này, ràng buộc hiệu quả như vậy là ít ỏi. Đặc biệt, nếu đầu tư theo cách này, sức lan tỏa tới các vùng kinh tế khác không thể rõ rệt.

Trao đổi với Nhịp cầu đầu tư về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng TP.HCM nên giải trình cụ thể về mục tiêu và đường hướng sử dụng những điều kiện thuận lợi được cấp để phát triển kinh tế. “Không chỉ là xin cơ chế mà quan trọng hơn là xin rồi thì sử dụng ra sao".

Thậm chí, cần có một nghiên cứu sâu và cụ thể về vấn đề này. Điều này cũng làm tăng tính minh bạch trong sử dụng ngân sách quốc gia, tránh những vấn đề tham nhũng, tư túi hoặc sử dụng ngân sách không đúng mục đích.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn